Mỹ sẽ không còn treo thưởng 10 triệu USD để bắt giữ Ahmed Hussein al-Sharaa, còn được biết đến với biệt danh Abu Mohammad al-Julani. Quyết định này được đưa ra sau cuộc gặp giữa phái đoàn Mỹ và ban lãnh đạo của Hayat Tahrir al-Sham (HTS) tại Damascus vào ngày 20/12.
Thủ lĩnh HTS Ahmed Hussein al-Sharaa, hay Abu Mohammad al-Julani, phát biểu tại Nhà thờ Hồi giáo ở Damascus vào ngày 8/12. Ảnh: AP
Đầu tháng này, các lực lượng đối lập Syria do HTS dẫn đầu đã bất ngờ mở một chiến dịch tấn công trên toàn đất nước, chiếm giữ nhiều thành phố lớn, bao gồm cả thủ đô Damascus. Kết quả, Tổng thống Bashar Assad từ chức và được Nga cho tị nạn.
Trong nỗ lực “can dự” ngoại giao quy mô hơn với ban lãnh đạo mới của Syria, bà Barbara Leaf, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Cận Đông, đã dẫn đầu một phái đoàn đến Syria. Đây là chuyến thăm đầu tiên của các nhà ngoại giao Mỹ kể từ năm 2012, khi đại sứ quán Mỹ tại Damascus đóng cửa.
Trong cuộc gặp với ông al-Sharaa, bà Leaf đã thảo luận một số vấn đề then chốt, bao gồm sự cần thiết ngăn chặn các nhóm khủng bố hoạt động trong lãnh thổ Syria và bảo đảm sự bảo vệ vệ quyền của các nhóm thiểu số và phụ nữ.
Bà Leaf tuyên bố trong một cuộc họp báo qua điện thoại từ Jordan: “Chúng tôi cũng đã thảo luận về sự cần kíp của việc bảo đảm rằng các băng nhóm khủng bố không thể đặt ra một mối đe doạ bên trong Syria hay bên ngoài, bao gồm đối với Mỹ và các đối tác của chúng tôi trong khu vực. Dựa trên cuộc thảo luận, tôi thông báo rằng chúng tôi sẽ không tiếp tục chương trình treo thưởng Rewards for Justice vốn đã có hiệu lực trong nhiều năm”.
Bất chấp động thái này, HTS vẫn bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài và chịu các lệnh trừng phạt liên quan. Bà Leaf nhấn mạnh, quyết định rút lại khoản treo thưởng phản ánh một sự thay đổi chính sách nhằm hợp pháp hóa việc can dự với nhóm này. Bà giải thích: “Nếu tôi đang ngồi thảo luận dài dòng, chi tiết với lãnh đạo HTS, thì thật mâu thuẫn khi vẫn treo thưởng truy nã ông ta. Nếu không làm thế, tôi cần gọi FBI đến bắt ông ta hay làm gì đó tương tự”.
Phái đoàn Mỹ bao gồm Roger Carstens, Đặc phái viên Tổng thống phụ trách vấn đề con tin, và Daniel Rubinstein, cố vấn cấp cao phụ trách quan hệ với các lực lượng mới của Syria. Họ đã thảo luận về số phận của nhà báo Mỹ Austin Tice, người mất tích tại Syria từ năm 2012, cùng với nhiều vấn đề khác.
Trong tuần này, quân đội Mỹ tiết lộ họ đã tăng gấp đôi số binh sĩ tại Syria lên khoảng 2.000 người trước khi ông Assad từ chức, nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) lợi dụng tình hình hỗn loạn.
Lầu Năm Góc cũng tiến hành không kích ở phía đông bắc Syria vào ngày 19/12, được cho là đã tiêu diệt một thủ lĩnh của tổ chức khủng bố này.
Dù hiện tại chưa có kế hoạch mở lại đại sứ quán Mỹ tại Damascus, bà Leaf cho biết việc công nhận ngoại giao trong tương lai sẽ phụ thuộc vào các hành động của chính quyền mới tại Syria.
Hoàng Bách (RT) /Báo Nghệ An