Mở rộng thị trường vốn để phát triển bền vững

12:00 | 23/11/2022
Thời gian qua, thị trường vốn của Việt Nam phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu, quy mô, sản phẩm và thanh khoản.

Yêu cầu và thực tế nguồn vốn đầu tư

Thị trường vốn của Việt Nam phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu, quy mô, sản phẩm và thanh khoản, góp phần huy động được nguồn lực tài chính hỗ trợ và bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế. Quy mô thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, đạt 134,5% GDP vào cuối năm 2021, gấp 3,5 lần năm 2015. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra.

Mở rộng thị trường vốn để phát triển bền vững

Về tổng thể, cơ cấu nguồn vốn đầu tư xã hội của Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng khá tích cực: Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 2.130,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (vốn khu vực Nhà nước đạt 544,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng vốn và tăng 16,1%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.227,1 nghìn tỷ đồng, bằng 57,6% và tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 358,3 nghìn tỷ đồng, bằng 16,8% và tăng 16,3%).

Tổng FDI đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước. FDI thực hiện đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% và cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%). Chỉ số VN Index đạt 1.166,54 điểm, giảm 22,14% so với cuối năm 2021.

Tính đến ngày 16/9/2022, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.437 nghìn tỷ đồng, giảm 17,1% so với cuối năm 2021; giá trị giao dịch bình quân đạt 22.743 tỷ đồng/phiên, giảm 14,5% so với bình quân năm trước. Trên thị trường trái phiếu, tính đến ngày 16/9/2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 6.987 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với tháng trước; tính chung 9 tháng năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 9.326 tỷ đồng/phiên, giảm 18,2% so với bình quân năm 2021.

Ở thị trường chứng khoán phái sinh, tính đến ngày 16/9/2022, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 215.090 hợp đồng/phiên, tăng 10% so với tháng trước; tính chung 9 tháng năm 2022 đạt 210.910 hợp đồng/phiên, tăng 12% so với bình quân năm trước.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra mục tiêu chiến lược phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Với quy mô nền kinh tế cuối năm 2020 đạt 343,6 tỷ USD và chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân khoảng 7%/năm, tổng đầu tư xã hội bình quân đạt từ 33% đến 35% thì nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn (ước tính cần khoảng 1.676 tỷ USD đến 1.778 tỷ USD cho cả giai đoạn 2021 - 2030). Phát triển hạ tầng trọng yếu, về giao thông, quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 ước tính cần khoảng 900 nghìn tỷ đồng.

Về phát triển hạ tầng năng lượng, dự thảo quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 ước tính cần khoảng 13 tỷ USD/năm. Việt Nam cũng cần đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD mỗi năm cho hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao được ưu tiên phát triển đều là các ngành sử dụng nhiều vốn.

Theo tinh thần Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, Việt Nam phấn đấu cuối năm 2025 đạt mục tiêu: Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3%; tiếp tục điều chỉnh cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cố phiếu và trái phiếu, đảm bảo an toàn hệ thống. Phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và hỗ trợ công tác tái cơ cấu ngân sách và nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Một số giải pháp chủ yếu phát triển thị trường vốn bền vững

Mặc dù có nền tảng khá tốt và nhiều điểm sáng, song thị trường vốn nước ta còn có không ít hạn chế, bất cập về cấu trúc thị trường, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường..., trong đó có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân thao túng thị trường, làm giá và thao túng giá cổ phiếu; huy động trái phiếu sử dụng sai mục đích; vi phạm quy định pháp luật khi tham gia thị trường...

Để phát triển thị trường vốn hiệu quả và bền vững cần triển khai động bộ và chú ý tính hai mặt của các chính sách, giải pháp, trong đó nổi bật là:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Nghị định 153/NĐ-CP và Nghị định 155/NĐ-CP bảo đảm sự nhất quán, ổn định và chặt chẽ để minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường; nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp và bảo vệ nhà đầu tư; phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tiền tệ; tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ; tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ; đưa trái phiếu vào giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán để tăng tính minh bạch trên thị trường thứ cấp; khuyến khích sự phát triển của nhà đầu tư là tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường; thúc đẩy các định chế tài chính trung gian (doanh nghiệp bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí) tăng tiềm lực tài chính và mở rộng các sản phẩm dịch vụ để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi và tạo kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư cá nhân.

Thứ hai, phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại, ứng dụng công nghệ số và nâng cao chất lượng nhân lực quản lý thị trường đảm bảo hệ thống giao dịch vận hành an toàn, thông suốt; nâng cao chất lượng công bố thông tin, chất lượng báo cáo tài chính đối với các công ty phát hành; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu ký, mua bán trái phiếu doanh nghiệp; chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp phát hành đảm bảo minh bạch, đúng mục đích, tuân thủ đúng các quy định pháp luật; chấn chỉnh và tăng cường kiểm tra giám sát nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đạo đức nghề nghiệp, năng lực quản trị của các tổ chức trung gian thị trường, như công ty chứng khoán, công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp thẩm định giá và xếp hạng tín nhiệm; tăng cường thanh tra, giám sát các hoạt động phát hành, phân phối, lưu ký, đầu tư, mua bán và sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế, nhưng kịp thời tổ chức điều tra, xử lý nghiêm khắc các biểu hiện vi phạm, nhất là các hành vi thao túng, làm giá, đưa tin sai lệch, không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện ổn định, phát triển bền vững thị trường chứng khoán, tiền tệ, tín dụng; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, sở hữu chéo và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tăng cường quản lý thị trường để ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giảm lãi suất cho vay, hạn chế tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích; Giám sát việc cấp tín dụng, đầu tư, huy động vốn trong hoạt động ngân hàng và cung cấp dịch vụ trên thị trường vốn của các tổ chức tín dụng. Kịp thời cảnh báo sớm và có biện pháp xử lý theo quy định các rủi ro, mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, bảo đảm thị trường chứng khoán minh bạch, ổn định, an toàn, bền vững, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô và Chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông chính thức, kịp thời, liên tục, minh bạch để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về pháp luật, kiến thức, kỹ năng phản ứng thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin thiếu kiểm chứng, không chính xác, làm nhiễu loạn và méo mó thị trường; định hướng nhà đầu tư cá nhân và chuyên nghiệp vào các sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao hơn; chủ động theo dõi sát diễn biến của thị trường vốn, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế để kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường;.

Thứ năm, triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài

Hơn nữa, cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cam kết COP26, phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), phê duyệt kế hoạch giảm phát thải khí metan, đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu và nhiệm vụ để thực hiện các cam kết về khí hậu nâng cam kết lên cao hơn phù hợp với lộ trình đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050…, Việt Nam cần tăng cường phối hợp với đối tác quốc tế (Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu và nhóm G7…) để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế, thúc đẩy hành động cho phát triển bền vững thông qua các cơ chế của thỏa thuận Paris nhằm hỗ trợ chuyển giao công nghệ và thực hiện các dự án thí điểm tại các nước đang phát triển để làm tiền đề, khơi thông nguồn vốn toàn xã hội đầu tư vào lĩnh vực giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc huy động và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ trên thị trường vốn quốc tế cho cả giai đoạn 2021 - 2030 cần vừa đáp ứng nhu cầu vay, vừa hỗ trợ cơ cấu lại nợ của Chính phủ (giảm nợ ngắn hạn, đa dạng hóa nhà đầu tư và công cụ nợ với thời hạn vay dài hơn, chi phí thấp hơn và hạn chế các ràng buộc phi tài chính). Đồng thời, việc huy động vốn quốc tế cần đặt trong tổng thể phát hành trái phiếu chính phủ gắn với dự báo các tác động kinh tế hai mặt; tách bạch quản lý nợ nước ngoài khu vực công và khu vực tư nhân, song cần đánh giá và có kịch bản chủ động xử lý các tác động chuyển hóa tương hỗ trong tương quan nợ công và nợ tư nhân; dự báo các tác động của biến động tỷ giá tới chi phí lãi vay và khả năng trả nợ trong suốt thời hạn của trái phiếu; Coi trọng hoàn thiện cơ chế huy động, sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn tiền thu được sau phát hành, mở rộng cơ chế cho vay lại từ nguồn phát hành trái phiếu quốc tế, hạn chế tình trạng đọng vốn và bảo đảm khả năng tạo nguồn trả nợ khi đến hạn; lựa chọn mua lại trước thời điểm đáo hạn, hoặc hình thành quỹ tích lũy tiền trả nợ với từng đợt phát hành.../.

TS.Nguyễn Minh Phong

Nguồn Báo Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Tính đến ngày 20/3, Kho bạc Nhà nước huy động được 72.774 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt khoảng 57,3% kế hoạch của quý I/2024.
09:09 | 29/03/2024
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt 2 doanh nghiệp vì sai phạm trong công bố thông tin liên quan đến phát hành trái phiếu.
09:08 | 29/03/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai ngay các biện pháp cần thiết để nâng..
09:58 | 28/03/2024
Số liệu thống kê cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đến cuối tháng 1/2024, tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng..
09:36 | 28/03/2024
Các ngân hàng Việt đã đầu tư nguồn lực, công nghệ, chính sách phù hợp cho phân khúc FDI nhằm đồng hành lâu dài cùng sự phát triển của các doanh nghiệp..
00:23 | 27/03/2024
Cổ đông các ngân hàng: Techcombank, MB, ACB, VIB, VPBank… dự kiến sẽ nhận ''cơn mưa'' cổ tức bằng tiền mặt lên đến 20% lợi nhuân ngân hàng.
10:11 | 26/03/2024
Năm 2022, sau những cú sập khiến nhiều ''chứng sĩ'' bay mất phần lớn tài khoản, từ đầu quý III/2023 đã có ý kiến lạc quan về một giai đoạn uptrend.
09:27 | 26/03/2024
Hàng loạt chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thống nhất khi bấm nút thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế..
10:15 | 25/03/2024
Theo dự thảo Thông tư mới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bãi bỏ quy định cấm tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong vòng 1 năm sau khi bá..
10:09 | 25/03/2024
Việc mở mới, cho thuê, mượn tài khoản chứng khoán... nếu không quản lý chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng các đối tượng sử dụng để thao túng giá cổ ph..
09:25 | 25/03/2024

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06/ 5/2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com *0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
VPHN: Trưởng Ban Thời sự Giang Thị Hoa
Tel: 024 39 195 195 * Fax: 024 39 196 196

icon facebook  icon-zalo  icon youtube  www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Chung nhan Tin Nhiem Mang

VĂN PHÒNG: KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ
VP Đồng Nai: 137/N4 KDCTM Phước Thái
Trưởng VP Đồng Nai Nguyễn Duy Khương

* * * * *
® Bản tin Thị trường Việt Nam
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức

Đường dây nóng Toàn quốc 0905082014
Tra cứu Thành viên | Trang chủ Bản tin

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up