Nhiều ý kiến cho rằng, việc Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng là kịch bản dễ thở đối với Nga. Khả năng đàm phán Mỹ - Nga nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Ukraine đang tăng lên. Chính quyền mới ở Mỹ cũng có thể nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Nga để đáp lại tiến bộ trong việc giải quyết xung đột Ukraine.
Khả năng đàm phán về Ukraine dưới thời ông Trump
Các cuộc đàm phán về Ukraine có thể bắt đầu ngay vào năm 2025, ít nhất đây là điều mà cộng đồng quốc tế mong đợi trước ngày Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Trong chiến dịch tranh cử, ông nhiều lần hứa sẽ chấm dứt cuộc xung đột Ukraine trước khi nhậm chức vào ngày 20/1 hoặc trong vòng 24 giờ chẳng hạn. Những tuyên bố như vậy là khá mơ hồ, nhưng có thể ông Trump vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ việc giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột.
Theo Ivan Timofeev, Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga nhận định, các cuộc đàm phán về Ukraine có thể sẽ sớm được triển khai, nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào tình hình trên chiến trường và những điều kiện đưa ra ban đầu của các bên. Vì vậy, không nên mong đợi những đột phá nhanh chóng theo hướng này.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: GLP
Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, cánh cửa đối thoại Mỹ - Nga mở ra, nhưng không có gì bảo đảm nó sẽ mang đến một kết quả đột phá. Những mâu thuẫn, bất đồng trong quan hệ Mỹ - Nga là rất sâu sắc và phức tạp, nên không thể giải quyết ngay lập tức thông qua tham vấn. Song rõ ràng, một cuộc đàm phán để các bên bước đầu nắm rõ những điều kiện, mong muốn của nhau vẫn tốt hơn là không gặp gỡ trao đổi.
Thực tế là cục diện chiến trường hiện nay vẫn đang nghiêng về phía Nga. Quân đội Nga với hỏa lực mạnh mẽ đang có những bước tiến vững chắc trên nhiều vùng chiến sự. Trong khi đó, quân đội Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu quân số nghiêm trọng. Có thông tin cho rằng, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang hối thúc chính quyền Ukraine giảm độ tuổi nhập ngũ từ 25 xuống 18 tuổi; trong khi đó, Quốc hội Ukraine cũng đã “bật đèn xanh” cho phép giảm độ tuổi nhập ngũ xuống còn 18-20 tuổi trong những tháng đầu năm 2025.
Một vấn đề nữa là kế hoạch của Tổng thống Donald Trump không khác nhiều so với đề xuất hòa bình của Đảng Dân chủ - đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức mà không có bất kỳ điểm rõ ràng nào về tương lai của Ukraine.
Những tuyên bố mới nhất của ông Trump về vấn đề Ukraine tương đối mơ hồ. Một mặt, ông không ủng hộ việc chuyển giao vũ khí tầm xa cho Kiev, và gọi các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga của quân đội Ukraine là không thể chấp nhận được. Mặt khác, ông khẳng định, Mỹ mong muốn chấm dứt xung đột không có nghĩa là sẽ “từ bỏ Ukraine”.
Chuyên gia Ivan Timofeev cho rằng, dưới thời ông Trump, nhiều khả năng sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine, như cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự sẽ tiếp tục. Mỹ cũng sẽ cung cấp sự hỗ trợ tài chính và đào tạo, cả quân sự và dân sự cho Ukraine.
Sự liên kết trong chính quyền Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong vấn đề Ukraine, vai trò tham mưu của những vị trí chủ chốt trong chính quyền sắp tới của ông Trump sắp tới sẽ đóng một vai trò quan trọng. Ngay sau khi đắc cử, công việc của ông Trump sẽ là xây dựng một đội ngũ mới, mà giới phân tích cho rằng, sẽ có những khác biệt đáng kể so với nhiệm kỳ đầu tiên.
Năm 2019, Tổng thống Donald Trump khi đó đã buộc phải sa thải Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton vì những bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề. Lần này, Đảng Cộng hòa rõ ràng không muốn cho phép những người có thể theo đuổi chính sách của riêng họ tham gia vào ê-kíp sắp tới của ông Trump nhằm xây dựng một khối thống nhất. Mặc dù có những người ủng hộ việc gây áp lực lên Moscow trong nhóm những ứng viên sáng giá trong ê-kíp của ông Trump, nhưng nhìn chung có xu hướng giảm leo thang.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại Helsinki năm 2018. Ảnh: GLP
Tờ Izvestia dẫn nhận định của Vladimir Brovkin, một nhà sử học người Mỹ và cựu giảng viên tại Đại học Harvard, cho rằng, sẽ không tránh khỏi những quan điểm khác nhau trong ê-kíp của ông Trump về vấn đề Ukraine.
Nhóm đầu là phe diều hâu nói về việc cắt giảm viện trợ cho Ukraine nhưng vẫn theo đuổi ý tưởng giành chiến thắng trong cuộc xung đột và gây áp lực lên Nga. Nhóm thứ hai, ví dụ như Vivek Ramaswamy, Elon Musk, J.D. Vance cho biết, ưu tiên chính sách của Mỹ vẫn sẽ là Trung Quốc, thuế quan và sự phục hồi kinh tế của đất nước. Họ ủng hộ việc đạt được thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và sớm giải quyết vấn đề Ukraine.
Phó Giáo sư Dmitry Novikov, Trưởng Khoa Địa chính trị tại Trường Kinh tế cao cấp (HSE) tin rằng, hoạt động của Chính quyền Trump sẽ không dựa trên nguyên tắc gìn giữ hòa bình. Với quan điểm thực dụng, ông Trump sẽ coi vấn đề Ukraine là “một công cụ gây áp lực lên Nga”.
Giảm viện trợ cho Ukraine, điều mà nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa mong muốn, có thể là “một củ cà rốt” đối với Nga; mặt khác, Mỹ cũng có “một cây gậy” là tăng cường hỗ trợ kỹ thuật quân sự, đặc biệt là tiếp tục cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga.
Triển vọng quan hệ Mỹ - Nga
Hiện còn quá sớm để có thể khẳng định về triển vọng thay đổi toàn diện cách tiếp cận của Mỹ trong quan hệ với Nga. Mức độ tương tác giữa Washington và Moscow hiện nay là cực kỳ thấp, có thể nói là chưa từng có kể từ thời Thế chiến thứ II.
Những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa các bên trong lĩnh vực hạt nhân, và trên thực tế một cuộc chạy đua vũ trang mới đã bắt đầu. Tất cả các thỏa thuận đã ký trước đây giữa các bên về ổn định chiến lược đều bị đình chỉ hoặc không còn hiệu lực. Hiện chỉ còn lại những liên lạc lẻ tẻ giữa quân đội và một phần các cơ quan đối ngoại giữa hai nước.
Việc ông Trump đắc cử có thể mở ra cơ hội ấm lên trong quan hệ Nga-Mỹ. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi bản thân ông Trump nhiều lần ghi nhận mối quan hệ tốt đẹp của mình với người đồng cấp Vladimir Putin và sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai nhà lãnh đạo.
Năm 2018, hai nhà lãnh đạo đã tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh tương đối thành công ở Helsinki. Mặc dù vậy, thái độ đối với Chính quyền Trump của Nga hiện vẫn rất thận trọng. Như Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh, “chính quyền Nga không nuôi ảo tưởng quá mức về nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump”. Theo quan điểm từ phía Nga, giới tinh hoa chính trị cầm quyền của Mỹ luôn có chủ trương chống Nga và tuân thủ đường lối “kiềm chế Moscow”, bất kể liên kết với đảng này hay đảng khác.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận quan trọng nhất - Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung. Cũng trong nhiệm kỳ đó, một lượng lớn các biện pháp trừng phạt được Mỹ đưa ra nhằm vào Moscow. Nhìn chung, đường lối chính sách đối ngoại của Mỹ đã được phản ánh rõ nét trong Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ được thông qua năm 2017; trong đó, nhấn mạnh Nga là một trong những mối đe dọa chính, cùng với Trung Quốc.
Theo Dmitry Novikov, nhiều khả năng Chính quyền Trump sẽ đưa ra một chiến lược an ninh mới vào năm 2025; trong đó, thể hiện những thay đổi trong đường lối đối ngoại của Nhà Trắng. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, Nga, Trung Quốc hay Iran sẽ tiếp tục được coi là những đối thủ hàng đầu của Mỹ, chỉ khác nhau ở mức độ ưu tiên trong việc hoạch định chính sách của chính quyền sắp tới của ông Trump.
Hùng Anh /Nhà báo và Công luận