Lợi dụng sự quan tâm của nhà đầu tư đến thị trường chứng khoán, nhiều đối tượng đã sử dụng các ''chiêu trò'' rất tinh vi, thậm chí sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tính đến hết tháng 11/2024, có hơn 9,1 triệu tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước. Lợi dụng sự quan tâm của nhà đầu tư đến thị trường chứng khoán, nhiều đối tượng đã sử dụng các "chiêu trò” rất tinh vi, thậm chí sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản
Là một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực tài chính, thường xuyên xuất hiện trên mặt báo nên Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng bị các đối tượng lừa sử dụng hình ảnh để mạo danh, nhằm tăng niềm tin với nhà đầu tư.
Theo Tiến sỹ Cấn Văn lực, các đối tượng lừa đảo tung ra các chiêu trò quảng cáo và dùng hình ảnh để tăng tính hấp dẫn, độ tin cậy. Các đối tượng này sẽ chào mời đào tạo, hoặc đầu tư theo nhiều hình thức, nhưng chủ yếu là đa cấp. Nếu người dân bị cuốn vào vòng xáy của các đối tượng lừa đảo thì chắc chắn sẽ mất tiền bạc, thời gian, ảnh hưởng tới tinh thần.
Theo ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS, các đối tượng lừa đảo đang hướng tới những người chưa hiểu biết về thị trường chứng khoán, thị trường tài chính. Vì chưa có nhiều kiến thức, do đó những người dân này dễ dàng sa đà bấm nút like hoặc tương tác với trang giả mạo. Ông Khánh khuyến nghị, người dân cần tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với mặt bằng chung của thị trường.
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) đã khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng và tìm hiểu kỹ trước các lời mời tham gia đầu tư chứng khoán, tránh bị lừa đảo trong hoạt động giao dịch chứng khoán. Ảnh minh họa
Theo Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh, đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra mức lợi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, thực tế, việc đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ không có sự cam kết, kể cả các quỹ đầu tư khi họ quản lý tài sản của các nhà đầu tư họ cũng không được quyền cam kết theo quy định của luật chứng khoán.
Thậm chí thời gian qua, một số công ty chứng khoán, doanh nghiệp lớn cũng đã phát đi thông báo bị giả mạo thương hiệu, tên lãnh đạo để lừa đảo nhà đầu tư, các chiêu thức liên tục thay đổi. Đối tượng lừa đảo còn ứng dụng công nghệ cao, AI, Depface (giả tạo khuôn mặt).
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) đã khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng và tìm hiểu kỹ trước các lời mời tham gia đầu tư chứng khoán, tránh bị lừa đảo trong hoạt động giao dịch chứng khoán.
Theo VNX, qua rà soát đơn vị này có được thông tin về việc mạo danh, sử dụng logo, hình ảnh của sở này trên các nền tảng mạng xã hội facebook. Việc mạo danh này để quảng cáo tham gia các nhóm zalo về giảng dạy chứng khoán, kêu gọi tham gia các lớp giảng dạy đầu tư chứng khoán trên các trang có tên Stock exchange, Investment teaching, Giảng dạy chứng khoán, Câu lạc bộ chứng khoán...
VNX khẳng định: Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cùng các Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) không mời gọi tham gia vào bất cứ chương trình giảng dạy, nhóm đầu tư chứng khoán nào. VNX khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng và tìm hiểu kỹ trước các lời mời tham gia đầu tư chứng khoán, tránh bị lừa đảo trong hoạt động giao dịch chứng khoán.
Trước đó, nhiều công ty chứng khoán cũng đã cảnh báo tình trạng giả mạo thông qua website, mạng xã hội nhằm lừa đảo tài chính. Đơn cử như Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết đã phát hiện một nhóm chat zalo mạo danh công ty và lãnh đạo cao cấp thực hiện các buổi livestream tư vấn đầu tư.
Đối tượng lừa đảo lập tài khoản zalo mạo danh, sử dụng công nghệ AI để giả mạo hình ảnh ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI. Công ty cổ phần Chứng khoán SSI khuyến nghị nhà đầu tư tăng cường cảnh giác, tỉnh táo khi thực hiện các thao tác trên môi trường số.
Hay như Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) cũng đã nhiều lần cố gắng xử lý và cảnh báo đến khách hàng và khuyên khách hàng cần cảnh giác cao độ về các vấn đề như giả mạo là nhân viên của VNDirect, mời chào tham gia khóa học về chứng khoán, tạo các website/ứng dụng giả mạo, giả danh công an để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản chứng khoán.
Trước tình trạng giả mạo để lừa đảo diễn ra một cách trắng trợn, lộ liễu trên các trang mạng xã hội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhiều lần khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác khi nhận cuộc gọi điện thoại của người lạ; cẩn trọng, cân nhắc tránh bị lôi kéo, tham gia các ứng dụng (app), diễn đàn, hội nhóm trên không gian mạng với mục đích đầu tư chứng khoán.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán cần trang bị cho mình kiến thức về chứng khoán, thị trường chứng khoán và tìm hiểu thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán tại các kênh chính thống của cơ quan quản lý, đơn vị vận hành thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trường hợp có nghi ngờ hoặc phát hiện các cá nhân mạo danh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cung cấp thông tin sai sự thật và các hành vi lừa đảo khác, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị người dân thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan Công an khuyến cáo, để tránh bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi đầu tư chứng khoán, đa cấp, tiền ảo... vào các sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến trên mạng không rõ thông tin hoặc thông tin có dấu hiệu bị giả mạo. Tìm hiểu kỹ thông tin về sàn giao dịch trước khi đầu tư, đặc biệt là các sàn đầu tư đăng tải địa chỉ ảo, không có thật hoặc giả mạo của sàn đầu tư chính thống. Nâng cao cảnh giác khi giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, làm theo hướng dẫn khi chưa xác định chính xác nhân thân, lai lịch của người đó. Chỉ đầu tư vào các sàn giao dịch chính thống đã được cơ quan nhà nước cấp phép hoạt động. Trước khi đầu tư nên đến trực tiếp văn phòng của các phòng giao dịch để được tư vấn, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin.
Người dân lưu ý: Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có 3 sàn giao dịch chứng khoán, gồm: Sàn HNX, Hose và UpCom; các công ty chứng khoán nhiều phổ biến, gồm: SSI, PVS, FPTS, HCM… Đến nay, chưa có bất cứ đơn vị nào là đại lý chứng khoán quốc tế tại Việt Nam. Việt Nam chưa công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán nên mọi giao dịch tiền ảo trên internet đều bất hợp pháp và có nguy cơ bị lừa đảo rất cao. Vì vậy, người dân cần phải cảnh giác và tỉnh táo khi tham gia sàn giao dịch này.
Khánh Mai /Chất lượng Việt Nam