Vai trò của báo chí cách mạng trong Chiến thắng Điện Biên Phủ

09:49 | 07/05/2024
Một tờ báo được tổ chức và xuất bản ngay trong lòng chiến dịch. Trong 56 ngày đêm, 33 số báo được phát hành và chỉ có 5 cán bộ, phóng viên, họa sĩ thực hiện trong làn mưa bom, bão đạn... Đó là tờ Quân đội nhân dân (QĐND) tiền phương - tờ báo đã khẳng định được sự thành công, tính độc đáo và phong phú của mình. Mỗi trang báo là một thứ vũ khí sắc bén, phản ánh sâu sắc, toàn diện tình hình chiến sự trên mặt trận Điện Biên..., góp phần cổ vũ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ và dân công trên chiến trường.

Làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ở mặt trận Điện Biên Phủ có vai trò đóng góp đặc biệt quan trọng của “binh chủng báo chí”. Không khí làm báo trên mặt trận Điên Biên Phủ lúc bấy giờ thế nào? Vai trò của báo chí trong Chiến thắng Điện Biên Phủ ra sao? Phóng viên (PV) Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã có cuộc trao đổi với Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, nguyên Phó Tổng biên tập Báo QĐND về vấn đề này.

DẤN THÂN VÀO MẶT TRẬN CHIẾN DỊCH

PV: Có thể nói, chưa có chiến dịch nào trong kháng chiến chống thực dân Pháp lại thu hút đông đảo lực lượng những người làm báo như trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt có 1 tờ báo đã đóng đại bản doanh, sản xuất, phát hành ngay tại mặt trận, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Nhà báo Đỗ Phú Thọ: Đó là Báo QĐND. Hồi đó Báo QĐND có 2 sở chỉ huy, 1 sở chỉ huy đại bản doanh gọi là sở chỉ huy hậu phương đặt ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và 1 tờ báo tiền phương đặt ngay trong lòng chiến dịch. Lúc bấy giờ, phóng viên kiêm biên tập viên rất ít, chỉ có 5 người thôi, nhưng nhà báo vừa là người phát hành vừa là người đọc báo. Phóng viên đi khắp các chiến hào giữa lòng chảo Điện Biên thu thập tin tức, đọc báo cho cán bộ, chiến sĩ nghe, vì thời đó nhiều cán bộ, chiến sĩ không biết chữ. Đồng thời mang tờ báo xuất bản nóng hổi tại mặt trận đi để cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến trên mặt trận nóng bỏng này...

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng phát biểu rằng, trên chiến trường Điên Biên Phủ có một binh chủng đặc biệt đó là binh chủng báo chí. Binh chủng báo chí có tác dụng rất lớn trong việc động viên cán bộ, chiến sĩ, dân công hoàn thành nhiệm vụ của mình trên chiến trường.

PV: 1946-1954 là giai đoạn lịch sử rất quan trọng và đặc biệt quan trọng đối với báo chí, bởi đây là giai đoạn đầu tiên nước nhà độc lập, tự do. Ông có thể chia sẻ thêm về công việc của những người làm báo cách mạng thời bấy giờ. Đặc biệt là trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ?

Các nhà báo đọc và đánh máy, xuất bản báo tại mặt trận Điện Biên Phủ

Nhà báo Đỗ Phú Thọ: Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam gần 100 năm qua, bắt đầu từ khi ra đời Báo Thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo và viết bài cho tờ báo này. Nhưng báo chí cách mạng Việt Nam bắt đầu sang trang từ năm 1945, khi đất nước ta đã giành được chính quyền. Lúc bấy giờ số lượng các nhà báo rất ít, các nhà báo chuyên nghiệp càng ít hơn, tuy nhiên chúng ta có sức mạnh quần chúng, nhiều nhà báo không chuyên sau đó đã trở thành nhà báo nổi tiếng.

Các nhà báo dấn thân vào mặt trận chiến đấu, mặt trận khắc phục tàn dư của chế độ thực dân phong kiến để lại. Lúc đó, Báo QĐND tiền thân là tờ Tiếng súng reo, tờ Vệ Quốc quân và tờ Quân du kích. Năm 1950, Báo QĐND mới ra số đầu tiên, nhưng trước đó, các tờ báo tiền thân đã hoạt động rồi.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc bấy giờ chưa có truyền hình, ngoài Báo QĐND xuất bản tại tiền phương thì còn nhiều cơ quan báo chí khác như Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, báo của các liên khu, chiến khu hoạt động rất mạnh, tạo thành lực lượng rất đặc biệt, cổ vũ, động viên, giúp cán bộ, nhân dân, chiến sĩ, dân công hiểu được tình thế lúc bấy giờ và quan trọng nhất là báo chí đã làm rất tốt công tác địch vận. Nhiều sĩ quan của Pháp, lực lượng chống đối khi nghe chúng ta tuyên truyền về Điện Biên Phủ đã đầu hàng, quay về với Việt Minh, chính quyền cách mạng.

PV: Thưa ông, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam thời đó nói về chiến dịch Điện Biên Phủ như thế nào? Báo chí hậu phương đã làm gì trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ?

Nhà báo Đỗ Phú Thọ: Theo tư liệu chúng tôi nắm được cũng như các nhân chứng lịch sử, thời đó, mới chỉ có báo in và phát thanh, chưa có truyền hình, nhưng các binh chủng báo chí này phối hợp với nhau rất chặt chẽ. Lúc bấy giờ, chúng ta có báo tiền tuyến, báo hậu phương, báo của các chiến khu, liên khu, báo của đảng bộ các địa phương. Có thể nói, lúc bấy giờ rất nhiều tờ báo, phương tiện in thô sơ chủ yếu là in rô-nê-ô (đánh máy chữ trên giấy nến sau đó đổ mực vào hộp đựng rồi quay tay, mỗi vòng in một tờ giấy khổ A4), thậm chí có những tờ báo chép bằng tay sau đó nhân bản bằng chép tay. Không khí của mặt trận báo chí thời đó rất sôi động. Nhiều đồng chí còn lưu những tờ báo chép tay thời ấy đến tận bây giờ. Người ta truyền tay nhau, mang hơi thở từ hậu phương ra tiền tuyến, mang niềm vui chiến thắng từ tiền tuyến về hậu phương. Lúc bấy giờ, việc liên lạc giữa các mặt trận, giữa các chiến khu, địa phương với nhau rất khó khăn, chỉ bằng con đường chạy bộ. Người ta mang những công văn, giấy tờ, mang tin tức từ mặt trận về hậu phương và từ đó lan tỏa trở lại chiến trường, tạo thành cầu nối giữa sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch với cán bộ, chiến sĩ và dân công trên mặt trận.

NHỊP ĐỘ RA BÁO THEO “NHỊP THỞ” CHIẾN TRƯỜNG

PV: Có thể nói chiến trường Điện Biên Phủ thời bấy giờ rất gian nan, hiểm nguy. Vậy không khí hoạt động của báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ thời đó thế nào, thưa ông?

Nhà báo Đỗ Phú Thọ: Theo lời kể của các nhân chứng đã tham gia tác nghiệp tại Điện Biên Phủ thì không khí làm báo ở đó đúng là không khí làm báo của chiến trường và chiến thắng. Số lượng nhà báo khi đó ít lắm, nhưng các nhà báo lúc bấy giờ có thể làm bất cứ công việc gì. Họ vừa là nhà báo vừa là chiến sĩ. Bên cạnh cuốn sổ và cây bút, lúc nào cũng có khẩu súng kề bên. Các nhà báo tự đào hầm hào cho mình và sẵn sàng giúp đỡ xưởng in cõng máy khi di chuyển, rồi mang báo đến các chiến hào, đọc báo cho bộ đội và dân công nghe. Thời đó, các nhà báo QĐND phần lớn có trình độ nghiệp vụ nhất định, có kiến thức văn hóa. Do đó, ngoài làm báo còn làm rất tốt công tác tuyên truyền, điển hình như nhà báo Phú Bằng còn giúp cán bộ cơ quan chức năng hỏi cung địch… Trên mặt trận Điện Biên Phủ, báo chí không đơn thuần là báo chí, mà đã phát huy tính đa năng, một thế mạnh riêng có của báo chí cách mạng trên mặt trận này.

Các trang báo được xuất bản tại mặt trận chiến dịch Điện Biên Phủ

PV: Thưa Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, có người kể rằng, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhịp độ ra báo theo nhịp thở của chiến trường, không ấn định theo ngày giờ cố định. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Nhà báo Đỗ Phú Thọ: Theo hồi ức của các phóng viên chiến trường cũng như tư liệu của Báo QĐND, lúc bấy giờ Báo QĐND xuất bản ở hậu phương Định Hóa, Thái Nguyên thì xuất bản định kỳ, còn báo tiền phương thì không có định kỳ. Khi nào đủ thông tin là cho xuất bản. Trong suốt 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ, Báo QĐND xuất bản được 33 số, bình quân 2 ngày xuất bản 1 tờ báo. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngày hôm trước ra báo, ngày hôm sau có ngay, nhưng đôi khi phải đợi 3-4 ngày mới xuất bản 1 tờ báo vì phải chờ đợi thông tin.

THÔNG TIN LÀM LUNG LẠC Ý CHÍ BÁM TRỤ CỦA KẺ THÙ

PV: Có ý kiến cho rằng, báo chí trên mặt trận Điện Biên Phủ đã đi sâu vào những câu chuyện trong thực tiễn chiến đấu, những câu chuyện nhân văn... có sức lay động lòng người và động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Nhà báo Đỗ Phú Thọ: Theo hồi ức của các cán bộ Báo QĐND, lúc bấy giờ phương tiện in, phát hành rất khó khăn. Nếu sang trọng thì đưa báo lên xe đạp chở đi, còn phần lớn đi bộ để phát hành, nhưng việc lan tỏa công việc của cán bộ, chiến sĩ, dân công trên mặt trận chiến dịch thì được các nhà báo miêu tả rất tỉ mỉ. Đó là về sáng kiến đào hào, về gương của một chị dân công có sáng kiến hay trong kéo pháo và sau khi tuyên truyền đã được nhân rộng ra toàn chiến trường, hoặc có những câu chuyện hết sức sinh động kể về việc tra hỏi tù binh trên chiến trường Điện Biên Phủ… Những câu chuyện như thế lan tỏa trên báo, phía kẻ thù thực dân Pháp đọc được đã làm lung lạc ý chí bám trụ tại Điện Biên Phủ.

Một trang Báo QĐND xuất bản tại mặt trận Điện Biên Phủ và biểu tượng ghi dấu tòa soạn tiền phương và nhà in Báo QĐND tại mặt trận Điện Biên Phủ - Ảnh: Tư liệu

PV: Báo chí đã biến nội dung những văn kiện quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ thành nguồn sức mạnh tinh thần của bộ đội trước giờ xung trận. Điều này đã tác động ra sao đối với hậu phương, đặc biệt là đối với quốc tế, với nước Pháp lúc bấy giờ, thưa ông?

Nhà báo Đỗ Phú Thọ:  Binh chủng báo chí lúc bấy giờ cung cấp thông tin từ chiến trường về cho hậu phương, giúp hậu phương yên tâm đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Báo chí cung cấp thông tin từ hậu phương cho cán bộ, chiến sĩ và dân công trên mặt trận, giúp họ vững tâm thực hiện nhiệm vụ và điều quan trọng là lan tỏa thông tin cho cả thế giới biết chúng ta đang chiến đấu và từng bước chiến thắng thực dân Pháp. Thắng lợi của ta trên chiến trường, đặc biệt là những câu chuyện rất sinh động kể về cuộc kháng chiến của ta đã tác động rất lớn đối với một số nước trên thế giới. Lúc bấy giờ phong trào phản đối chiến tranh, phong trào không cho con em của họ sang Đông Dương chiến đấu nổi lên ở Pháp, cũng như một số nước... Có thể nói, đó là thắng lợi trên mặt trận báo chí trong thời điểm bấy giờ.

PV: Theo ông, tinh thần báo chí cách mạng trong chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa như thế nào đối với báo chí cách mạng trong giai đoạn hiện nay?

Nhà báo Đỗ Phú Thọ: Thời bấy giờ chúng ta chưa có phương tiện hiện đại để làm báo. Cả tòa soạn tiền phương cho đến khi chiến dịch kết thúc, Báo QĐND không có máy ảnh nào, nhưng các nhà báo đã khắc phục khó khăn hoàn thành 33 số báo. Tinh thần đó vẫn cổ vũ, lan tỏa trong giai đoạn hiện nay. Báo chí cách mạng hiện nay bị cạnh tranh gay gắt trước internet và mạng xã hội, trước những quan điểm sai trái, thù địch ngày đêm chống phá. Vì vậy, tinh thần Điện Biên Phủ vẫn phải tỏa sáng trong giai đoạn hiện nay, bằng cách các nhà báo hãy rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, rèn luyện ngòi bút, tay máy của mình để dấn thân, dám chịu hy sinh để chúng ta hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước đặt trên vai những người làm báo cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà báo Đỗ Phú Thọ!

Minh Nhâm - Minh Luận (thực hiện)
Nguồn: Báo Bình Phước

Tin cùng chuyên mục

Sau khi được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công nhận, UBND tỉnh Sơn La sẽ đẩy mạnh trong việc tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du ..
07:49 | 19/05/2024
Bình Định - vùng đất miền Trung không chỉ được biết đến là vùng đất võ, cùng những trận đánh của đội quân Tây Sơn, mà còn là xứ sở của cảnh đẹp và của..
06:27 | 19/05/2024
Cuốn sách ''Từ Việt Bắc về Hà Nội'' - tập thứ 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập ''Nước non vạn dặm'' của Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ vừa ra mắt bạn đọc nhân kỷ n..
09:40 | 18/05/2024
Khi nhắc đến những món ăn ngon Hà Nội, không thể không nhắc đến miến lươn. Sự kết hợp giữa lươn và miến đem đến một món ăn vừa cung cấp năng lượng, vừ..
06:30 | 18/05/2024
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa có văn bản khẳng định, người được cho là 'Sư Thích Minh Tuệ' không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và k..
16:19 | 17/05/2024
Ngày 17/5, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai mạc Triển lãm ''Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ'' nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ C..
08:50 | 17/05/2024
Bánh canh cá lóc là món ăn dân dã, thường được bán ở các vỉa hè, phố nhỏ và có nguồn gốc từ khu vực Bình Trị Thiên. Mặc dù được chế biến đơn giản, bao..
06:30 | 17/05/2024
Nếu quý vị đã quá ngán với những món ăn sáng quen thuộc như phở, bún, miến thì bánh canh có thể sẽ là một sự lựa chọn thú vị để làm cho thực đơn bữa s..
07:09 | 16/05/2024
Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ được tổ chức vào tháng Sáu tới, đúng dịp Tết Đoan Ngọ năm nay. Đây là lần đầu tiên Lễ hội trái cây quy mô cấp v..
07:06 | 16/05/2024
Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 5 đơn vị nghệ thuật tại Hà Nội sẽ biểu diễn tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã địa bàn thàn..
06:52 | 16/05/2024

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06 /5 /2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com /0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
VPHN Trưởng Ban Thời sự Giang Thị Hoa
Tel: 024 39 195 195 * Fax: 024 39 196 196

icon facebook  icon-zalo  icon youtube  www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Chung nhan Tin Nhiem Mang

VĂN PHÒNG - KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ
Trưởng VP Đồng Nai Nguyễn Duy Khương

VP HCM: 138 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3
Trưởng VP TP. HCM Nhà báo Đinh Gia Cư
Tel: (028) 39181920 * Fax: (028) 39181920

(*)Không sao chép dưới mọi hình thức
Tra cứu  | Đường Dây nóng: 09 05 08 2014

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up