Sau giai đoạn trượt dài bởi đại dịch và những biến động kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính tiêu dùng đang bắt đầu trở lại đà tăng trưởng với những tín hiệu phục hồi đầy khích lệ. Các ngân hàng và tổ chức tài chính đang đồng loạt đưa ra những chương trình tài trợ linh hoạt, trong khi người tiêu dùng tại Việt Nam cũng đang dần lấy lại sự tự tin trong chi tiêu và vay vốn. Điều này đánh dấu một giai đoạn mới đối với nền tài chính tiêu dùng, hứa hẹn sẽ nhộn nhịp và khá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thị trường tài chính tiêu dùng phục hồi rõ rệt
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống tiêu dùng của Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong đó, các ngân hàng thương mại cung cấp 94% và các công ty tài chính tiêu dùng đóng góp khoảng 4,8% với mức tổng dư nợ là 139.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy dư địa phát triển tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Theo số liệu từ FiinGroup, đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ của các công ty tài chính tiêu dùng trên toàn thị trường đạt khoảng 150 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ 2023 (yoy). Tỷ lệ nợ xấu tại các công ty tài chính tiêu dùng tăng từ mức 5,5% lên 11% vào 2023, đã đạt đỉnh và có dấu hiệu đi xuống. Kết thúc quý 3/2024, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng đạt mức 9,6%, tương đương năm 2021.
Một số đơn vị có sự bứt phá, đơn cử, tăng trưởng cho vay của Mcredit vào cuối tháng 9 năm 2024 đạt 14,4% so với đầu năm nhờ mức nền thấp năm 2023 và tận dụng lợi thế từ các cổ đông lớn (MBBank và SBI Shinsei Bank). Trong khi HDsaison ghi nhận tăng trưởng tín dụng 7,3% so với 2023 nhờ phân khúc cho vay xe máy (chiếm 36% thị phần). Ngược lại, công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất là FEcredit cho thấy tăng trưởng cho vay đi ngang so với năm 2023 do tái cấu trúc mô hình kinh doanh, tập trung vào các phân khúc khách hàng ít rủi ro, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp, để giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu.
Nếu tính chung các ngân hàng thương mại và công ty tài chính, đến cuối tháng 9/2024, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 3 triệu tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ 2023 (bao gồm cho vay mua nhà để ở).
Bên cạnh đó, Fiin Group cũng nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, tình trạng nợ xấu ở khối tiêu dùng vẫn là vấn đề đáng lo ngại.
Ngoài ra, thị trường này ngày càng trở nên phân mảnh, các công ty tài chính tiêu dùng nhỏ và vừa, với mô hình kinh doanh tinh gọn và động lực tăng trưởng cao có cơ hội tốt để vượt lên, trong khi một số công ty hàng đầu có xu hướng chậm lại trong bối cảnh kinh tế có nhiều thách thức, một số đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc và điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Có thể thấy, lĩnh vực tài chính tiêu dùng vẫn đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể như: Rủi ro tín dụng và nợ xấu. Việc khách hàng không trả nợ đúng hạn hoặc không thể trả nợ gia tăngtrong bối cảnh các khách hàng vay có thu nhập không ổn định. Rủi ro tín dụng tăng cao, do một bộ phận người vay thiếu hiểu biết về khả năng tài chính của mình, dẫn đến việc vay quá mức và không thể trả nợ.
Cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng, công ty tài chính và các nền tảng vay trực tuyến đang gia tăng, tạo áp lực lên lợi nhuận, khiến các tổ chức tín dụng phải đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đôi khi không bền vững.
Sự xuất hiện của các công ty cho vay tín dụng không chính thức, “tín dụng đen" hoặc cho vay với lãi suất cao và điều kiện không minh bạch vẫn tồn tại, gây khó khăn cho thị trường cho vay tiêu dùng chính thống. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.
Một số người tiêu dùng chưa có ý thức rõ ràng về việc quản lý tài chính cá nhân, dẫn đến việc vay tiêu dùng không hợp lý, sử dụng tín dụng không đúng mục đích và không có kế hoạch trả nợ rõ ràng. Điều này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ cũng như kiểm soát rủi ro.
Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng tín dụng tiêu dùng sẽ khởi sắc vào năm 2025 do nền kinh tế phục hồi, với tăng trưởng GDP theo kế hoạch được đẩy nhanh và thu nhập hộ gia đình cải thiện sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tài chính tiêu dùng.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ và cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ khuyến khích nhu cầu vay. Cụ thể, đối với các khoản vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng không cần cung cấp phương án sử dụng vốn chi tiết. Thay vào đó, khách hàng chỉ cần chia sẻ thông tin cơ bản về mục đích vay và khả năng trả nợ của mình.
MBS cũng dự báo chất lượng tài sản của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ cải thiện vào năm 2025 nhờ (1) hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi; (2) các công ty tài chính tiêu dùng tăng cường thực hành quản lý rủi ro và áp dụng các tiêu chí cho vay chặt chẽ hơn; (3) nhu cầu tín dụng mạnh hơn vào năm 2025.
Tiến Hoàng /Kinh tế và Đồ uống