TS. Vũ Đình Ánh chỉ rõ 8 rủi ro của việc phát triển trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa.
Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành với thời hạn ít nhất là 1 năm, thuộc công cụ nợ dài hạn. Lợi tức từ công cụ tài chính này của nhà đầu tư thường bị đánh thuế. Một ngoại lệ, là nếu được bán với giá chiết khấu, lợi tức của trái phiếu doanh nghiệp có thể bằng 0.
Trái phiếu doanh nghiệp có mức rủi ro cao hơn so với trái phiếu chính phủ. Nó phụ thuộc vào nhà phát hành, điều kiện thị trường, cũng như vào loại trái phiếu chính phủ được sử dụng để tham chiếu, và xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp. Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp còn đối mặt với rủi ro phổ tín nhiệm, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, rủi ro nguồn cung, rủi ro lạm phát, rủi ro thuế…
Cách đây khoảng 10 năm, Việt Nam chỉ có trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp nhà nước và trái phiếu của ngân hàng thương mại. Rất ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu, chủ yếu là trái phiếu kèm chứng quyền như trái phiếu kèm quyền chuyển đổi thành cổ phiếu, hay doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu kèm quyền mua nhà, căn hộ.
Tuy nhiên, những năm gần đây trái phiếu doanh nghiệp phát triển nóng. Nguyên nhân bởi, đây là kênh giúp doanh nghiệp huy động vốn mà không làm suy giảm vốn chủ sở hữu hiện tại của các cổ đông. Lãi suất huy động từ trái phiếu thường thấp hơn của ngân hàng.
Bằng cách phát hành trái phiếu trực tiếp cho nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể trừ được khoản chi phí và ít bị rào cản về thủ tục so với vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, phát hành trái phiếu giúp doanh nghiệp có thể vay tiền với tỷ lệ cố định trong thời gian dài hơn so với lãi suất có thể tại ngân hàng.
Từ 1/1/2021, khi nhiều quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực, thị trường này bùng nổ. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 623.616 tỷ đồng, tăng 34,9% so với năm 2020, trong đó tài chính - ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành, chiếm 42% tổng giá trị phát hành. Nhóm ngành bất động sản chiếm 34,8% tổng giá trị phát hành, tăng 36,2% so với năm 2020.
Việc phát triển nóng trái phiếu doanh nghiệp mang đến những rủi ro. Theo TS. Vũ Đình Ánh, điều đầu tiên là những công cụ quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi quy mô nhỏ hồi 2018 không còn phù hợp với quy mô lên tới hàng triệu tỷ đồng như năm 2021.
Thứ hai, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện hạn chế về công khai minh bạch thông tin, thậm chí có tình trạng thông tin sai lệch và che giấu thông tin khi có tới gần 80% giá trị phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Thứ ba, lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp trung bình khoảng 13%/năm, thậm chí có nơi lên tới 18%/năm, gấp khoảng 3 lần so với lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Chạy đua tăng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp thay vì uy tín hay xếp hạng tín nhiệm của nhà phát hành khiến không ít đợt phát hành công cụ tài chính này tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ ngay từ khi ban đầu.
Thứ tư, hàng loạt trái phiếu được phát hành theo hình thức “3 không”: không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán. Riêng năm 2021, 94,5% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là trái phiếu riêng lẻ.
Thứ năm, nhiều nhà phát hành lách luật khi bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân. Tỷ lệ này, theo Bộ Tài chính, hiện vào khoảng 40%.
Thứ sáu, tổng số dư trái phiếu doanh nghiệp mà các tổ chức kinh tế mà và ngân hàng thương mại nắm vào năm 2021 là khoảng 214.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2020. Điều này dẫn đến rủi ro sở hữu chéo giữa ngân hàng với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Giới kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp thuộc loại rủi ro hệ thống, có thể tác động tới an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Thứ bảy, công tác thanh, kiểm tra, nâng cao năng lực của bộ máy quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn hạn chế. Từ năm 2019, Bộ Tài chính chỉ tổ chức được hơn 30 đoàn kiểm tra.
Thứ tám, lãi suất quá cao của trái phiếu doanh nghiệp và những biến tướng trong phát hành, phân phối, sở hữu và sử dụng làm tăng rủi ro cho thị trường bất động sản, vốn cũng đang phát triển nóng.
“Thị trường TPDN là một trong những trụ cột quan trọng nhất của thị trường chứng khoán. Việc chỉnh sửa các qui định và giám sát chặt chẽ số lượng cũng như chất lượng các trái phiếu doanh nghiệp không những góp phần làm mạnh hóa thị trường mà còn làm lành mạnh hóa định chế tài chính”, TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ.
Từ tháng 9/2021 đến nay, Thủ tướng có 4 công điện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Hà Anh
Nguồn Doanh nghiệp và Hội nhập