UBND tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 205 triệu đồng đối với Công ty TNHH kinh doanh vàng bạc đá quý Mỹ Ngọc do buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Theo đó, Công ty TNHH kinh doanh vàng bạc đá quý Mỹ Ngọc, trụ sở đặt tại tổ 1, Khu Phước Thuận, Thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, do ông Đặng Trần Nhật Long làm Chủ tịch kiêm Giám đốc, đã thực hiện hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có giá trị từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Vi phạm này được quy định tại khoản 7 Điều 1, Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BKHCN ngày 10/6/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp.
![](https://cms.thitruongvietnam.vn/uploads/images/xu%20phat(1).jpg)
Cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính do kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu
Với vi phạm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH kinh doanh vàng bạc đá quý Mỹ Ngọc số tiền 205 triệu đồng. Ngoài ra, toàn bộ sản phẩm vi phạm sẽ bị tiêu hủy theo quy định. Doanh nghiệp có thời gian 30 ngày kể từ khi nhận được quyết định để thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, toàn bộ chi phí liên quan do công ty tự chi trả.
Theo quyết định, ông Đặng Trần Nhật Long - người đại diện theo pháp luật của công ty - có trách nhiệm chấp hành quyết định xử phạt. Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận quyết định, doanh nghiệp phải nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Nai hoặc chuyển khoản vào tài khoản do UBND tỉnh Đồng Nai quy định.
Theo thông tư số 22/2013/TT-BKHCN về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 26/9/2013, loại hàng hóa này chỉ được phép lưu thông khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn. Tiêu chuẩn áp dụng công bố gồm thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất, phân phối; yêu cầu kỹ thuật (khối lượng, hàm lượng vàng), mã ký hiệu...
Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng được thực hiện theo hình thức niêm yết giá hay trên bao bì sản phẩm, nhãn hàng hóa hay tài liệu kèm theo. Về ghi nhãn, nội dung ghi gồm tên hàng hóa, mã ký hiệu của nhà sản xuất, ký hiệu sản phẩm, hàm lượng vàng (tuổi vàng), khối lượng vàng...
Các tổ chức, cá nhân chỉ được kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và được đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm; phải niêm yết công khai tại nơi kinh doanh về tiêu chuẩn công bố áp dụng để khách hàng biết. Phải lưu hồ sơ chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ do mình kinh doanh, gồm: Kết quả kiểm tra, thử nghiệm hàm lượng vàng theo tiêu chuẩn công bố; tiêu chuẩn công bố áp dụng; tài liệu, bằng chứng về việc ghi nhãn. Cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bảo đảm chất lượng vàng bán cho người tiêu dùng phù hợp với tiêu chuẩn công bố; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Duy Trinh /Chất lượng Việt Nam