Cuối năm có nhiều nhân viên trong trang phục ''ông già noel'' đi giao hàng, phát quà hay đứng ở những cửa hàng, cửa hiệu chào mời khách.
Hình ảnh ông già noel trên cỗ xe tuần lộc bay lên trong truyện gợi điềm lành và hạnh phúc, cuốn hút lũ trẻ bởi món quà tặng mà ông đem đến.
Nhiều đơn vị dịch vụ đã tạo ra những “ông già noel” trong dịp giáng sinh hay Tết Dương lịch để tặng quà, vuốt ve những đứa trẻ thật ý nghĩa, khiến nhiều đứa trẻ tin rằng một nhân vật đặc biệt đã ưu ái với chúng, để chúng trở nên có niềm tin hơn. Nhưng có những “ông già noel” chỉ chú ý đến giá trị thương mại mà bỏ quên yếu tố văn hóa. “Ông già noel” phóng xe như bay, lạng lách trên đường, khi va chạm giao thông thì xông vào cãi vã, dùng vũ lực trước sự chứng kiến của lũ trẻ.
Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện một “ông già noel” sau khi xong ca trực đã say khướt trên hè phố, những đứa nhỏ vây quanh, hiếu kỳ nhìn. Có đứa bảo đó là “ông già noel fake”. Nói như vậy ít nhiều trong chúng đã có sự mất mát niềm tin.
Không ai bắt những nhân viên trong trang phục đặc biệt này phải đáp ứng những tiêu chí của ông già noel trong truyện, nhưng dù sao cũng phải có sự chuẩn mực nhất định. Họ làm vì tiền, nhưng văn hóa kiếm tiền còn quan trọng hơn. Không vì lối sống bản thân mà làm mất niềm tin của nhiều đứa trẻ.
Những “ông già noel” dịp cuối năm đứng trước cửa hàng chào khách, xoa đầu lũ trẻ hay tại các sự kiện đông người phát quà cho những cô cậu bé rất thân thiện và có phần linh thiêng cũng gợi nhớ đến hình ảnh ông đồ mỗi dịp xuân về.
Ông đồ là hiện thân của Nho học, hình ảnh ông đồ trong bài thơ “Ông đồ” của Nguyễn Đình Liên thật khả kính, nhiều người đã biết đến. Ông đồ đã để lại trong suy nghĩ của nhiều thế hệ về sự mực thước vô cùng. Chữ ông đồ cho phải nhìn vào gia cảnh, bởi ấy là “chữ thánh hiền”. Vậy mà, ngày càng có nhiều “ông đồ” dễ tính, ai xin gì cũng cho, thậm chí “ông đồ” còn gợi ý những chữ hoàn toàn không xứng với gia cảnh người xin. Từ thứ văn hóa được gọi là “cho chữ” đã biến thành mua bán chữ. Rồi cả những câu chuyện về “ông đồ” giả trà trộn trên “phố ông đồ” hay những “ông đồ” bị người xin chữ tố viết sai, đòi lại tiền như trên mạng xã hội, khiến chúng ta không khỏi buồn lòng.
Thông cảm cho sự thay đổi, nhưng không đồng nghĩa thay đổi là có thể cho phép người ta biến điều thiêng liêng thành sự tầm thường, và ngược lại, biến những con người tầm thường trở thành “ông đồ”, “ông già noel” đạo mạo, trang nghiêm.
Cuộc sống cần những quà tặng gắn với hình ảnh thân thương của những người được gọi là “ông”, nhưng cần sự định hướng, quản lý tốt hơn để giữ nét đẹp của giấy gió, mực tầu linh thiêng trong gió xuân ấm áp và hình ảnh nhân vật được lũ trẻ yêu quý, chờ đợi, thay cho việc có người bực mình hỏi thằng ấy là đứa nào khi có những “ông đồ”, “ông già noel” bát nháo.
Hạnh Nhiên /Báo Thanh Hoá