Triều Tiên và Nga vừa ký kết một thỏa thuận mới nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế sau các cuộc hội đàm tại Bình Nhưỡng trong tuần này, theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA).
Mặc dù chi tiết thỏa thuận chưa được công bố đầy đủ, nhưng truyền thông Nga cho biết, trong vòng đàm phán trước đó giữa các quan chức thương mại cấp cao của Triều Tiên và phái đoàn Nga, hai bên đã thống nhất tăng số chuyến bay thuê bao giữa hai quốc gia nhằm phát triển du lịch.
Bản đồ địa lý giữa Nga, Triều Tiên, Trung Quốc. Ảnh: VOA
Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên và Sinh thái Nga, ông Alexandr Kozlov, đã có mặt tại Triều Tiên từ Chủ nhật và rời đi vào thứ Tư. Trong chuyến thăm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi tặng vườn thú Triều Tiên hơn 70 động vật quý hiếm, bao gồm sư tử, gấu và các loài chim. Món quà này được xem là biểu tượng của tình hữu nghị đang ngày càng thắt chặt giữa hai nước.
Quan hệ quốc phòng và hợp tác chiến lược
Thỏa thuận kinh tế mới là một dấu hiệu khác cho thấy sự hợp tác gia tăng giữa hai nước. Trước đó, Nga và Triều Tiên đã thông qua một hiệp ước quốc phòng mang tính bước ngoặt, cam kết hỗ trợ quân sự lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công.
Triều Tiên và vai trò trong cuộc xung đột Ukraine
Dù nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chưa trực tiếp thừa nhận việc gửi binh lính và thiết bị quân sự để hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tại Ukraine, nhưng theo ước tính của cơ quan tình báo Mỹ, Hàn Quốc và Ukraine, khoảng 11.000 binh sĩ Triều Tiên đang tham gia chiến đấu tại khu vực Kursk của Nga. Đây là nơi Ukraine đã phát động một cuộc phản công bất ngờ hồi đầu năm nay.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, trong một cuộc họp kín với các nghị sĩ, tiết lộ rằng các binh sĩ Triều Tiên có thể đã được bố trí trong các đơn vị thủy quân lục chiến và không quân của Nga, thậm chí một số còn tham gia trực tiếp ở tiền tuyến. Ngoài ra, Triều Tiên bị cáo buộc cung cấp hệ thống pháo binh, tên lửa và các trang thiết bị khác cho Nga.
Lo ngại từ phía Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế
Việc Triều Tiên gia tăng hỗ trợ quân sự cho Nga đã dấy lên nhiều lo ngại từ Hàn Quốc, đặc biệt là những gì Bình Nhưỡng có thể nhận lại.
Seoul lo ngại rằng Triều Tiên có thể nhận được các công nghệ tiên tiến từ Nga, giúp tăng cường đáng kể chương trình hạt nhân và tên lửa vốn đã là mối đe dọa nghiêm trọng trong khu vực.
Gần đây, ông Kim Jong Un đã gia tăng áp lực lên Hàn Quốc bằng các tuyên bố đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị khiêu khích. Triều Tiên hiện sở hữu các hệ thống hạt nhân có khả năng tấn công Hàn Quốc và cả tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới lục địa Mỹ.
Triều Tiên củng cố vị thế trong thế đối đầu với phương Tây
Trong những tháng gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã ưu tiên thắt chặt quan hệ với Moscow nhằm phá vỡ sự cô lập quốc tế. Ông Kim không chỉ tích cực hỗ trợ Tổng thống Putin trong cuộc chiến tại Ukraine, mà còn khẳng định vai trò của Bình Nhưỡng trong một mặt trận thống nhất chống lại Washington.
Triều Tiên đang tìm cách tận dụng mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Nga để củng cố vị thế chiến lược của mình, giữa bối cảnh căng thẳng khu vực và áp lực từ các lệnh trừng phạt quốc tế chưa có dấu hiệu suy giảm.
Dũng Phan (Euronews) /Nhà báo và Công luận