Chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay là bán hàng giả nhưng gắn mác ''hàng hiệu thanh lý'' để đánh lừa người tiêu dùng. Các đối tượng xấu sẽ sử dụng hình ảnh hàng chính hãng hoặc sản phẩm thật để quảng cáo, nhưng sản phẩm giao đến tay người mua lại là hàng giả kém chất lượng.
Lợi dụng sự thiếu kiểm soát trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, nhiều kẻ lừa đảo đăng bán hàng hiệu với giá rẻ bất ngờ, yêu cầu chuyển khoản trước rồi không giao hàng, hoặc giao hàng không đúng như quảng cáo. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo có thể tạo website, fanpage, hoặc tài khoản mạng xã hội với tên và hình ảnh tương tự các thương hiệu uy tín để tạo lòng tin, sau đó lừa khách hàng mua hàng thanh lý giả mạo.
Thanh lý, bán lại là một trong những giải pháp được giới chơi hàng hiệu áp dụng nhằm dọn bớt tủ đồ, chừa chỗ cho những món đồ mới và giúp người có thu nhập thấp hơn có thể sở hữu những món đồ cao cấp. Đây cũng là xu hướng đang bùng nổ trên thị trường.
Các đối tượng xấu sử dụng hình ảnh hàng chính hãng hoặc sản phẩm thật để quảng cáo, nhưng sản phẩm giao đến tay người mua lại là hàng giả kém chất lượng. Ảnh minh họa
Trên các mạng xã hội, nhiều hội, nhóm dành cho người muốn thanh lý và người có nhu cầu mua các sản phẩm hàng hiệu đã qua sử dụng thu hút khá đông thành viên tham gia. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để lừa đảo. Ngoài những chiêu lừa như giả danh các page, các cửa hàng uy tín để chiếm đoạt tiền của khách như trường hợp của chị Kim, chị Huyền thì không ít nạn nhân cũng bị lừa khi mua phải hàng giả, hàng nhái với giá cao trong các hội nhóm thanh lý hàng hiệu, hay page bán hàng hiệu. Đặc biệt, hình thức mua sắm online khiến người mua khó nhận diện sản phẩm qua hình ảnh hoặc đoạn video ngắn.
Để mua được những món đồ đảm bảo chất lượng qua hình thức thanh lý, trước tiên, người mua nên tìm hiểu những địa chỉ bán, ký gửi hàng hiệu uy tín, có đầy đủ công cụ kiểm tra hàng thật, hàng nhái.
Nếu mua trên các hội, nhóm trên mạng xã hội, người mua nên giao dịch với những người bán đã được người quản lý nhóm và các thành viên kiểm chứng, xác nhận độ tin cậy. Không giao dịch với “nick” lạ, các “nick” chỉ trả lời qua “inbox”, không công khai sản phẩm, giá bán.
Khi giao dịch, bạn nên yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ thông tin, số tài khoản chính chủ. Đối với những món đồ giá trị cao, nên ưu tiên cho loại còn nguyên đai nguyên kiện: Có hộp sản phẩm gốc và biên lai gốc để bạn có thể xác minh nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài ra, bạn nên cảnh giác với những sản phẩm được thanh lý quá rẻ. Tốt nhất để thỏa mãn nhu cầu sử dụng hàng hiệu, không lo sợ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hay bị lừa đảo, khách hàng nên tìm đến những store chính hãng tại Việt Nam để mua được những sản phẩm ưng ý và có bảo hành từ chính hãng.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên lựa chọn những địa chỉ uy tín và chính thống để tránh sập bẫy lừa đảo. Không mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như giá rẻ hơn nhiều lần so với thị trường để tránh mua phải những mặt hàng kém chất lượng hoặc bị chiếm đoạt tài sản.
Khánh Mai /Chất lượng Việt Nam