Quan hệ giữa Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và tỷ phú Elon Musk, từ sự hỗ trợ trong tranh cử đến những ảnh hưởng sâu rộng, đang tạo nên những tác động lớn đối với cả chính trị lẫn kinh tế, với Tesla đạt mức vốn hóa 300 tỷ USD kể từ bầu cử.
Trong bài phát biểu chiến thắng vào đêm bầu cử, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã nhắc đến các chủ đề quen thuộc: cảm ơn người ủng hộ, đội ngũ vận động, và gia đình. Tuy nhiên, tâm điểm của bài phát biểu lại nằm ở tỷ phú Elon Musk.
Hình minh họa sự tương tác giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và tỷ phú Elon Musk (phải). Ảnh: Blake Cale
Ông Donald Trump dành 17% thời gian phát biểu để ca ngợi Musk, người được mô tả là “thiên tài xuất chúng” và đã tạm gác các công việc kinh doanh để hỗ trợ chiến dịch tranh cử. Ông Trump không tiếc lời ngợi khen sự hào phóng, hiệu quả và đặc biệt là sức mạnh công nghệ từ các công ty của Musk: "Đó là lý do tôi yêu quý anh, Elon".
Quan hệ thân thiết trên nhiều mặt
Tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới, và ông Trump, vị lãnh đạo quyền lực bậc nhất, đã xây dựng mối quan hệ khăng khít kể từ kỳ bầu cử. Musk đã tháp tùng Trump trong nhiều chuyến đi, từ các buổi gặp gỡ đảng Cộng hòa ở Washington cho đến sự kiện thử nghiệm tên lửa SpaceX tại Texas.
Không dừng lại ở vai trò cố vấn, Musk còn được bổ nhiệm làm đồng lãnh đạo "Bộ Cải cách Chính phủ" (DOGE) với mục tiêu giảm quan liêu và chi tiêu lãng phí.
Ngoài việc tham gia các cuộc gọi với lãnh đạo thế giới, như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Musk còn tự thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao, điển hình là cuộc gặp với đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc. Tờ New York Times nhận định Musk đóng vai trò không chính thức nhưng ảnh hưởng lớn trong giai đoạn chuyển giao quyền lực của ông Trump.
Lợi ích đôi bên
Cả hai bên đều hưởng lợi đáng kể từ mối quan hệ này. Musk đã chi khoảng 200 triệu USD hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông Trump, góp phần đáng kể vào việc thu hút cử tri tại các bang chiến địa, đặc biệt là nhóm cử tri trẻ. Ngược lại, ông Trump hưởng lợi từ sự ủng hộ của một doanh nhân danh tiếng, đặc biệt khi Musk sở hữu nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter), nơi đã khuếch đại thông điệp tranh cử.
Về phần Musk, các công ty của ông, đặc biệt là Tesla và SpaceX, đã gặt hái thành công lớn sau bầu cử. Giá trị vốn hóa thị trường của Tesla tăng thêm 300 tỷ USD, trong khi SpaceX cũng được định giá cao hơn nhờ triển vọng từ các hợp đồng chính phủ.
Thách thức và xung đột lợi ích
Dù vậy, sự thăng hoa này cũng đặt ra nhiều lo ngại. SpaceX hiện là nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh lớn nhất tại Mỹ, chiếm 90% các vụ phóng vào quỹ đạo trong năm 2023.
Nhiều hợp đồng với NASA, Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo đã giúp công ty này duy trì lợi thế. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Musk và chính phủ Mỹ có thể dẫn đến xung đột lợi ích, nhất là khi Musk giữ vai trò cải cách mà đồng thời là người hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách.
Tác động chính sách và triển vọng
Musk đã nhiều lần kêu gọi giảm bớt các quy định cản trở sự đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô tự hành – một mảng mà Tesla đang cạnh tranh gay gắt với Waymo của Alphabet. Chính quyền Trump dự kiến sẽ ưu tiên xây dựng khung pháp lý liên bang cho công nghệ này, điều có thể mang lại lợi thế lớn cho Tesla.
Ngược lại, một số chính sách tiềm năng của ông Trump, như việc bãi bỏ ưu đãi thuế dành cho xe điện, có thể tác động tiêu cực đến Tesla. Tuy nhiên, Musk lạc quan rằng chi phí thấp của Tesla sẽ giúp công ty vượt qua các đối thủ, đặc biệt trong bối cảnh các hãng xe nội địa khác bị ảnh hưởng mạnh hơn bởi chính sách bảo hộ thương mại.
Nhìn từ mối quan hệ chính trị
Việc Musk gắn bó chặt chẽ với chính quyền Trump có thể gây khó khăn cho các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, đặc biệt là tại Trung Quốc – nơi Tesla sản xuất hơn một nửa số xe của mình.
Mặc dù Musk thường xuyên ca ngợi môi trường kinh doanh tại Trung Quốc, các nhà phân tích cảnh báo rằng ông có thể phải đối mặt với áp lực từ Bắc Kinh nếu quan hệ Mỹ-Trung xấu đi dưới nhiệm kỳ mới của ông Trump.
Tại Mỹ, sự ủng hộ công khai dành cho ông Trump cũng tiềm ẩn rủi ro làm suy giảm hình ảnh thương hiệu Tesla trong mắt một bộ phận người tiêu dùng. Ngoài ra, sự khác biệt về tầm nhìn giữa nhóm doanh nhân tự do như Musk và cử tri bảo thủ ủng hộ ông Trump có thể tạo ra những căng thẳng trong tương lai.
Hà Linh (The Economist) /Nhà báo và Công luận