Ngày 2/1/2025, giá gạo thành phẩm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận mức tăng nhẹ, trong khi giá lúa duy trì ổn định. Tình hình giao dịch tại nhiều địa phương diễn ra chậm, với lượng mua bán hạn chế.
Giá lúa gạo trong nước
Tại Long An và Sóc Trăng, giao dịch lúa diễn ra chậm do nguồn lúa chờ thu hoạch và ít người mua. Ở Đồng Tháp, thương lái chủ yếu thăm dò thị trường, chưa có hoạt động mua bán đáng kể. Tại Bạc Liêu, giao dịch cũng trầm lắng khi thương lái ngưng mua nhiều.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa các loại dao động trong khoảng 6.600 - 9.200 đồng/kg. Gạo nguyên liệu IR 504 có giá từ 9.000 - 9.150 đồng/kg, trong khi gạo thành phẩm IR 504 tăng 100 đồng/kg, đạt mức 10.700 - 10.800 đồng/kg.
Tại các chợ lẻ, giá gạo duy trì ổn định so với ngày hôm qua. Gạo thường có giá từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, trong khi gạo thơm và gạo đặc sản như Nàng Nhen, Jasmine, và Hương Lài dao động từ 20.000 - 28.000 đồng/kg.
Giá phụ phẩm như tấm thơm và cám khô dao động từ 5.900 - 8.000 đồng/kg.
Giá gạo xuất khẩu
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo Việt Nam ổn định, với gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 481 USD/tấn và gạo 100% tấm ở mức 383 USD/tấn.
Năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kỷ lục 9 triệu tấn, thu về 5,8 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng và 23% về giá trị so với năm 2023. Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất, với kim ngạch đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 57,2% so với cùng kỳ.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nguồn cung lúa gạo toàn cầu năm 2025 sẽ tăng, với sản lượng xuất khẩu dự kiến đạt 56,3 triệu tấn. Nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn như Philippines, Trung Quốc, và Nepal cũng được dự đoán tăng, mở ra cơ hội phát triển cho gạo Việt Nam.
Quốc Duẩn /Báo Nghệ An