Sau 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trong khối CPTPP tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại sự kiện. Ảnh: L.G
Ngày 2-10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo với chủ đề "CPTPP: Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác châu Mỹ". Hội thảo nhằm trao đổi và tìm kiếm những giải pháp thiết thực tiếp tục giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả CPTPP.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, sau gần 5 năm kể từ khi có hiệu lực (tháng 1-2019), CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực châu Mỹ; đặc biệt là các thị trường thành viên gồm Canada, Mexico, Chile, và Peru; trong đó, Canada, Mexico và Peru là các thị trường lần đầu tiên có quan hệ theo các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỷ USD năm 2023, mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD năm 2023.
Bên cạnh những con số ấn tượng nêu trên, việc tham gia CPTPP đã thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch hơn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành chuyên nghiệp hơn mà còn góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài. Mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ được củng cố qua các cam kết chiến lược.
Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích, thảo luận, tìm giải pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và châu Mỹ xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả tại thị trường khối CPTPP. Các doanh nghiệp có thêm thông tin thị trường, tìm kiếm các giải pháp logistics mới, hiệu quả, và gia tăng khả năng tận dụng các ưu đãi thuế quan trong CPTPP; tăng cường kết nối để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là của các nước thành viên CPTPP.
Các thông tin hữu ích cũng được chia sẻ tại hội thảo từ phía các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đến từ Mexico và Chile liên quan tới lợi thế hợp tác với các đối tác thành viên CPTPP; kế hoạch hợp tác kinh doanh với Việt Nam trong bối cảnh Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; kế hoạch mở rộng hợp tác kinh doanh với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng; nhu cầu về lĩnh vực, số lượng đặt hàng cụ thể của các tập đoàn này...
Lam Giang /Hànộimới