Công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ kè đê sông Đuống thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) đang được chủ đầu tư gấp rút hoàn thiện, không bị kiểm tra, xử lý, khiến dư luận bức xúc.
Chính quyền "né" báo chí
Ngày 15/9, Kinh tế nông thôn đăng bài “Công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, ảnh hưởng hành lang đê sông Đuống”, phản ánh về thực trạng công trình xây dựng số 519 Ngọc Thụy có dấu hiệu vi phạm TTXD, ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ kè đê sông Đuống cũng như hành lang bảo vệ đê, tới dòng chảy mùa nước lũ.
(1).jpg)
Công trình xây dựng số 519 Ngọc Thụy đang được chủ đầu tư gấp rút vào hoàn thiện trước nhiều dấu hiệu vi phạm TTXD, ảnh hưởng hành lang bảo vệ kè đê sông Đuống (ảnh ghi nhận vào ngày 20/9).
Cụ thể, người dân phản ánh, công trình số 519 Ngọc Thụy được chủ đầu tư xây dựng mới, gấp rút hoàn thiện với quy mô 3 tầng đồ sộ; xây dựng kết cấu khung nhà các tầng dầm cột, sàn mái bê tông, tường gạch. Công trình đang dần đi vào hoàn thiện những hạng mục cuối cùng và trát vữa tường, trần; trong quá trình thi công, không được che chắn cẩn thận tiềm ẩn nguy hiểm có thể xảy ra, gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 26/8, trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, cho hay, nội dung phát ngôn đã giao cho bà Lê Thị Bích Hoài, Phó chủ tịch UBND phường phụ trách nhưng PV nhiều lần liên hệ, bà Hoài “né” phát ngôn. Còn về những nội dung PV trao đổi, sẽ cho anh em kiểm tra lại và thông tin sau.
(1).jpg)
Công trình số 519 Ngọc Thụy được ghi nhận vào ngày 22/8 với nhiều dấu hiệu vi phạm nhưng không được kiểm tra, xử lý vi phạm; công trình vẫn tiến hành xây dựng các hạng mục.
Tuy nhiên, nhiều tuần trôi qua, phường Ngọc Thụy vẫn chưa có thông tin phản hồi.
Để rộng đường dư luận, PV đã đặt lịch liên hệ công tác với UBND quận Long Biên (ngày 22/8) nhưng đến nay, hơn 1 tháng trôi qua, vẫn “bặt vô âm tín”.
Công trình nằm trong hành lang bảo vệ kè
Trao đổi với PV về nội dung bạn đọc phản ánh, ông Vũ Duy Hợp, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội), cho biết, theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thì khu vực Ngọc Thụy này nằm trong Phụ lục II là khu vực cần phải di dời. Tuy nhiên, trong quá trình di dời, các công trình chỉ được cải tạo, sửa chữa, không được xây dựng mới.
(3).jpg)
Tổ Quản lý TTXD phường Ngọc Thụy cho biết, công trình số 519 Ngọc Thụy được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, cải tạo, sửa chữa với 2 khối nhà, khối 1 là công trình quy mô 3 tầng đang xây dựng, còn khối 2 có quy mô 1 tầng chưa xây dựng và hiện trạng chính là ngôi nhà sàn bên cạnh.
Đối với khu vực lòng sông co hẹp ở sông Hồng, sông Đuống, Chi cục thường xuyên có văn bản đề nghị UBND quận Long Biên tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là các công trình nằm trong phạm vi bảo vệ đê, những công trình trong khu vực lòng sông co hẹp, ví dụ như khu vực này.
Về lĩnh vực chuyên ngành, khi có văn bản của Phòng Quản lý đô thị quận Long Biên và nhà dân gửi lên, Chi cục phối hợp với chính quyền địa phương, Thanh tra xây dựng, Hạt Quản lý đê, chủ đầu tư, phòng tham mưu – Phòng Quản lý đê điều của Chi cục sẽ đi kiểm tra có biên bản ghi nhận toàn bộ hiện trạng công trình. Sau đó, tham mưu Chi cục trả lời, cung cấp thông tin liên quan tới đê điều theo đúng quy định; trong văn bản chắc chắn sẽ ghi đây là khu di dời theo Phụ lục II của Quyết định số 257/QĐ-TTg và theo quy định của luật, những công trình không phù hợp với quy hoạch chỉ được cải tạo, sửa chữa; nêu rõ là cải tạo, sửa chữa trên quy mô không mở rộng mặt bằng, trên nền móng cũ, không thay đổi quy mô kết cấu…
(2).jpg)
Công văn số 479/ TLPCTT-QLĐĐ của Chi cục Thủy lợi và PCTT Hà Nội gửi tới các cơ quan, đơn vị đề nghị phối hợp, yêu cầu kiểm tra, rà soát, báo cáo kết quả về Chi cục.
“Công trình này nằm trong hành lang bảo vệ kè của đê sông Đuống, nếu công trình xây dựng mới thì chắc chắn không được phép tồn tại. Ngay sau khi nhận được thông tin từ báo chí, để đảm bảo công tác quản lý, ngày 13/9, Chi cục có Công văn số 479/TLPCTT-QLĐĐ gửi tới Sở Nông nghiệp và PTNT để báo cáo, UBND quận Long Biên, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Long Biên, UBND phường Ngọc Thụy đề nghị phối hợp, yêu cầu kiểm tra, rà soát, báo cáo kết quả về Chi cục và sẽ thông tin tới báo chí…”, ông Hợp cho hay.
Với mục đích tăng cường công tác quản lý đê điều, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, TTXD, phòng chống thiên tai hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã có những văn bản gửi UBND quận Long Biên.
Theo đó, ngày 11/3, Sở Nông nghiệp và PTNT gửi Công văn số 590/SNN-CCPCTT về việc tăng cường công tác quản lý đê điều, bãi sông đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn quận Long Biên. Văn bản chỉ rõ, yêu cầu quận Long Biên tổ chức kiêm tra việc tuân thủ pháp luật đê điều đối với các công trình xây dựng, lắp dựng trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực bãi sông Hồng và sông Đuống cũng như hoạt động cải tạo, sửa chữa, xây dựng nhà không phép, sai phép vi phạm TTXD, đê điều.
.jpg)
Thời điểm giữa tháng 8, công trình số 519 Ngọc Thụy đã thi công xong phần khung nhà, kết cấu công trình với hệ thống dầm cột, sàn mái bê tông; tường tầng một đang tiến hành xây dựng.
Về phía Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, ngày 25/8, có Công văn số 402/TLPCTT-ĐĐ gửi quận Long Biên nhằm tăng cường công tác quản lý bãi sông Hồng, sông Đuống, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, TTXD, đê điều, PCTT trên địa bàn. Nội dung đề nghị UBND quận Long Biên tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời các trường hợp xây dựng không phép, sai phép (đặc biệt công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ kè tại khu vực lòng sông co hẹp như khu sông Đuống thuộc địa bàn các phường: Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Thượng Thanh sẽ làm thu hẹp lòng sông, cản trở thoát lũ, gia tăng sự cố đê rất lớn)…
Mặc dù có nhiều văn bản chỉ đạo từ Sở Nông nghiệp và PTNT cũng như Chi cục Thủy Lợi và PCTT Hà Nội gửi tới UBND quận Long Biên về việc tăng cường công tác quản lý đê điều, nhưng hiện nay, vẫn tồn tại công trình có dấu hiệu vi phạm TTXD, ảnh hưởng hành lang bảo vệ kè đê sông Đuống. Từ đây, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò, trách nhiệm quản lý của UBND quận Long Biên, Hạt Quản lý đê Long Biên, UBND phường Ngọc Thụy...
Nhóm PV
Nguồn Kinh tế nông thôn