NAM ĐỊNH - Xã Hải Phương (Hải Hậu) hiện có hơn 20 hộ gia công đồ gỗ và 5 cơ sở làm nhà gỗ truyền thống. Trong đó cơ sở sản xuất nhà gỗ dáng cổ của ông Hoàng Văn Thanh (57 tuổi) và cơ sở sửa chữa, phục chế nhà gỗ cổ của ông Hà Văn Cư (48 tuổi) có quy mô lớn. Với sự tài hoa và niềm đam mê, các ông đã phục dựng nhiều ngôi nhà gỗ truyền thống mang đậm nét văn hóa và nghệ thuật kiến trúc của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Cơ sở sản xuất nhà gỗ dáng cổ của ông Hoàng Văn Thanh (đứng thứ 2 từ phải sang) xóm 1, xã Hải Phương (Hải Hậu)
Về xóm 1, xã Hải Phương, chúng tôi ấn tượng bởi tiếng đục chạm, tiếng máy xẻ gỗ cùng không khí lao động hăng say của những người thợ tại cơ sở sản xuất nhà gỗ dáng cổ Hoàng Thanh. Trong xưởng, các loại gỗ “tứ thiết” được đánh dấu cẩn thận để những người thợ ở từng bộ phận chế tác. Ông Hoàng Văn Thanh, chủ cơ sở đang tỉ mẩn nghiên cứu bản thiết kế một ngôi nhà gỗ của khách để chỉ đạo thợ thi công. Trong câu chuyện, chúng tôi được biết ông Thanh xuất thân trong một gia đình Công giáo có truyền thống làm nghề chế tác các sản phẩm gỗ. Sau một thời gian bôn ba khắp trong Nam ngoài Bắc để vừa học vừa làm nghề, năm 2002, ông về quê phục dựng xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất của gia đình. Năm 2005, trong một lần tham quan một ngôi nhà gỗ ở Hà Nội, ông mê mẩn nghiên cứu cách làm. Với tinh thần cầu thị học hỏi, ông đã nhanh chóng nắm bắt được các công đoạn và kỹ thuật thiết kế nhà gỗ. Năm 2006, ông mở rộng xưởng và chính thức nhận làm những công trình nhà gỗ dáng cổ. Thời gian đầu ông cũng gặp nhiều khó khăn: Xưởng nằm trong làng nên việc vận chuyển gỗ nguyên liệu gặp nhiều trở ngại; số lượng đơn đặt hàng ít... Với quyết tâm bám trụ với nghề, ông trực tiếp tham gia làm các công đoạn cấu kiện gỗ và mời những thợ có tay nghề về làm tại xưởng. Đến nay xưởng sản xuất nhà gỗ của ông Thanh đã có 32 thợ lành nghề. Sản phẩm của cơ sở đã khẳng định được uy tín trên thị trường, số lượng khách hàng ngày một nhiều. Theo ông Thanh, đặc trưng của nhà dáng cổ là mọi chi tiết gỗ được chạm trổ mềm mại, tinh tế, dùng mộng để lắp ghép. Bởi vậy, khi nhận làm một công trình nhà dáng cổ đều làm theo quy trình chặt chẽ. Ban đầu, ông Thanh trực tiếp đo đạc diện tích khuôn đất dựng nhà, sau đó vẽ bản thiết kế chi tiết ngôi nhà và tính toán chính xác khối lượng gỗ để làm. Trung bình, một ngôi nhà rộng khoảng 200m2 cần tới hơn 30 thợ làm trong khoảng 3 tháng. Các loại gỗ được ưa chuộng để dựng nhà dáng cổ thường là xoan, lim, mít. Một ngôi nhà dáng cổ nếu làm bằng gỗ xoan có giá từ bảy tới tám trăm triệu đồng; còn gỗ lim khoảng 3 tỷ đồng. Nhà gỗ dáng cổ phải đi đôi với đồ gỗ nội thất truyền thống. Vì thế, xưởng gỗ của ông Thanh còn chế tác cả những sản phẩm như đồ thờ, cửa võng, cuốn thư, câu đối sơn son thếp vàng... Ngoài những công trình nhà gỗ ba gian, năm gian cổ truyền, ông và các hiệp thợ đã tham gia tu bổ, phục dựng những công trình tâm linh như đình, đền, chùa ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Ông Thanh chia sẻ: “Làm nhà gỗ trải qua nhiều công đoạn, quy trình. Những công trình tâm linh nếu chỉ bằng tài hoa, trí tuệ vẫn chưa đủ mà còn phải có đam mê và cao hơn là phải có cái tâm của người làm nghề...”.
Ở xóm 6, xã Hải Phương, ông Hà Văn Cư nổi tiếng với cơ sở sửa chữa, phục chế nhà gỗ cổ. Là người Công giáo nhưng ông Cư lại có duyên với việc phục chế các di tích đình - chùa và nhà cổ. Với sở thích tự mày mò tìm hiểu các kiểu họa tiết trên gỗ, chỉ cần nhìn hoa văn khắc họa trên nhà và loại gỗ, kiểu cách là anh Cư biết được niên đại của công trình. Để phục dựng thành công nhiều ngôi nhà gỗ cổ, anh Cư đã chiêu mộ gần 30 thợ giỏi về làm tại cơ sở sản xuất của mình. Anh Cư cho biết mỗi ngôi nhà cổ qua phục chế chỉ đạt 60% đến 70% giá trị cũ, bởi không tìm đâu được những nghệ nhân chạm khắc điêu luyện như xưa. Muốn dựng một ngôi nhà gỗ cổ khớp từng chi tiết, khi nhận một công trình, anh thường hội ý với những thợ mộc giỏi để xác định cự ly của tim cột cái, tụ chồng bò, tụ xà máng, tim tụ cột quân...; trao đổi với những thợ chuyên đắp hoa văn cổ truyền sao cho hợp phối cảnh ngôi nhà. Những công việc đòi hỏi tay nghề cao và lòng kiên trì ở người thợ phục dựng nhà cổ như làm các cột cái, cột con, cột quân, xà lòng (quá giang), xà nách, xà khóa, bờ, trụ... Mỗi bộ cửa bức bàn cũng đã là công trình nghệ thuật, phải đúng là “Cửa thùng khung khách” - 4 cánh phải là các bức chạm nổi hoặc chạm lộng, các họa tiết theo các tích cổ… Theo anh Cư, mỗi người thợ mộc trước khi làm phải tư duy nhiều mẫu hoa văn ở từng thời kỳ lịch sử, từ đó có những nét sáng tạo trong các tiểu tiết điêu khắc. Với tay nghề thành thạo, những hoa văn tinh xảo trên thân gỗ, người thợ đã thổi hồn mình vào từng tác phẩm. Ngoài ra, để biểu đạt được thần thái của nhà cổ, người thợ phải hiểu biết cặn kẽ các giá trị của ngôi nhà và cả phong tục truyền thống... Với tâm niệm ấy, anh Cư và các hiệp thợ của mình đã phục chế và làm mới nhiều nhà gỗ Bắc Bộ, trong đó có các di tích lịch sử văn hóa như: Chùa Đoan Nghiêm, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) và nhiều ngôi chùa ở tỉnh Thái Bình.
Kiến trúc nhà gỗ cổ truyền đồng bằng Bắc Bộ đã tồn tại hàng nghìn năm. Với niềm đam mê nhà gỗ truyền thống, ông Hoàng Văn Thanh và ông Hà Văn Cư không chỉ tạo việc làm cho lao động ở địa phương mà qua việc phục chế nhà cổ, đã góp phần bảo tồn, phát huy nét văn hoá truyền thống của dân tộc./.
Bài và ảnh: Viết Dư
Báo Nam Định