Quảng Nam: Dấu ấn phát triển công nghiệp

14:37 | 08/04/2022
Qua 25 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông chậm phát triển, Quảng Nam đã có những bước đột phá để trở thành một tỉnh phát triển công nghiệp năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Xe bus Thaco xuất khẩu sang Philippines tại Cảng Chu Lai. Ảnh: N.T.B

Dấu ấn

Ông Đinh Văn Thu – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chủ trương xuyên suốt của tỉnh là “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư” để phát triển kinh tế - xã hội. Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (nay là Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế) trực tiếp thực hiện cơ chế thông thoáng “một cửa tại chỗ”, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư. Đây chính là tiền đề quan trọng thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến Quảng Nam.

>> Hiện toàn tỉnh có 14 KCN với tổng diện tích gần 3.677ha; trong đó có 10 KCN đã đi vào hoạt động và 4 KCN đang triển khai. Tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 8.925 tỷ đồng và thực hiện 3.600 tỷ đồng (40%); thu hút được 225 dự án đầu tư, trong đó có 151 dự án đầu tư trong nước và 74 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 74.446 tỷ đồng. Năm 2021, các KCN Quảng Nam vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh hiệu quả: tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,056 tỷ USD; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 1,8 tỷ USD; giải quyết việc làm ổn định cho 55.000 lao động địa phương.

Khởi đầu từ KCN Điện Nam – Điện Ngọc tại thị xã Điện Bàn, quy mô 145ha (năm 1996), do Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Quảng Nam – Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Ngay từ đầu, KCN này đã được áp dụng theo phương thức cuốn chiếu, hoàn thiện từng hạng mục với chất lượng cao, nên đã thỏa mãn yêu cầu của nhiều nhà đầu tư.

Năm 1999, KCN bắt đầu thu hút dự án và sau đó mở rộng diện tích thành 390ha, tỷ lệ lấp đầy 92%. Đến nay, KCN thu hút 44 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 4.133 tỷ đồng và 33 dự án FDI trị giá hơn 361 triệu USD, giải quyết việc làm cho 27 nghìn lao động, đóng góp gần 30% giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) và 31% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Sự phát triển của các KCN, cụm công nghiệp (CCN) làm thay đổi diện mạo và quy mô công nghiệp, tạo chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế Quảng Nam giai đoạn 1997 - 2022.

Công nghiệp - xây dựng từ 19% lên 34,7%; dịch vụ từ 31% lên 32,8%; nông nghiệp từ 50,5% giảm xuống còn 14,1%. Phần lớn dự án đầu tư vào các KCN tỉnh đều có công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại. Sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao so với các mặt hàng sản xuất trong và ngoài nước, góp phần làm tăng GTSXCN trên toàn tỉnh.

Dấu ấn đậm nét là Công ty CP Ô tô Trường Hải – Thaco đồng hành với sự ra đời của Khu kinh tế mở Chu Lai từ năm 2003 đến nay. Thaco đã tiên phong đột phá, hình thành hệ sinh thái đa ngành mà chủ lực là sản xuất ô tô theo chuỗi giá trị toàn cầu trên quy mô 1.280ha (gồm KCN cơ khí ô tô, KCN cảng và hậu cần cảng Chu Lai, KCN chế biến nông lâm sản và Khu đô thị Chu Lai), tổng vốn 80.500 tỷ đồng, với 40 công ty, đơn vị hợp tác quốc tế, hàng năm đóng góp từ 50 - 60% ngân sách cho tỉnh.

Thaco không chỉ trở thành “Cánh chim đầu đàn” của công nghiệp Quảng Nam mà còn là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam hội nhập quốc tế ngày nay.

Theo quy hoạch từ nay đến năm 2035, Quảng Nam sẽ phát triển 93 CCN với quy mô 2.759ha. Năm 2021, trong 55 CCN tập trung đã có 179 dự án đầu tư đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 6.382 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 29.718 lao động địa phương.

Qua đó, cùng với các KCN thúc đẩy GTSXCN cả tỉnh tăng 9,1%, góp phần phục hồi và đưa kinh tế Quảng Nam phát triển, xếp vị trí thứ 2 trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố cả nước về tốc độ tăng trưởng năm 2021.

Định hướng phát triển

Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Quảng Nam đầu tư phát triển KCN Tam Thăng mở rộng, quy mô gần 249ha tại xã Bình Nam (Thăng Bình), tổng mức đầu tư hơn 768 tỷ đồng, thời gian 50 năm (kể từ ngày 24.1.2022). Và Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai - Cizidco được giao làm nhà đầu tư phát triển KCN này.

Cizidco là doanh nghiệp nhà nước, nguồn vốn 60 tỷ đồng nhưng đã làm chủ đầu tư thành công KCN Bắc Chu Lai và KCN Tam Thăng. Đến năm 2021, hai KCN này thu hút được 24 dự án đầu tư trong nước và 27 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 4.500 tỷ đồng và 682 triệu USD; tạo doanh thu 22.810 tỷ đồng, nộp ngân sách 598 tỷ đồng và giải quyết việc làm ổn định cho 19.500 lao động.

Đáng kể, đến nay quỹ đất quy hoạch phát triển KCN của tỉnh gần như sử dụng hết. Do đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang thẩm định dự án đầu tư KCN cơ khí ô tô Chu Lai Thaco mở rộng diện tích 115ha, làm tiền đề hình thành Trung tâm Công nghiệp cơ khí - ô tô của miền Trung.

Ban Quản lý các KCN và khu kinh tế Quảng Nam cũng khảo sát, đề xuất 3 KCN mới gồm: KCN Nam Thăng Bình (449,43ha), KCN Bắc Thăng Bình (239ha) và KCN Phú Xuân (108ha), bổ sung vào quy hoạch. Dự kiến phát triển thêm 4.000ha đất KCN tại các vị trí mới trên đường Võ Chí Công, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, quốc lộ 14D, 14E…

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định tập trung phát triển công nghiệp, đưa Khu KTM Chu Lai thành đầu tàu thúc đẩy sự phát triển tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, Ban Quản lý các KCN và khu kinh tế đề xuất các nhóm giải pháp triển khai đồng bộ. Trước hết, Quảng Nam cần phối hợp các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, chính sách đất đai khi triển khai các dự án đầu tư vào khu kinh tế mở. Trong đó, lưu ý đến quy trình, tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực và kinh nghiệm.

Xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển các KCN Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để làm định hướng quy hoạch và phát triển các KCN của tỉnh. Tập trung hỗ trợ đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các KCN, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu tái định cư để di dời dân. Bên cạnh các hạ tầng kỹ thuật, cần xây dựng chính sách thu hút các dự án hạ tầng xã hội hỗ trợ các KCN.

Đặc biệt, kiên quyết chuyển đổi mô hình hoạt động các KCN theo hướng có ngành công nghiệp chủ đạo làm thế mạnh để thu hút đầu tư, tạo chuỗi giá trị theo ngành. Đồng thời, xây dựng các KCN mới theo hướng phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN hỗ trợ đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Tập trung đầu tư hạ tầng sân bay Chu Lai, hệ thống cảng biển, cửa khẩu quốc tế Nam Giang, đầu tư nâng cấp quốc lộ 14D, 14E góp phần phát triển hệ thống logictic kết nối với các địa phương, thu hút các nhà chiến lược đến đầu tư.

NGUYỄN THANH BÌNH

Nguồn Báo Quảng Nam

Tin cùng chuyên mục

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh số bán xe điện có thể đạt khoảng 17 triệu chiếc trong năm nay, chiếm hơn 1/5 số ô tô bán ra trên thế giới.
01:09 | 25/04/2024
Sáng 23/4 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức họp báo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam qua Ấn bản tháng 4 năm 2024, với tiêu đề ''Đâ..
00:31 | 25/04/2024
Lạc quan về tăng trưởng GDP quý I/2024, tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam không chủ quan với mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
09:54 | 24/04/2024
Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi gặt hái được kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng tăng trong bối cảnh hoạt động đầu t..
09:06 | 24/04/2024
Quý I/2024 sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh, với mục tiêu IIP tăng khoảng 7-8% năm 2024, Bộ Công Thương và các địa phương đã và đang quyết liệt vào ..
09:47 | 23/04/2024
Theo chuyên gia, các quốc gia như Việt Nam đang trở thành những trung tâm sản xuất hàng đầu trong quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
10:13 | 22/04/2024
Sản xuất công nghiệp quý I/2024 tiếp tục xu hướng tăng trưởng dương, dự báo quý II/2024, tình hình sản xuất công nghiệp sẽ khả quan hơn quý trước.
09:32 | 22/04/2024
Doanh nghiệp dệt may trong nước ''thấp thỏm'' lo về tình hình đơn hàng cuối năm, đồng thời xoay sở với thiếu lao động, chi phí tăng.
08:47 | 21/04/2024
Công nghiệp chế biến, chế tạo được đánh giá là lực đẩy số một trong mở rộng sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế. Đứng về quy mô, ngành công nghiệp n..
14:33 | 20/04/2024
Tại Việt Nam, sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam chuyển dịch xanh và bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero.
09:28 | 20/04/2024

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06 /5 /2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com /0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
VPHN Trưởng Ban Thời sự Giang Thị Hoa
Tel: 024 39 195 195 * Fax: 024 39 196 196

icon facebook  icon-zalo  icon youtube  www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Chung nhan Tin Nhiem Mang

VĂN PHÒNG - KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ
Trưởng VP Đồng Nai Nguyễn Duy Khương

VP HCM: 138 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3
Trưởng VP TP. HCM Nhà báo Đinh Gia Cư
Tel: (028) 39181920 * Fax: (028) 39181920
Tra cứu  | 
Đường Dây nóng: 09 05 08 2014
 

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up