Việt Nam đã có những thành công đáng ghi nhận trong việc thu hút các dự án FDI lớn vào các ngành công nghiệp.
Bứt phá ngay từ tháng đầu năm
Tháng 1/2025, Việt Nam ghi nhận hơn 4,33 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước. Con số này không chỉ phản ánh sự bứt phá mạnh mẽ mà còn khẳng định sức hút của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.

Việt Nam đã có những thành công đáng ghi nhận trong việc thu hút các dự án FDI lớn vào các ngành công nghiệp. Ảnh:TTXVN
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam đã có những thành công đáng ghi nhận trong việc thu hút các dự án FDI lớn vào các ngành công nghiệp. Nhiều dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, phát triển hệ thống doanh nghiệp cung ứng nội địa, giải quyết việc làm tại địa phương và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Một số tập đoàn lớn đã mở rộng nhà máy và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam như Samsung, Apple, Marvell, NVIDIA, BYD.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 38,23 tỷ USD. Trong đó, sản xuất công nghiệp là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, bước sang năm 2025, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng đầu năm đã có hơn 4,33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ghi nhận về cơ hội thu hút FDI vào Việt Nam, ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, năm 2025, Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á. Sự ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sản xuất công nghiệp. Trong đó, những cơ hội lớn nhất cho doanh nghiệp ngành công nghiệp nước ta có thể kể đến như thu hút nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu…
Đơn cử, thị trường điện thoại di động, ngành điện tử Việt Nam đã trở thành một điểm sáng với sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng khổng lồ, trong đó Apple ghi nhận thành công vượt bậc. 3 đối tác lớn của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và GoerTek cũng đã liên tục mở rộng cơ sở sản xuất điện tử. Foxconn sau khi đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng cơ sở sản xuất, tới đây sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào nhà máy Fukang đang xây dựng tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Trong khi đại diện Goertek cho biết, tiếp tục đầu tư 300 triệu USD mở rộng nhà máy tại Bắc Giang; còn Luxshare hiện có 6 nhà máy với khoảng 40.000 nhân sự tại Việt Nam. Pegatron đang mở rộng dự án thứ 2 linh kiện điện tử, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD tại Hải Phòng. Theo kế hoạch, Pegatron sẽ tiếp tục đầu tư dự án thứ 3 với quy mô 500 triệu USD trong giai đoạn 2025 - 2026.
Hay như ngành da giày và dệt may là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, đóng góp đáng kể vào GDP và tạo ra việc làm cho hàng triệu người lao động. Thời gian qua, ngành dệt may nước ta đã trở thành mảnh đất màu mỡ thu hút vốn FDI, thông qua đó đã giúp nâng cao năng lực sản xuất và quy mô xuất khẩu. Việt Nam hiện đang có khoảng 3.500 dự án FDI trong lĩnh vực dệt may, với tổng mức đầu tư trên 37 tỉ USD.
Cần có chọn lọc hướng tới các dự án FDI chất lượng
Thực tế cho thấy, nguồn vốn FDI là yếu tố rất quan trong sẽ có tác động tích cực đến sản xuất công nghiệp, không chỉ giúp tăng cường năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước mà còn tăng cường năng suất lao động, chất lượng sản phẩm thông qua việc chuyển giao công nghệ và thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI đã giúp thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh mẽ vào các khu vực công nghiệp quan trọng này, giúp tăng cường năng lực sản xuất và cung cấp các sản phẩm chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong nước.
Với việc tiếp tục thu hút đầu tư FDI và lĩnh vực công nghiệp các ý kiến cho rằng Việt Nam cần khắt khe hơn trong lựa chọn dòng vốn FDI, tập trung thu hút các dự án FDI có chất lượng, có sức lan tỏa, hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là mục tiêu được Bộ Chính trị đưa ra tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, cụ thể: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...
"Với sự gia tăng của sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Điều đó bắt buộc ngành công nghiệp, doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo tiêu chí chất lượng sản phẩm của thị trường; đầu tư vào các công nghệ sạch, cũng như việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường… "- ông Phạm Nguyên Hùng khuyến nghị.
Để tiếp tục thu hút dòng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương đưa ra một số giải pháp cụ thể, tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ theo các định hướng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ. Từ đó, tạo ra một hệ thống cung ứng tại chỗ đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó trong tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút và giữ chân dòng vốn FDI là bài học kinh nghiệm thành công điển hình của các quốc gia trong khu vực mà tiêu biểu là Thái Lan. Thực tế, trong thời gian trước đây cũng như hiện tại, nhiều nhà đầu tư trong trong các ngành sản xuất đã lựa chọn Thái Lan hoặc Indonesia vì hệ thống cung ứng nội địa của Việt Nam kém cạnh tranh hơn nhiều so với các quốc gia này.
Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, để thu hút thành công và tận dụng hiệu quả nguồn vốn FDI cho sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp trong nước cần phải tăng cường năng lực sản xuất và cạnh tranh.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng nêu giải pháp, các doanh nghiệp trong nước cần có chiến lược ưu tiên cho việc áp dụng công nghệ và thiết bị hiện đại. Đặc biệt, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp cần phải tăng cường năng lực quản lý và điều hành, để có thể quản lý và điều hành hiệu quả nguồn vốn FDI.
Thu hút đầu tư FDI được kỳ vọng tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2025 với nhiều lực đẩy mới, là động lực quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao. Đặc biệt, sự thay đổi về chất của dòng vốn quốc tế sẽ góp phần đưa Việt Nam từng bước tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Duy Anh /Báo Công Thương