Cùng những tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: Xuất khẩu dừa có thể mang về 1,2 tỷ USD; Vé máy bay khan hiếm, đắt đỏ; Bến Tre phát triển 10 câu lạc bộ với hơn 430 nông dân tỷ phú.
Dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 48 tỷ USD năm 2025
Ảnh minh họa
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay đạt mục tiêu 44 tỷ USD như dự kiến, tăng hơn 11% so với năm ngoái.
Theo Hiệp hội, nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận sự tăng trưởng đơn hàng trong năm nay và năm sau. Trong đó năm sau, dự báo lượng đơn hàng sẽ dồi dào hơn so với năm nay. Toàn ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm sau đạt khoảng 48 tỷ USD.
Theo ông Vũ Đức Giang Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận sự tăng trưởng đơn hàng trong năm 2024 và năm 2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm... nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, ông Phan Văn Kiệt cho biết, giai đoạn cuối năm, nhiều lao động tại doanh nghiệp đang tăng ca để kịp đáp ứng đơn hàng, phục vụ dịp lễ, tết cho các đối tác nước ngoài. Ngoài ra, Việt Tiến đã có đơn hàng đến tháng 5/2025.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp ngành sợi, mặc dù thị trường còn khá ảm đạm khi giá đơn hàng còn ở mức rất thấp, nhưng bằng nhiều giải pháp tiết kiệm, tối ưu chi phí trong sản xuất… nhiều doanh nghiệp đã có những tín hiệu tích cực. Vì vậy, năm 2025 toàn ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 48 tỷ USD. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho hay, đây là con số có sự tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng về xu thế đơn hàng; trong đó, ngành may được dự đoán sẽ có lượng đơn hàng sẽ dồi dào hơn so với năm 2024.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, tuy dự báo tình hình sẽ lạc quan nhưng trong năm 2025, ngành dệt may vẫn gặp nhiều thách thức khi ít cơ hội tiếp cận đơn hàng lớn, đơn giá không tăng, nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi... Doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang phải đối mặt những thách thức mới trong năm 2025 như: tình trạng giá đơn hàng thấp trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng, các nhãn hàng có sự thay đổi lớn trong cách mua hàng cũng như các quy định liên quan đến thanh toán, giảm sản lượng…
Hơn nữa, áp lực giảm giá đơn hàng đi cùng những quy định mới với các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến "xanh hoá" trong sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu… là những vấn đề trước mắt các doanh nghiệp dệt may tiếp tục phải đối mặt trong năm tới.
Ngoài ra, trước sức ép cạnh tranh gay gắt từ thị trường cung ứng, các doanh nghiệp dệt may Việt cũng đồng thời đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc và phát thải carbon thấp từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU.
Xuất khẩu dừa có thể mang về 1,2 tỷ USD
Việt Nam hiện đang là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh minh họa
Kim ngạch xuất khẩu dừa và sản phẩm chế biến năm nay có thể đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15 - 20% so với năm ngoái.
Việt Nam hiện đang là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời giữ vị trí thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường quốc tế. Hiện nay, dừa là một trong số ít ngành nông sản có tỉ lệ chế biến cao, với khoảng hơn 200 sản phẩm. Các sản phẩm từ dừa của nước ta đã có mặt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì vậy, việc mở rộng thị trường sẽ giúp nâng cao hơn nữa giá trị của ngành hàng vốn có nhiều tiềm năng và cơ hội trong bối cảnh hiện nay.
Dừa được chế biến thành hơn 200 sản phẩm. Ngoài thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, còn được xử lý thành than hoạt tính. Hiện sản phẩm này đã xuất khẩu được sang nhiều nước trên thế giới và còn dư địa để phát triển. Với nguồn nguyên liệu rất dồi dào, đây là cơ hội tận dụng tốt nguồn phụ phẩm từ dừa.
Việt Nam hiện có 200.000 ha diện tích trồng dừa, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 70% diện tích.
Ngành hàng dừa nước ta ra đời muộn hơn so với các nước trong khu vực; nếu so với Thái Lan thì đi sau khoảng 10 năm, tuy nhiên, những nỗ lực toàn ngành đã giúp Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với nước bạn và nhiều quốc gia khác, vươn lên vị trí thứ 4 trong xuất khẩu các sản phẩm từ dừa trên thế giới.
Vé máy bay khan hiếm, đắt đỏ
Vé máy bay Tết khan hiếm. Ảnh minh hoạ
Theo khảo sát của Báo điện tử VTC News sáng 15/12, vé khứ hồi hạng phổ thông trên nhiều chặng nội địa và quốc tế dịp Tết Ất Tỵ 2025 (từ 24/1/2025 đến 3/2/2025) đã tăng từ hơn 1 triệu đồng đến hơn 2 triệu đồng/vé so với ngày thường, tăng khoảng 3 triệu đồng so với cùng thời điểm năm trước và tăng từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng so với thời điểm đặt vào cuối tháng 11.
Cụ thể, vé khứ hồi chặng bay TP.HCM - Hà Nội (bao gồm thuế phí) của Vietjet Air là 6,476 triệu đồng, tăng hơn so với thời điểm đặt vé cuối tháng 11 là 200.000 đồng và tăng hơn giá vé hiện tại là 2,4 triệu đồng; của Vietnam Airlines là hơn 7,722 triệu đồng/vé, tăng hơn so với đặt vé hồi cuối tháng 11 là 200.000 đồng và tăng so với hiện tại hơn 2,7 triệu đồng; của Vietravel Airlines là 7,2 triệu đồng/vé, tăng hơn so với đặt vé hồi cuối tháng 11 là 200.000 đồng và tăng so với bay ở thời điểm hiện tại là 2,8 triệu đồng; Bamboo Airways là 7,706 triệu đồng/vé, tăng 300.000 đồng so với cuối tháng 11 và tăng hơn 2,8 triệu đồng so với thời điểm hiện tại.
Với chặng TP.HCM - Hải Phòng (vé khứ hồi đã bao gồm thuế, phí), giá vé của Vietjet Air là 7,436 triệu đồng; Vietnam Airlines là 9,49 triệu đồng; Bamboo Airways không tìm thấy thông tin. Mức giá của các hãng đều tăng hơn 3 triệu đồng so với thời điểm bay hiện tại, tăng khoảng 2 triệu đồng/vé so với cùng kỳ năm ngoái và tăng từ 300.000 - 1,2 triệu đồng so với đặt vé Tết hồi cuối tháng 11.
Các chặng bay khác như: TP.HCM - Thanh Hóa tại thời điểm khảo sát (15/12), giá vé khứ hồi đặt Tết của Vietnam Airlines là 12,2 triệu đồng, tăng gấp đôi so với bay thời điển hiện tại và tăng hơn 4 triệu đồng so với thời điểm Tết năm 2023.
Chặng bay TP.HCM - Nghệ An dịp Tết chỉ còn vé của Vietnam Airlines, mức giá vé khứ hồi hạng phổ thông là 9,9 triệu đồng, tăng tới 3,6 triệu đồng so với đặt vé tết cuối tháng 11. Hãng hàng không Vietjet Air và Pacific chỉ còn vé chiều Vinh - TP. HCM sau Tết Nguyên đán.
Theo Cục Hàng không, một số đường bay nội địa Tết Nguyên đán đã đạt tỷ lệ đặt chỗ đạt 100% ở chiều TP.HCM đi các tỉnh phía Bắc và miền Trung, trong khi chiều ngược lại thời điểm trước Tết đạt mức thấp, thậm chí dưới 10%.
Cụ thể, giai đoạn trước kỳ nghỉ lễ (từ ngày 21/01 đến ngày 28/01/2025), tỷ lệ đặt chỗ trên các chặng bay từ TP.HCM đi các tỉnh, thành ghi nhận đa phần đã đạt trên 50%.
Một số chặng bay có tỷ lệ đặt chỗ cao (90%-100%) vào các ngày từ 23/01 đến 26/01/2025, như TP.HCM đi Huế, Pleiku, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Bình Thanh Hóa, Vinh.
Trên các đường bay từ TP.HCM đi Hà Nội và Đà Nẵng, lượng vé cung ứng còn rất dồi dào với tỷ lệ đặt chỗ dao động từ 20%-50%; như chặng bay TP.HCM đi Hà Nội ngày 25/1/2025 (tức ngày 26 tháng Chạp Âm lịch) là ngày có tỷ lệ đặt chỗ cao nhất trong cả giai đoạn nhưng cũng mới chỉ đạt 62%.
Ở chiều ngược lại từ các tỉnh, thành đi TP.HCM, tỷ lệ đặt chỗ trên các chặng bay đa phần ở mức từ 15-30%.
Vào giai đoạn cuối kỳ nghỉ lễ (từ ngày 01/02 đến ngày 07/02/2025), tỷ lệ đặt chỗ trên các chuyến bay từ địa phương về lại TP.HCM ở mức cao, thể hiện đặc trưng hoạt động vận chuyển hàng không giống như mọi năm.
Một số ngày đã đầy với tỷ lệ trên 90% đến 100% như từ Pleiku, Tuy Hòa, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Chu Lai Đồng Hới, Ban Mê Thuột đến TP.HCM.
"Khảo sát cho các ngày khởi hành cận kề ngày 25/01/2025 (tức ngày 26 tháng Chạp Âm lịch - ngày bắt đầu nghỉ lễ), trên chặng bay từ TP.HCM đi Hà Nội, Vietnam Airlines và Bamboo Airways cung ứng vé trong khoảng 3,7 triệu đồng/chiều; trong khi Vietjet Air và Vietravel Airlines ghi nhận giá vé khoảng 3,7 triệu đồng/chiều tăng khoảng 10-20% so với thời điểm trước ngày nghỉ lễ.
Vào giai đoạn kết thúc nghỉ lễ, giá vé đảo chiều với mức giá cao hơn xuất hiện trên chặng bay từ địa phương đi TP.HCM. Khảo sát giá vé ngày 02/02/2025 (ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ), chặng từ Hà Nội đi TP.HCM, giá vé của Vietnam Airlines ở mức 3,7 triệu đồng; Vietjet Air có mức giá khoảng 3,6-3,7 triệu đồng; và Vietravel Airlines ở mức tương đương khoảng 3,7 triệu đồng", Cục hàng không cho biết.
Bến Tre phát triển 10 câu lạc bộ với hơn 430 nông dân tỷ phú
Nuôi tôm công nghệ cao giúp nhiều nông dân tỉnh Bến Tre có nguồn thu nhập vài chục tỷ đồng/năm. Ảnh minh họa
Qua hơn 4 năm thành lập đến nay, hoạt động câu lạc bộ nông dân tỷ phú tỉnh Bến Tre ngày càng phát triển và nâng cao về chất, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của xứ dừa đi lên.
Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre đã thành lập được 10 câu lạc bộ nông dân tỷ phú với 435 thành viên đều khắp các huyện, thành phố. Đây là mô hình sinh hoạt phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thành viên, tạo điều kiện các thành viên gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm mới, liên kết, hợp tác để cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của tỉnh về kinh tế nông nghiệp.
Ngoài việc hỗ trợ nhau về kỹ thuật, con giống, các câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo đầu ra thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh cho các thành viên.
HOÀI TÂM (tổng hợp) /Báo Hậu Giang