Năm 2023 khép lại với những ''cơn gió ngược'', những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và chưa từng có tiền lệ từ kinh tế thế giới đã tác động sâu sắc, nhiều mặt đến kinh tế nước ta. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Quốc hội; điều hành sâu sát, chủ động, linh hoạt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, ngành Công Thương đã cùng góp sức tích cực, đưa con tàu kinh tế Việt Nam từng bước vượt qua ''hải trình'' gian nan để cập bến, dù kết quả ở một số mặt chưa được như kỳ vọng.
Vượt ''gió ngược'', ngành Công Thương kế thừa, đổi mới, vươn tới đỉnh cao
Năm 2023, ngành Công Thương đã đạt một số kết quả nổi bật như thương mại trong nước duy trì mức tăng trưởng khá cao, vượt mục tiêu đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh, giữ vững vị trí trong nhóm các nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế. Sản xuất công nghiệp và XNK những tháng cuối năm phục hồi tích cực.
Bộ Công Thương đã đóng vai trò tích cực trong việc ký kết các FTA mới
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 355,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 327,5 tỷ USD. Cán cân thương mại năm thứ 8 liên tiếp đạt mức xuất siêu kỷ lục (gần 27 tỷ USD), gấp gần 3 lần so với năm trước, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%).
Bên cạnh đó, năm 2023 cũng là năm có nhiều dấu ấn của hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, Bộ Công Thương đã đóng vai trò tích cực trong việc ký kết các FTA mới. Đặc biệt, với vai trò, trách nhiệm là thành viên Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành, Bộ Công Thương đã tham mưu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 03 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng. Các quy hoạch này có tầm quan trọng đặc biệt, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng hiện đại, tự chủ, bền vững. Cùng với đó, các nhiệm vụ khác của Bộ cũng đã hoàn thành hiệu quả, đúng mục tiêu và kế hoạch đề ra... tạo thuận lợi và nền tảng để ngành vượt khó, tăng trưởng trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn.
Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiến độ thực hiện các Dự án đường dây 500Kv Mạch 3
Trong bối cảnh năm 2024 được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình biến động nhanh chóng của kinh tế thế giới, ngành Công Thương đã chủ động đề xuất và thực thi những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp, thương mại.
Khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao; trong đó, chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất.
Đồng thời, đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức chống chịu của nền kinh tế.
Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch…
Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung sắp xếp lại bộ máy, nhân sự bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Thực hiện: Đỗ Nga - Ngọc Long
Công Thương Media /Báo Công Thương