Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đổi mới sáng tạo đưa kinh tế Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới

08:27 | 27/01/2025
Trên thế giới, các trung tâm đổi mới sáng tạo đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và năng lực sáng tạo. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đổi mới sáng tạo sẽ đưa kinh tế Việt Nam tăng tốc, bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong cuộc trao đổi với báo chí trước thềm Xuân Ất Tỵ 2025.

* Thưa Bộ trưởng, nền kinh tế Việt Nam vượt qua năm 2024 với nhiều khó khăn, thách thức; nhưng cũng gặt hái được những thành quả đáng khích lệ, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực. Bộ trưởng đánh giá như nào về những kết quả đã đạt được và những hạn chế, bài học cần lưu ý? Những điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2024 là gì thưa Bộ trưởng?

Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng như trước dịch COVID-19, phục hồi nhanh sau thiên tai, bão lũ… và biến động vĩ mô toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 7,09%, cao hơn mục tiêu đề ra (6-6,5%). kinh tế vĩ mô được ổn định, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội.

Đây là thành tựu quan trọng của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia, khu vực phải trải qua biến động lớn, bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội. Các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài với sự phát triển của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Đổi mới sáng tạo sẽ đưa kinh tế Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới

Đáng chú ý, thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực mới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… đạt nhiều kết quả nổi bật. Năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nước ta xếp thứ 56, tăng 02 bậc so với năm 2023; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp thứ 44, tăng 4 bậc.

Đặc biệt, Chính phủ và NVIDIA đã ký kết mở Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là bước ngoặt lịch sử, giúp nước ta ghi dấu ấn trên bản đồ bán dẫn thế giới, trở thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu Châu Á và chủ động tham gia tái cấu trúc sản xuất toàn cầu.

Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là ngoại giao về công nghệ có những bước tiến đột phá, mở ra các cơ hội hợp tác, hướng phát triển mới cho đất nước. Các hoạt động đối thoại kinh tế với các nước đối tác, các doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu… tiếp tục được đẩy mạnh.

*Rất nhiều quốc gia đã sử dụng các trung tâm đổi mới sáng tạo để thúc đẩy áp dụng những chiến lược kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Với Việt Nam, theo Bộ trưởng, đổi mới sáng tạo sẽ đưa kinh tế Việt Nam tăng tốc, bứt phá thế nào trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?

Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để Việt Nam chuyển mình và bứt phá trong bối cảnh kỷ nguyên mới đầy biến động và cơ hội. Trên thế giới, các trung tâm đổi mới sáng tạo đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và năng lực sáng tạo. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này và chúng ta đang đặt đổi mới sáng tạo vào trung tâm chiến lược phát triển quốc gia.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã đưa ra quan điểm: “Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, trong đó cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực”.

Đổi mới sáng tạo giờ còn mang tính cạnh tranh quốc gia thay vì chỉ ở cấp độ doanh nghiệp. Hiện đang có cuộc "chạy đua" thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo để tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 giữa các nước trong khu vực. Chẳng hạn như Trung Quốc nâng cấp khu Zhongguancun ở Bắc Kinh, thành lập một loạt trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo để thực hiện chiến lược Made in China 2025; Thái Lan đưa vào hoạt động True Digital Park vào năm 2018; Indonesia đưa vào hoạt động một trung tâm tại Yogyakarta từ năm 2016; hay Malaysia với công viên công nghệ Kuala Lumpur…

Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo. Thứ nhất, lực lượng lao động trẻ, năng động và giàu trí tuệ đang trở thành nền tảng cho các sáng kiến mới. Thứ hai, Chính phủ đã và đang tập trung xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tiêu biểu là việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Đây không chỉ là nơi kết nối các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và startups, thu hút các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu, cả người Việt Nam và nước ngoài đến đây làm việc mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm... đến Việt Nam.

Đổi mới sáng tạo sẽ giúp Việt Nam chuyển từ nền kinh tế thâm dụng lao động sang nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao. Điều này không chỉ giúp chúng ta nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, mà còn mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút các nguồn vốn đầu tư chất lượng và thúc đẩy doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới. Quan trọng hơn, đổi mới sáng tạo không chỉ là một chiến lược kinh tế mà còn là sứ mệnh quốc gia, giúp nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Hòa Lạc đã hợp tác với nhiều đối tác hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn

*Được biết, một số doanh nghiệp đang lên kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam. Bộ KH&ĐT đã và đang có những cơ chế nào để tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, thưa Bộ trưởng ?

Năm 2024, Việt Nam thu hút vốn FDI đạt 38,23 tỉ USD, đáng chú ý vốn thực hiện lập kỷ lục, đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước.

Trong lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Việt Nam đã bước đầu xây dựng được hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn với đầy đủ các công đoạn trong chuỗi giá trị, tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực chính: thiết kế chip bán dẫn; đóng gói, lắp ráp và kiểm thử chip bán dẫn thuê ngoài (OSAT).

Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent…

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Chiến lược đã đặt mục tiêu giai đoạn 2030-2040, Việt Nam trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu, kết hợp giữa tự cường và FDI; đến giai đoạn 2040-2050, trở thành quốc gia thuộc nhóm đi đầu thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ R&D trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ: các dự án đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn đã được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật của Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt với mức ưu đãi cao nhất là: thuế suất thuế TNDN 5% trong 37 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 6 năm, giảm 50% trong 13 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 22 năm và giảm 75% cho thời gian còn lại.

Bộ KH&ĐT đang xây dựng dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư với nhiều ưu đãi, hỗ trợ đột phá cho ngành công nghiệp bán dẫn; Xây dựng các cơ chế mới về thủ tục đầu tư đặc biệt.

Về đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, đặt mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên trong ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, có ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế; 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử; 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về AI phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Về thủ tục đầu tư kinh doanh, các dự án bán dẫn khi đầu tư vào Việt Nam sẽ có Tổ công tác liên ngành hỗ trợ các thủ tục để triển khai nhanh chóng, thuận tiện.

Bộ KH&ĐT có Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã hợp tác với nhiều đối tác hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn như Cadence, Siemens, Intel, Coherent, Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ), Đại học Dương Minh Giao Thông (Đài Loan, Trung Quốc) để hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Đồng thời, phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn quốc tế và trong nước để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp với các viện nghiên cứu lớn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,…để đặt các văn phòng đại diện, trung tâm nghiên cứu phát triển tại NIC.

*Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 8%. Bộ trưởng cho biết, đâu là những động lực quan trọng nhất mà Việt Nam nên tập trung thúc đẩy ngay từ đầu năm để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu?

Nước ta bước vào năm 2025 trong tâm thế mới, bản lĩnh, tự tin cùng khí thế quyết tâm cải cách, đổi mới, đột phá trong cả hệ thống chính trị, hướng tới đạt kết quả cao nhất Kế hoạch 05 năm 2021-2025, chào mừng Đại hội XIV của Đảng và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Trong bối cảnh đó, mặc dù tình hình thế giới dự báo tiếp tục rất khó khăn, thách thức, Chính phủ quyết tâm yêu cầu tăng trưởng 8% năm 2025, cao hơn mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị (6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%).

Đây là mức tăng trưởng cao, nhiều thách thức, nhưng có thể đạt được và cần quyết tâm đạt được để tạo đà tăng trưởng bứt phá cho kỷ nguyên phát triển mới. Tôi xin nhấn mạnh 05 động lực chủ yếu sau đây:

1. Sự đoàn kết, tinh thần đột phá, đổi mới của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và ủng hộ của bạn bè quốc tế.

2. Những thành tựu phát triển năm 2024 được tiếp nối, thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Các ngành, các địa phương động lực phải phấn đấu tăng trưởng bứt phá, cao hơn năm 2024. Trong đó, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải phấn đấu tăng trưởng 8-10% để phát huy vai trò đầu tàu hơn nữa.

3. Tiếp tục đẩy mạnh ba đột phá chiến lược; trong đó, thể chế được xác định là “đột phá của đột phá” để tập trung tháo gỡ, hoàn thiện, nhằm giải phóng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đang bị tồn đọng cho phát triển.

Năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương.

4. Sự ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội và triển vọng tăng trưởng, phát triển của nước ta. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước cam kết đầu tư, gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

5.Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực mới, các mô hình kinh tế mới, động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế và khu vực…

*Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Lê Kim Liên (Thực hiện) /Chất lượng Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, kiểm tra công tác ứng trực và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ các đơn vị: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã ..
22:30 | 27/01/2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, chúc Tết gia đình chính sách, người có công với cách mạng... là một trong những sự kiện nổi bật trong ngày 26/1.
22:40 | 26/01/2025
Tết thì phải vui. Nhưng, để có được niềm vui trọn vẹn thì các lực lượng chức năng đã phải căng mình đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là các thủ đ..
09:39 | 26/01/2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với các bộ, ngành, địa phương về đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành… là mộ..
22:30 | 25/01/2025
Năm 2025 tỉnh Thanh Hóa dự kiến tổ chức 150 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó mùa xuân g..
14:56 | 25/01/2025
Sáng 25-1, Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.
12:57 | 25/01/2025
Ngày 25-1, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị công bố và trao Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.
12:48 | 25/01/2025
Chủ tịch nước Lương Cường vừa ký quyết định truy tặng danh hiệu ''Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân'' cho 8 cá nhân.
09:38 | 25/01/2025
Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là một trong những sự kiện nổi bật trong ngày 24/1.
22:30 | 24/01/2025
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu bổ sung vào Ban Bí thư khóa 13.
09:36 | 24/01/2025

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06 /5 /2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com /0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
Trưởng VP TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng

Tel: (024) 39 195195 * Mobile: 0965126212

icon facebook   icon-zalo   icon youtube   www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Tín nhiệm mạng

TRUYỀN THÔNG VÀ TỔ CHỨC SỰ KIỆN
Phó Trưởng Phòng: Triệu Thị Bảo Thương

VP HCM: 138 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3
Trưởng VP TP. HCM Nhà báo Đinh Gia Cư
Tel: (028) 39181920 * Fax: (028) 39181920

(*)Không sao chép dưới mọi hình thức
Tra cứu  | Đường Dây nóng: 0905082014

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up