Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 diễn ra ngày 8/11, ông Nguyễn Tú Anh kỳ vọng rằng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm tới không chỉ từ những thị trường truyền thống mà còn từ Trung Quốc và những nước lân cận, qua đó hỗ trợ cung tiền tăng tốt hơn.
Dòng vốn vào Việt Nam sẽ cải thiện trong 2025
Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng ADB nhận định rằng về đầu tư trực tiếp, trong xu hướng rút đầu tư khỏi Trung Quốc, Việt Nam nằm trong nhóm hưởng lợi và dự báo vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi trong khoảng vài ba năm tới.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). (Ảnh: BTC Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025)
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, ước tính vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 34 tỷ USD, giải ngân hơn 20 tỷ USD. Tính đến hết 10 tháng năm nay, vốn FDI đăng ký đạt hơn 27 tỷ USD, giải ngân gần 20 tỷ USD.
Nguồn: GSO
Dự báo về xu hướng dòng vốn FDI năm tới, ông Bá Hùng cho rằng do cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, xu hướng giảm đầu tư vào Trung Quốc và tìm kiếm nền kinh tế thứ ba để duy trì chuỗi sản xuất vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Việt Nam cũng là một trong những nước trong khu vực hưởng lợi ích nhất định trong dòng chuyển dịch đầu tư quốc tế này.
Cùng đó, Việt Nam có những yếu tố nội tại để thu hút đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như chính sách tương đối nhất quán về thu hút FDI. Tuy nhiên, vị chuyên gia đầu tư nước ngoài đã bắt đầu đạt ngưỡng hơi gây áp lực lên hạ tầng trong nước, bao gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, bến cảng, đường xá. Đồng thời, chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh triển vọng dòng vốn đầu tư trực tiếp, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam trong năm 2025 cũng được kỳ vọng cải thiện. Theo ông Lê Anh Tuấn (Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital), đầu tư gián tiếp vào Việt Nam có hai kênh là cổ phiếu và trái phiếu.
Theo đó, trái phiếu Chính phủ Việt Nam 10 năm có mức lợi suất khoảng 2,7%, đây là mức lợi suất thấp nên nhiều khả năng không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Còn về thị trường cổ phiếu thì chúng ra xét từ đầu năm tới nay, dòng tiền ngoại rút ròng khoảng 3 tỷ USD, còn xét trong giai đoạn 3 – 4 năm gần đây thì quy mô vốn ngoại bán ròng khoảng gần 6 tỷ USD, chiếm khoảng 7% dự trữ ngoại hối của nước ta, mà một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng là do thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa bước ra khỏi thị trường cận biên.
Tuy nhiên nhìn về triển vọng 2025, vị chuyên gia tự tin rằng nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging markets) sẽ sớm xảy ra. “Việc nâng hạng có thể thực hiện trong tháng 9, sớm hơn có thể vào tháng 3 năm sau”, ông Lê Anh Tuấn cho hay. Điều này cũng sẽ tạo động lực tích cực trong việc đưa dòng vốn ngoại trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital. (Ảnh: BTC Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025)
‘Vốn sẽ chảy vào không chỉ từ những thị trường truyền thống mà còn từ Trung Quốc’
Phân tích sâu hơn về dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 2025, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng vốn sẽ chảy vào không chỉ từ những thị trường truyền thống như Mỹ mà còn từ Trung Quốc và những nước lân cận, qua đó hỗ trợ cung tiền tăng tốt hơn.
Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: BTC Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025)
Cụ thể, tại nền kinh tế lớn nhất hành tinh là Mỹ, ông Tú Anh cho rằng trong năm tới, Cục Dự trữ Liên bang (FED) có khả năng sẽ phải cắt giảm lãi suất nhiều hơn vì khi mà “di sản” ông Joe Biden để lại cho ông Trump là khối nợ khổng lồ 35.700 tỷ USD và khoản lãi phải trả cho năm 2024 là 892 tỷ USD, chiếm 3,1% GDP của Mỹ. Trong khi chi đầu tư của Mỹ cho y tế, giáo dục và kết cấu hạ tầng chỉ chiếm 2,4% GDP. Tức là phần tiền lãi đang càng ngày càng lớn.
Điểm thứ hai là trước đây nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nợ của Mỹ lên 33,4% nhưng sau khi đạt đỉnh vào 2013, xu hướng này đến nay đã giảm dần, hiện chỉ còn khoảng 23,5%. Nếu xu hướng người nước ngoài nắm giữ nợ của Mỹ càng thấp thì khả năng Mỹ in tiền và bắt cả thế giới chịu lạm phát của đồng tiền sẽ càng ngày càng ít đi. Và khi tiền được in ra càng nhiều sẽ khiến lạm phát của Mỹ càng ngày càng cao, khả năng cả thế giới phải chịu đựng cũng sẽ càng cao.
“Chúng ta thấy rằng chính sách tài khoá của Mỹ đã đến giới hạn, Mỹ không thể nào tiếp tục tung tiền ra được”, ông Tú Anh nhận định. Ví dụ năm 2022, toàn bộ tiền phát hành là hơn 6.600 tỷ USD nhưng 6.255 tỷ USD là FED nắm, có nghĩa là tiền Mỹ in ra. Và hiện nay FED vẫn nắm giữ đâu đó khoảng 4.414 tỷ USD, tức là lượng tiền nước Mỹ in trong năm 2022 để đưa ra thị trường là một con số khổng lồ và đang phải tìm cách để rút lại. Như vậy không thể in tiền thêm tiếp được nữa.
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đã và đang vào giai đoạn hạ cánh nhưng việc in thêm tiền không khả thi, ông Tú Anh nhận định nhiều khả năng NHTW Mỹ sẽ phải tiếp tục hạ lãi suất. Và như một hệ quả quen thuộc, điều này sẽ tác động hướng dòng vốn đến các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Còn tại Trung Quốc, theo vị chuyên gia này, mục tiêu lâu dài của Bắc Kinh vẫn là phải giữ đồng NDT là một đồng tiền quốc tế hoá và đáng tin cậy, và việc phá giá có thể đánh vào niềm tin đó.
“Do đó, tôi nghĩ Trung Quốc có thể lực chọn phá giá đồng tiền trong một khoảng nhất định nhưng về lâu dài sẽ lựa chọn làm sao để quốc tế hóa đồng NDT để thế giới sử dụng NDT nhiều hơn, nhằm tránh việc đối đầu không tránh khỏi với Mỹ. Như vậy thì Trung Quốc sẽ đẩy đầu tư ra nhiều hơn, kích cầu trong nước”, vị chuyên gia phân tích thêm.
Theo phân tích này, nhiều khả năng dòng vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2025 không chỉ từ những thị trường truyền thống mà còn từ Trung Quốc và những nước lân cận có thể sẽ tăng mạnh, làm cho dòng tiền vào tốt hơn, kéo theo cung tiền ra tốt hơn.
Diên Vỹ /Doanh Nhân Việt Nam