Thời gian gần đây các cuộc tấn công mạng vào ngành Hàng không liên tiếp xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ tới toàn hệ thống bay đòi hỏi phải luôn cập nhật tình hình mới, tình hình an ninh mạng phát sinh.
Sáng 26/12, hãng hàng không Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản đã bị tấn công mạng, khiến toàn bộ hệ thống bị ảnh hưởng. Thông báo trên mạng xã hội X của hãng này nêu rõ vụ tấn công mạng xảy ra vào lúc 7 giờ 24 phút sáng 26/12 (giờ địa phương, tức 5 giờ 24 phút sáng cùng ngày, theo giờ Việt Nam).
Trong thông báo đưa ra khoảng 3 tiếng sau đó, JAL xác nhận buộc phải hoãn 9 chuyến bay nội địa và quốc tế. Hãng này đồng thời thông báo tạm dừng bán vé cho tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế trong ngày 26/12. Đồng thời buộc phải tắt thiết bị định tuyến vốn gây ra lỗi hệ thống đồng thời dừng bán vé máy bay cho các chuyến khởi hành từ ngày 26/12 để giảm thiểu tác động từ sự cố mạng này.
JAL xác nhận buộc phải hoãn 9 chuyến bay nội địa và quốc tế. Hãng hàng không ANA Holdings - một hãng hàng không lớn của Nhật Bản không có dấu hiệu hệ thống bị tấn công.
Đầu tuần này, hãng hàng không lớn của Mỹ là American Airlines cũng phải tạm dừng tất cả các chuyến bay trong một giờ, gây gián đoạn việc đi lại của hàng nghìn người vào đêm Giáng sinh, do trục trặc kỹ thuật liên quan đến phần cứng mạng.
Tấn công mạng ngành hàng không để lại hậu quả không nhỏ. Ảnh minh họa
Liên quan tới tấn công mạng hàng không trước đó vào năm 2016 các màn hình thông tin thông báo chuyến bay ở sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã bị tin tặc tấn công. Cụ thể, màn hình về thông tin chuyến bay bất ngờ thay đổi, thông tin sai trái hiển thị ở hầu hết các quầy thủ tục. Trên màn hình hiện dòng chữ Trung Quốc với nội dung xuyên tạc vấn đề biển Đông. Cùng lúc, hệ thống phát thanh của sân bay bất ngờ bị chèn nội dung kích động, đồng thời cũng phát đi những thông điệp xuyên tạc tương tự.
Sau khi hệ thống thông tin dữ liệu chuyến bay của các hãng hàng không bị xáo trộn đồng loạt, dữ liệu thông tin hành khách bị lộ, khoảng 4 phút sau, tất cả các màn hình và hệ thống âm thanh tự động đã được nhà chức trách sân bay tắt đi để và kiểm soát chặt chẽ. Nhân viên hàng không phải làm thủ tục, xử lý danh sách khách hàng bằng tay. Trong khi đó, trên website của hãng hàng không Việt Nam cũng bị thay đổi nội dung, đồng thời, phía cuối website có dẫn đường link đến một website chia sẻ ba liên kết để tải về tập tin excel chứa khoảng 411.000 thành viên Golden Lotus.
Thậm chí, tài khoản của khách hàng còn bị lộ họ tên, ngày sinh, địa chỉ và một số thành viên còn bị lộ chức vụ, cơ quan công tác, số điện thoại... Nhóm tin tặc (hacker) tự xưng 1937cn đã nhận thực hiện vụ tấn công này. Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, Cục và Văn phòng thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã chỉ đạo Cảng vụ hàng không miền Bắc và Cảng vụ hàng không miền Nam cùng các đơn vị có liên quan phối hợp với Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) và Cục An ninh mạng (A68) - Bộ Công an để phối hợp xử lý.
Trước tình trạng tấn công mạng hàng không mới đây Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu từ nay đến cuối năm 2024 Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp hàng không về chương trình an ninh hàng không, kiểm tra hành khách, kiểm tra hành lý...
Bộ Giao thông vận tải chủ trì rà soát, đánh giá, tổng kết Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, rà soát cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động của Ủy ban ANHK; cập nhật tình hình mới, tình hình an ninh mạng phát sinh; phân định giữa phạm vi quản trị, quản lý, khai thác giữa doanh nghiệp khai thác cảng và nhà nước tại các cảng hàng không (bao gồm cảng hàng không do tư nhân đầu tư) để kiến nghị điều chỉnh các quy định của pháp luật, bảo đảm sự thống nhất và tách bạch, khẳng định vai trò chủ đạo của nhà nước về an ninh hàng không, an ninh quốc gia.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xây dựng Đề án về khắc phục các khuyến cáo của ICAO, việc thành lập Ủy ban điều tra sự cố hàng không dân dụng tách bạch với vai trò quản lý nhà nước; về bổ sung vị trí, nhiệm vụ của Ủy ban An ninh hàng không; về Ủy ban điều tra sự cố hàng không dân dụng: xác định cấp có thẩm quyền thành lập, việc sử dụng các cơ quan chức năng chuyên ngành giúp việc điều tra sự cố; xác định vị trí và yêu cầu về tính thống nhất thông tin, dữ liệu của Văn phòng Ủy ban ANHK; hoàn thành Đề án trong tháng 12/2024.
Trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam cập nhật các quy định về an ninh hàng không, rà soát, kiểm tra, đánh giá các cơ quan, doanh nghiệp hàng không trong toàn hệ thống về các nội dung: chương trình an ninh hàng không, kiểm tra hành khách, kiểm tra hành lý, trang thiết bị kiểm tra, nhân viên an ninh, công tác đào tạo huấn luyện, hệ thống quản lý, báo cáo phân tích sự cố, giám sát đánh giá... Bộ Công an phối hợp tham gia quá trình kiểm tra, đánh giá.
An Dương /Chất lượng Việt Nam