Việc giải quyết vấn đề ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán là điều kiện thiết yếu để chuẩn bị cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhằm chuẩn bị các điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu ký quỹ.
Bộ Tài chính hôm nay ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC, sửa đổi và bổ sung một số quy định về giao dịch chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Sẽ có hiệu lực từ ngày 2/11/2024, một trong những điểm nổi bật của thông tư là việc nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức có thể đặt lệnh mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền trước, với điều kiện công ty chứng khoán đánh giá và chịu trách nhiệm thanh toán trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Ngoài ra, thông tư cũng quy định rõ ràng về trách nhiệm của các ngân hàng lưu ký và công ty chứng khoán trong việc đảm bảo thanh toán cho các giao dịch không đủ tiền của nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu nhà đầu tư nước ngoài không đủ tiền thanh toán, nghĩa vụ này sẽ được chuyển sang công ty chứng khoán, với các điều khoản liên quan đến việc bán cổ phiếu để bù trừ, nhằm đảm bảo không vượt quá hạn mức sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài.
Thông tư cũng sửa đổi quy định về mức nhận lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền, đảm bảo rằng các công ty chứng khoán không được vượt quá hạn mức đầu tư và phải tuân thủ các quy định về sở hữu chéo.
Trước đây, chứng khoán và tiền ngay sau khi được khớp lệnh đã trở thành phần tài sản đảm bảo cho giao dịch. Vì vậy, việc yêu cầu phải ký quỹ 100% bằng tiền ngay tại thời điểm đặt lệnh giao dịch là trở ngại lớn đối với hiệu quả sử dụng vốn của nhà đầu tư ngoại và hạn chế tính thanh khoản của thị trường nói chung.
Có thể thấy điểm hạn chế của quy định trước đây là quay vòng vốn không tốt, gia tăng chi phí cơ hội hoặc chi phí tài chính cho các nhà đầu tư, trở thành rào cản đối với dòng vốn ngoại muốn tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Việc tháo gỡ nút thắt quan trọng này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam sớm đáp ứng các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell, trở thành chất xúc tác để đảo chiều dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng liên tục với tổng giá trị từ đầu năm 2024 lên đến hơn 65.000 tỷ đồng, chỉ tính riêng trên HoSE.
Trước đó, VinaCapital dự đoán khi Việt Nam được xét duyệt gia nhập thị trường mới nổi thì sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng ít nhất 100 lần so với quy mô hiện nay. Tổng giá trị mua phụ thuộc vào tỉ trọng của Việt Nam trong chỉ số với mức ước tính có thể lên đến gần 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu từ học viện CFA đã chỉ ra rằng khi một thị trường được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi, chỉ số chính sẽ tăng trung bình 23,2% từ ngày thông báo đến ngày có hiệu lực.
Ước tính từ World Bank cũng cho thấy việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2 – 5 tỷ USD.
Ngoài ra, Thông tư 68 cũng bổ sung quy định về ngôn ngữ cùng lộ trình thực hiện đối với các công ty đại chúng công bố thông tin trên thị trường.
Theo đó, ngôn ngữ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là tiếng Việt. Tổ chức niêm yết, công ty đại chúng, Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh theo quy định.
Thông tin công bố bằng tiếng Anh phải bảo đảm thống nhất với nội dung thông tin công bố bằng tiếng Việt. Trường hợp có sự khác biệt hoặc có cách hiểu khác giữa thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh thì thông tin bằng tiếng Việt được áp dụng.
Dũng Phạm /Nhà Quản trị