Trước đây, quả na bở thường không mấy người ngó ngàng tới. Tuy nhiên, hiện nay, loại quả này bất ngờ ''lên đời'', được nhiều người tiêu dùng săn lùng tìm mua. Dù giá bán lên tới 200.000 đồng/kg nhưng theo nhiều tiểu thương, họ không còn đủ hàng để bán.
Chị Đoàn Thiên Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nhiều ngày nay, thấy trên chợ mạng bắt đầu rao bán na bở, chị hào hứng đặt mua 3kg nhưng người bán cho biết hiện chỉ còn 5 quả loại nhỏ cuối cùng với giá 120.000 đồng.
“Mới đầu mùa nên rất khó tìm được nơi bán na bở, một số cửa hàng tôi hỏi đều thông báo đã hết na, họ ưu tiên cho những khách hàng đặt trước và nhờ tôi chờ hàng trong khoảng 1 tuần nữa mới có” - chị Thảo chia sẻ.
Na bở hàng VIP giá bán lên tới 200.000 đồng/kg, cao gấp 3-4 lần na dai. Ảnh: NVCC
Theo ghi nhận tại thị trường Hà Nội, na đã có mặt tại hầu hết các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng hoa quả và trên cả các gánh hàng rong bên đường.
Hiện, na đang được rao bán với hai loại là na dai và na bở. Dù kích cỡ không khác nhau nhưng hai loại na này lại được bán với mức giá chênh lệch đáng kể.
Cụ thể, na dai có giá phổ biến ở mức 40.000 - 50.000 đồng/kg. Riêng na bở được bán cao gấp 3-4 lần na dai. Trong đó, loại na bở size 6-8 quả/kg có giá 90.000 - 110.000 đồng/kg; size 4-5 quả/kg (loại vừa) có giá 140.000 - 160.000 đồng/kg; size 2-3 quả/kg (loại vip) loại to, đẹp mã có giá 180.000 - 200.000 đồng/kg.
Trên thị trường, những quả na bở vip luôn trong tình trạng đắt hàng, có thời điểm còn không đủ hàng để bán dù đang vào chính vụ thu hoạch. Với mức giá bán như hiện tại, na bở còn đắt hơn sầu riêng và một số loại trái cây nhập khẩu đắt tiền khác.
Chị Hồ Thị Nguyệt, tiểu thương bán hoa quả tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị đang bán cả hai loại na nhưng na bở vẫn là mặt hàng bán chạy nhất trong sạp hàng của chị dù giá thành đắt đỏ hơn.
Chị Nguyệt cho biết thêm, na bở có vỏ cứng, xù xì, màu trắng đục, nhiều hạt, múi to, không ngọt bằng na dai. Na bở rất dễ dập, nát cho nên có thời gian bảo quản không lâu.
Dù chất lượng na bở không thua kém bất kì loại quả mùa hè nào nhưng nhiều năm về trước, na bở từng bị người tiêu dùng lãng quên. Loại quả này dần mất giá khiến nhiều nhà vườn thua lỗ, không mang lại kinh tế cao, buộc họ phải chặt bỏ, chuyển sang trồng cây na dai với ưu điểm ngọt đậm, ít hạt, vỏ dễ bóc và bảo quản được lâu.
“Trung bình mỗi ngày, tôi bán ra từ 20-30kg na bở, bao gồm cả quả ương và quả chín. Hàng cứ về hôm nào là hết hôm đấy, nhất là vào ngày rằm, mùng một. Vì là đầu mùa, chưa sẵn hàng nên giá thành còn cao, khoảng đến giữa tháng 8, na “mở mắt” nhiều, giá sẽ giảm mạnh xuống” - chị Nguyệt chia sẻ.
Thương lái tìm đến tận vườn thu mua, qua trung gian đẩy giá na tăng mạnh. Ảnh: NVCC
Cũng bán na đầu mùa, chị Kim Chi (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, quả na trong nước đang vào vụ thu hoạch. Hàng na bở vip được rao bán trên thị trường với giá đắt đỏ nhưng khách vẫn ồ ạt chốt đơn, na liên tục “cháy hàng” bất chấp na nhập ngoại như na Thái, na Đài Loan cũng bắt đầu đổ bộ vào thị trường.
Theo chị Chi, để nhập loại quả này, người bán thường phải thông qua các mối sỉ chứ không nhập trực tiếp tại các nhà vườn. Do giá trung gian cao nên khi về tới tay người tiêu dùng, giá bán cũng được đẩy lên cao.
Thêm vào đó, số lượng các vườn trồng na bở không nhiều, mùa thu hoạch lại khá ngắn nên giá thường cao hơn. Hơn nữa, na bở vốn đã có giá bán cao hơn na dai từ lâu do loại quả này ngon và dày cùi hơn na dai.
“Tôi bắt đầu nhập na về bán từ đầu tháng 7 nhưng đều là na dai, phải tới tầm giữa tháng 7 mới nhập được na bở. Khoảng một tuần trở lại đây mới về đều đặn mỗi ngày, trước đó chỉ được 2 chuyến/tuần” - chị Chi chia sẻ.
Ở nước ta, Lạng Sơn có khoảng 4.000ha na, là tỉnh có diện tích trồng na lớn nhất cả nước. Chỉ tính riêng huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), vào năm 2023, diện tích trồng na ước đạt trên 2.300ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn, doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng. Đây được đánh giá một trong những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.
Trước đó, vào năm 2023 tại chợ nông sản Chi Lăng (Lạng Sơn), ban tổ chức đã đấu giá thành công nhiều trái na với mức giá cao ngất ngưởng. Trong đó, 2 quả na dai Chi Lăng có giá lần lượt là 200 triệu và 220 triệu đồng/quả.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng đấu giá thành công 1 quả na bở với số tiền lên tới 100 triệu đồng - mức giá cao chưa từng có.
Nguyễn Linh /Nhà báo và Công luận