Theo chuyên gia an ninh mạng khách hàng nên cảnh giác trước chiêu câu view, câu like thông qua hình thức lan truyền tin giả về việc người dùng nhận được cuộc gọi từ số lạ sau đó bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu cho biết, gần đây, trên các mạng xã hội đang lan truyền một tin giả về việc người dùng nhận được cuộc gọi FaceTime từ số điện thoại lạ, yêu cầu nhấn phím 1 (rồi bảo tắt máy không được) rồi sau đó chuyển luôn sang FaceTime để quét khuôn mặt để lợi dụng dữ liệu sinh trắc học cho việc tự động đăng nhập vài tài khoản ngân hàng và lấy cắp tiền.
Theo tin tức từ Chongluadao - dự án vì cộng đồng của chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu thành lập, thông tin ở trên là tin giả. Trang cá nhân của anh Ngô Minh Hiếu viết: “ ĐÂY LÀ TIN GIẢ 100% ”.
Theo chuyên gia, hiện nay, không có hình thức nào cho phép kẻ lừa đảo thu lại dữ liệu sinh trắc học thông qua cuộc gọi FaceTime mà có thể sử dụng ngay lập tức để tự động đăng nhập vào tài khoản ngân hàng và lấy cắp tiền được - mà không có sự can thiệp của việc cài đặt ứng dụng app giả mạo độc hại.
Anh Ngô Minh Hiếu nhận định, tin giả này đã lợi dụng sự hoang mang và tò mò của nhiều người nhằm câu like, câu view tăng tương tác của người viết bài. Theo anh Hiếu, người dùng KHÔNG nhấn like, share hay tương tác với bài đăng chưa kiểm chứng cụ thể. Báo lên tổng đài nhà mạng hoặc các cơ quan chức năng khi bắt gặp các trường hợp nghi ngờ.
Tình trạng câu view, câu like lan truyền tin giả ngày càng gia tăng trên mạng xã hội cần cảnh giác. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó cần xác minh thông tin trước khi lan truyền để tránh làm hoang mang dư luận, bởi theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mỗi cá nhân lan truyền tin giả, sai sự thật lên mạng xã hội có thể bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự.
“Khi thấy tin giả, thấy người khác share lên, thay vì “share” hưởng ứng, thì chúng ta nên comment “Cảnh giác fake news nhé m.n”!”, chuyên gia an ninh mạng viết.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook và Tiktok cũng đã xôn xao về sự việc sau khi quét mã QR chuyển tiền, ứng dụng bất ngờ yêu cầu quét sinh trắc học, rồi đơ máy, sập nguồn và tài khoản bị hack mất sạch tiền.
Tin tức này theo anh Ngô Minh Hiếu, đây hoàn toàn là thông tin sai lệch. Nó chỉ là một phiên bản khác của những tin đồn “fake news” tương tự như "nhấn vào link lạ là bị hack sạch tiền ngay lập tức” hoặc “nghe điện thoại thôi là cũng bị mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng”.
Do đó, theo chuyên gia an ninh mạng, giải pháp để tránh bị hack qua mã QR không hợp lệ độc hại, bao gồm: Không quét mã QR không rõ nguồn gốc; Cẩn trọng với các tệp đính kèm; Kiểm chứng thông tin trước khi thanh toán; Kiểm tra thông tin đường dẫn trước khi nhấp; Cảnh giác với các cuộc gọi giả danh; Luôn giữ cảnh giác.
Liên quan tới hành vi này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hệ thống pháp luật nước ta hiện nay cũng đã quy định chế tài xử phạt liên quan đến các vấn đề phát tán thông tin nhằm câu view "bẩn", bất chấp đạo đức, pháp luật. Luật An ninh mạng cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang cộng đồng, thiệt hại xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Người có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số, vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, thì những đối tượng có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra những người đăng tải thông tin còn bị buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Nếu như trong quá trình đăng tải dẫn đến gây thiệt hại tới quyền và lợi ích của người khác thì họ còn phải đền bù thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 cho người bị thiệt hại.
Người đăng tải thông tin sai sự thật, cắt ghép ảnh người khác đăng lên mạng xã hội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu việc đăng thông tin, dựng video, cắt ghép sử dụng ảnh đó có mức độ, tính chất vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, cá nhân phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo đến cao nhất là 5 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
An Dương (T/h) /Chất lượng Việt Nam