Theo Bộ Công an, 6 cửa hàng ở Hà Nội đã chế tác và kinh doanh lượng lớn vàng lậu thông qua 'bà trùm' Nguyễn Thị Hóa để nhập vàng thỏi từ Lào.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố 25 bị can trong vụ ''buôn lậu'' vàng xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Công ty Vàng bạc Phú Quý và các đơn vị liên quan.
Theo kết luận, từ đầu năm 2022, do có nhu cầu mua vàng nguyên liệu để chế tác, kinh doanh, các chủ tiệm vàng ở Hà Nội thông qua các mối quan hệ, tìm hiểu và biết bà Nguyễn Thị Hóa (55 tuổi, ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; tức khu vực biên giới Việt Nam - Lào) có thể nhập lậu vàng nguyên liệu dạng thỏi từ Lào với giá thấp hơn trong nước, nên đã liên hệ với "bà trùm" để đặt mua vàng lậu. Cơ quan chức năng cáo buộc, từ 22/12/2022 đến ngày 13/6/2024, theo đơn đặt hàng của 6 tiệm vàng và đối tượng Nguyễn Khắc Bồng, bị can Hóa đã tổ chức buôn lậu 310 kg vàng thỏi từ Lào về Việt Nam, tổng giá trị hơn 454 tỉ đồng.
Hồ sơ thể hiện, tại tiệm vàng Minh Hưng, từ ngày 27/5/2023 - 13/6/2023, Trần Anh Sơn đặt mua 128kg vàng nhập lậu từ Lào của bị can Hóa, tổng trị giá hơn 188 tỉ đồng. Trần Anh Sơn chỉ đạo nhân viên ngủ tại cửa hàng để nhận vàng hoặc anh ta trực tiếp nhận ở các bến xe. Sơn đưa tiền mặt (USD hoặc VNĐ) cho nhân viên của bà Hóa hoặc chỉ đạo chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Sau khi mua vàng, Sơn đã phân kim để tăng chất lượng vàng. Sau đó, anh ta bán lại cho Công ty Vàng Phú Quý và một số đơn vị, khách lẻ.

Kinh doanh vàng lậu ngày càng tinh vi gây thiệt hại lớn. Ảnh minh họa
Với tiệm vàng Kim Linh, Nguyễn Thị Vân đã đặt mua 84kg vàng nhập lậu từ Lào của bà Nguyễn Thị Hóa, tổng giá trị hơn 121 tỉ đồng. Cũng giống Sơn, Vân trực tiếp đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản khi mua vàng lậu của Hóa. Số vàng mua được, chị ta cũng phân kim, cắt nhỏ thành từng cây vàng, chỉ vàng bán cho khách lẻ.
Tiệm vàng Minh Phúc là cơ sở đứng thứ ba về việc mua vàng nhiều nhất của bà trùm Nguyễn Thị Hóa. Trong gần một tháng, tiệm này đã đặt mua 54kg vàng nhập lậu, tổng trị giá gần 80 tỉ đồng của Hóa. Số vàng mua được, phía tiệm bán lại cho công ty, cửa hàng và khách lẻ để kiếm lời.
Tiệm vàng Nhật Vượng bị cơ quan chức năng cáo buộc đã giao dịch mua 20kg vàng nhập lậu từ bà trùm Nguyễn Thị Hóa, với tổng số tiền là hơn 28 tỉ đồng. Số vàng mua từ Hóa sau đó được phân kim, cắt nhỏ thành từng cây vàng, chỉ vàng bán cho các tiệm vàng tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc.
Tiệm vàng Tuấn Quang bị cáo buộc có giao dịch mua bán 10kg vàng nhập lậu, trị giá hơn 14 tỉ đồng. Số vàng mua từ Hóa sau đó được bán cho các tiệm vàng tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc. Tiệm vàng Tuân Đức trong vụ án được xác định đã mua 8kg vàng của bà trùm buôn lậu vàng Nguyễn Thị Hóa.
Theo cơ quan chức năng, cá nhân bà Hóa và các tiệm vàng không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, không được cấp phép sản xuất, mua bán và kinh doanh vàng miếng.
Liên quan tới hoạt động kinh doanh vàng, theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được quy định tại khoản 1 Điều 11 gồm: Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng…Trong đó, hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy Chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ- theo quy định tại khoản 6 Điều 4; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Điều kiện tiên quyết của các loại hình kinh doanh nêu trên, đều “Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật…”. Được quy định cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 5 đối với loại hình sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; tại khoản 1 Điều 8 đối với loại hình kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và tại điểm a khoản 1 Điều 11 đối với loại hình kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Như vậy, trong thực tiễn kiểm tra, trường hợp cá nhân hoặc hộ kinh doanh vàng sẽ vi phạm điều kiện kinh doanh vàng. Hành vi vi phạm này bị xử lý theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 6 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP: Kinh doanh hàng hóa thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Đối với vàng trang sức, mỹ nghệ các yếu tố để xác định nguồn gốc, xuất xứ gồm: Mã ký hiệu trên sản phẩm vàng, hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng (theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ), khối lượng của sản phẩm; hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, hợp đồng, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp và giao dịch dân sự. Trường hợp mua sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ từ cá nhân không có hóa đơn, phải có Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào không có hóa đơn- theo Mẫu số 01/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính.
Đối với vàng miếng, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định: Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây được gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ. Như vậy các yếu tố để xác định nguồn gốc, xuất xứ gồm: Thông tin được thể hiện trên miếng vàng gồm: chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây được gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất; hóa đơn mua bán, Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào không có hóa đơn- theo Mẫu số 01/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (trường hợp mua của cá nhân không có hóa đơn).
Lưu ý, chỉ những tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng mới được hoạt động mua bán vàng miếng theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Vì vậy, nếu doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng không xuất trình được Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ vi phạm và bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 24 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về XPVPHC trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
An Dương (T/h) /Chất lượng Việt Nam