Chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất phụ tùng tàu thuyền của cựu quân nhân Nguyễn Thế Kiên, Giám đốc Công ty Vật tư thiết bị đường thuỷ Nam Định, ở phường Trần Quang Khải (thành phố Nam Định) vào một ngày đầu Xuân năm mới. Từ trong xưởng tiếng động cơ của các loại máy vang lên ồn ã, dồn dập, báo hiệu nhịp làm việc khẩn trương, sôi động. 3 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tình hình thế giới, ngành sản xuất cơ khí nói chung gặp những khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự ''chèo lái'' của ông Kiên, công ty vẫn có đơn hàng ''đều đều'', sản xuất ổn định, doanh thu cao.
Ông Nguyễn Thế Kiên (bên phải), Giám đốc Công ty Vật tư thiết bị đường thuỷ Nam Định, phường Trần Quang Khải (thành phố Nam Định) là tấm gương cựu quân nhân làm kinh tế giỏi
Sau 4 năm phục vụ trong Bộ Tư lệnh thông tin, năm 1989, ông Kiên xuất ngũ về địa phương. Về thành phố Nam Định, ông xin vào làm ở Công ty Vật liệu chất đốt thành phố. Tuy nhiên sau 3 năm thì công ty giải thể, ông Kiên “xoay” sang bán dầu mỡ cho các tàu ở cảng Nam Định. “Đây cũng là “cơ duyên” đưa tôi đến với nghề sản xuất phụ tùng tàu thuyền sau này. Nhờ buôn bán dầu mỡ mà tôi có cơ hội tìm hiểu về ngành hàng hải, tàu thuyền, các phụ tùng, thiết bị dùng cho tàu thuyền đi biển. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi nhận thấy đây không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn giúp tôi thoả mãn niềm đam mê cơ khí, chế tạo các sản phẩm cơ khí tâm huyết của mình”, ông Kiên chia sẻ về “duyên” làm nghề. Ban đầu, do không có kinh nghiệm ông chưa sản xuất được các loại phụ tùng của tàu thuyền mà phải bắt đầu từ việc mua bán đồ cũ. Ông mua các thiết bị cũ của tàu như tời, neo, xích, bơm van… về sửa chữa lại rồi lắp cho các chủ tàu có nhu cầu. Sau một thời gian mua bán phụ tùng, ông Kiên tự mày mò, tìm hiểu và nảy ra ý tưởng sản xuất. Để có thể sản xuất phụ tùng, một mặt ông tự học nghề, mặt khác lên mạng nghiên cứu các bản vẽ về các loại phụ tùng máy móc dành cho ngành hàng hải. “Để có thể đọc hiểu bản vẽ, vẽ được trên máy tính, tôi buộc phải học chương trình AutoCAD. Khi ấy tôi cũng đã gần 50 tuổi, không phải là cái tuổi “dễ học”, dễ “làm quen” với máy tính. Nhưng tôi quyết tâm phải học bằng được để phục vụ cho công việc sản xuất, kinh doanh sau này”, ông Kiên kể thêm.
Học xong chương trình AutoCAD, ông Kiên quyết định mở xưởng. Nói là xưởng nhưng ban đầu cơ sở sản xuất phụ tùng cho tàu thuyền của ông rất “khiêm tốn”, chỉ đủ chỗ cho 2-3 người thợ làm. Tuy vậy, ông Kiên luôn tự động viên bản thân “vạn sự khởi đầu nan”, những khó khăn rồi sẽ qua đi, khi đủ tiềm lực sẽ mở rộng được quy mô sản xuất. Không phụ công người chịu khó, năm 1996, khi xưởng sản xuất phụ tùng tàu thuyền của ông được mở, ông Kiên đã nhận ngay được những đơn đặt hàng lớn của các chủ tàu. Thị trường đánh giá cao các sản phẩm mặt bong tời, neo, hệ thống lái, bơm van, các loại cửa lắp đặt cho tàu đóng mới và sửa chữa… của xưởng ông Kiên bởi chất lượng bền đẹp, giá cả phải chăng, công năng, chất lượng dịch vụ tốt… “Tiếng lành đồn xa”, khách hàng tin tưởng, tìm đến xưởng ngày một nhiều. Gần 11 năm sau khi mở xưởng, đến năm 2007, ông Kiên đã tích luỹ được một số vốn để mở rộng quy mô sản xuất, thành lập Công ty Vật tư thiết bị đường thuỷ Nam Định, hiện thực hoá ước mơ ban đầu với nhà xưởng rộng 1.500m2, nhiều loại máy móc hiện đại có giá trị hàng tỷ đồng như: máy tiện, máy khoan, máy bào, máy phay… Sản phẩm của công ty đã “phủ sóng” hầu hết các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có những tỉnh, thành phố tiêu thụ mạnh gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Thái Bình…
Trong công việc sản xuất của ông Kiên, không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi. 3 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, như nhiều cơ sở sản xuất cơ khí trong tỉnh, công ty của ông Kiên chịu ảnh hưởng nặng nề. “Thời điểm dịch bùng phát, tàu bè không đi lại được nên chúng tôi không có đơn hàng mới. Để duy trì sản xuất, tôi buộc phải có những kế hoạch dài hạn, điều chỉnh phù hợp”, ông Kiên cho biết. Theo đó, một mặt ông cho thợ tiếp tục hoàn thiện các đơn hàng cũ, mặt khác cố gắng đảm bảo mức lương để giữ chân người lao động. Ngoài ra, ông luôn đảm bảo thực hiện yếu tố “tiên quyết” là chất lượng và giá thành sản phẩm phù hợp. “Nỗ lực vượt khó”, định hướng kinh doanh phù hợp của ông Kiên đã giúp công ty dần vượt qua được thời kỳ khó khăn, ổn định việc sản xuất, kinh doanh. Hàng năm, trừ chi phí ông thu về hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức lương từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ là một cựu quân nhân làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Thế Kiên còn là hội viên nhiệt huyết với công tác Hội. Ông Kiên hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh, cựu quân nhân sản xuất, kinh doanh giỏi phường Trần Quang Khải. Trước đó, ông có thời gian 5 năm là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh, cựu quân nhân sản xuất, kinh doanh giỏi thành phố Nam Định. Các hội viên câu lạc bộ thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất; tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh; kết nối bạn hàng; nhận con em cựu chiến binh, cựu quân nhân vào học nghề, tạo công ăn việc làm ổn định… Phần lớn các hội viên trong các câu lạc bộ đều khá giả, có thu nhập ổn định.
Năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong sản xuất, kinh doanh, cựu quân nhân Nguyễn Thế Kiên đang gặt hái được những “quả ngọt” từ sự nỗ lực không ngừng. Chia sẻ về những dự định trong thời gian sắp tới, ông Kiên mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ, các khoản vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, từ đó có điều kiện, cơ hội mua các loại máy móc hiện đại, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Rời nhà xưởng của ông Kiên trong tiếng ồn ã của các loại máy cắt, máy phay… đang hoạt động hết công suất, chúng tôi thầm mong những dự định của người cựu quân nhân đam mê, tâm huyết với nghề sớm trở thành hiện thực./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên
Báo Nam Định