Hành trình 67 năm lực lượng Quản lý thị trường: Kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả

08:04 | 03/07/2024
Để thực hiện được khối lượng công việc khổng lồ, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn cuộc sống, mỗi công chức, người lao động của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) luôn phải giữ một tinh thần trách nhiệm cao nhất, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu trước sóng gió. 67 năm hình thành và phát triển, lực lượng QLTT tự hào là một “binh chủng” trong ngành Công Thương, xứng đáng với vai trò chủ công trên mặt trận kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khắc sâu lời dạy “dĩ công vi thượng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành Công Thương và giới doanh nhân. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời, ngày 13/10/1945, Bác đã viết một bức thư đầy tâm huyết gửi cho giới doanh nhân và các doanh nghiệp, động viên họ tham gia tổ chức Công thương cứu quốc đoàn. Bức thư chưa đầy 200 chữ đó của Bác có thể coi như văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân. Gần 80 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Bác Hồ về doanh nghiệp, doanh nhân được nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày 3/7/1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 290/TTG thành lập Ban QLTT Trung ương và các Ban Quản lý thị trường (QLTT) tại các tỉnh, thành phố và khu tự trị trong cả nước. Đây là mốc son đánh dấu sự hình thành và bắt đầu quá trình phát triển của lực lượng QLTT.

Từ chức năng, nhiệm vụ ban đầu được quy định là cơ quan thực thi các chủ trương, chính sách QLTT, chống các hành vi đầu cơ, trục lợi làm cho thị trường hàng hóa trở nên hỗn loạn, khan hiếm, đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Cùng với thời gian, bối cảnh mới và sự phát triển của nền kinh tế, nhiệm vụ QLTT lại càng trở nên là một nhiệm vụ quan trọng, dài lâu, bởi QLTT là một bộ phận không thể thiếu trong chức năng quản lý Nhà nước với đời sống KTXH.

Khi đi vào công cuộc đổi mới kinh tế, phát triển thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định phải “đặt sự phát triển của lưu thông hàng hóa và hoạt động của các doanh nghiệp dưới sự quản lý của Nhà nước, khuyến khích, phát huy mặt tích cực, đồng thời có biện pháp hạn chế các mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển”.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới đầy biến động, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường, lực lượng QLTT phải đối mặt với cuộc chiến không tiếng súng nhưng không kém phần cam go, quyết liệt trong nỗ lực kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuyên chiến với hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại, đem lại sự phát triển đúng nghĩa cho thị trường, lợi ích cho người dân, doanh nghiệp chân chính.

Viết tiếp những trang sử vàng

Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Việt Nam với chặng đường 67 năm hình thành và phát triển (03/7/1957 - 03/7/2027) đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng đối với nền kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động thương mại, dịch vụ nói riêng. Đặc biệt, kể từ ngày 12/10/2018 đến nay, Tổng cục QLTT đã cho thấy những thay đổi mang tính lịch sử của toàn lực lượng.

Trước khi Tổng cục QLTT được thành lập trên cơ sở Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Quản lý thị trường hoạt động phân tán trên phạm vi cả nước, ở Trung ương có “Cục QLTT” trực thuộc Bộ Công Thương, ở các tỉnh có “Chi cục QLTT” trực thuộc Sở Công Thương. Cơ cấu tổ chức này cũng đã mang lại nhiều kết quả nổi bật cho lực lượng so với những ngày đầu hình thành và phát triển. Điều này được thể hiện dưới các khía cạnh sau:

Thứ nhất, về góc độ tổ chức bộ máy: Đến nay, sau 05 năm thành lập Tổng cục QLTT, mô hình ngành dọc thống nhất từ Trung ương đến địa phương đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Ở Trung ương có Tổng cục QLTT, ở các địa phương là Cục QLTT. Tổ chức ngành dọc đảm bảo hoạt động thông suốt; có sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trong lực lượng; nhiều vụ việc kiểm tra, xử lý lớn trên cả nước có sự phối hợp giữa Tổng cục và các Cục địa phương (trước đây gần như chưa có điều này). Do vậy mô hình tổ chức được tối đa hóa, không còn rời rạc, cồng kềnh như trước đây, với 63 Chi cục nhưng chỉ còn 376 Đội QLTT (giảm 45%). Tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong lực lượng QLTT đến nay tương đối hoàn chỉnh từ cấp Tổng cục đến cấp Đội. Thực tiễn 05 năm cho thấy, việc tinh giản bộ máy không làm yếu đi vai trò chủ công trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, trái lại, còn giúp lực lượng QLTT ngày càng chính quy, tinh nhuệ, chuyên nghiệp và hiện đại.

Thứ hai, về nguồn nhân lực: Hiện nay, lực lượng QLTT cả nước có khoảng 6.000 công chức, người lao động (giảm từ 7- 10% so với trước). Điều này phù hợp với xu hướng chung và đảm bảo quy định về số lượng giữa công chức nghỉ hưu, nghỉ việc và công chức mới tuyển dụng.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, chất lượng công chức hiện nay tốt hơn so với trước. Hằng năm, bên cạnh lượng công chức mới được tuyển dụng chính quy, có trình độ chuyên môn tốt, được đào tạo bài bản thì lượng công chức cũ được tham gia nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quốc phòng an ninh… Được kiểm tra, đánh giá năng lực theo từng cấp độ, từ lãnh đạo cấp phòng, đội đến các kiểm soát viên thị trường. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị đã chủ động nâng cao chất lượng cho công chức bằng các cuộc tập huấn, tọa đàm nghiệp vụ; cử nhiều lượt công chức tham gia các lớp đào tạo. Tổng cục QLTT thường xuyên phối hợp với các hãng nước ngoài và doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực chuyên môn đối với từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể. Đặc biệt, để đào tạo chính quy lực lượng, Tổng cục kết hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân đào tạo bậc đại học về QLTT từ năm 2021. “Đây là lần đầu tiên sau 66 năm thành lập mới có trường đào tạo chuyên ngành về công tác QLTT, hướng tới xây dựng lực lượng QLTT chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong tình hình mới”.

Thứ ba, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc: Đến nay cơ bản các Cục, Đội QLTT đều có trụ sở làm việc riêng; nhiều Cục, Đội QLTT được đầu tư xây mới rộng rãi, hiện đại; các trụ sở làm việc xuống cấp được quan tâm sửa chữa, xây mới, từ Trung ương đến địa phương ngày càng đáp ứng yêu cầu của hoạt động công vụ.

Các cơ sở vật chất, trang thiết bị của lực lượng từ cấp Cục đến cấp Đội tương đối đầy đủ, đảm bảo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; mỗi công chức đều được trang bị máy tính riêng; cơ quan, đơn vị có đầy đủ máy in, máy photo, scan, thiết bị văn phòng phẩm, camera giám sát kho hàng, hệ thống thiết bị phòng họp trực tuyến. Hằng năm, công chức được trang bị quần áo, giày tất, mũ cà vạt và các tư trang khác.

Hằng năm, lực lượng QLTT cả nước được bổ sung, thay thế các xe ô tô cũ, không đảm bảo lưu hành bằng những xe ô tô mới hiện đại, đáp ứng yêu cầu hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đến nay, cơ bản các Cục, Đội QLTT đều có xe riêng để phục vụ hoạt động công vụ; một số địa bàn trọng điểm còn được trang bị thêm các phương tiện để thuận lợi hơn với địa hình của địa phương như: Ca nô, tàu, xuồng, xe bán tải, xe máy chuyên dụng…

Thứ tư, về hoạt động công vụ: Với mô hình ngành dọc trên cả nước đã góp phần giúp hoạt động công vụ được đảm bảo kịp thời, thông suốt. Sự chỉ đạo, điều hành tập trung của Tổng cục QLTT từ công tác tổ chức bộ máy, nguồn lực đến hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các hoạt động công vụ khác luôn tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao, thống nhất và mang lại hiệu quả rõ nét, không còn hiện tượng “mạnh ai nấy chạy” như trước đây. Các hoạt động công vụ đều được quan tâm chỉ đạo, có chương trình, kế hoạch, lộ trình thực hiện rõ ràng, xuyên suốt. Hoạt động kiểm tra, xử lý có quy trình thống nhất, được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm INS (không còn dùng ấn chỉ giấy như trước đây). Nhiều vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đã được phát hiện từ chính sự chỉ đạo, vào cuộc của Tổng cục QLTT, sự phối hợp của các Cục QLTT, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương; đã tiến công vào những "điểm nóng", đánh trúng vào những đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được tại 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh, hay như vụ việc kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và TP. HCM. Những vụ việc lớn này cho thấy lực lượng QLTT đã khắc phục được điểm yếu cốt tử trước đây, đó là “sự chia cắt theo địa bàn”. Tổ chức theo ngành dọc đã giúp chỉ đạo từ Tổng cục xuyên suốt, tạo thuận lợi cho các đơn vị, địa phương phối hợp hành động kịp thời.

Trong vòng 05 năm, kể từ khi chuyển đổi mô hình sang ngành dọc, lực lượng QLTT trên cả nước đã thực hiện gần 520.000 cuộc kiểm tra, xử phạt hành chính trên 312.000 vụ, thu về cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Các vụ việc tiêu biểu như: Tại tỉnh Bắc Ninh, tạm giữ trên 04 triệu sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo, trị giá gần 10 tỷ đồng; phối hợp cùng Công an kiểm tra 21 bãi than có dấu hiệu vi phạm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ tại Hải Dương; vụ tạm giữ gần 90.000 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, không nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội, trị giá lô hàng ước tính gần 2 tỷ đồng; xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại Lào Cai; vụ phối hợp bắt giữ, xử lý vận chuyển 36.000 viên hồng phiến và 04 kg ma túy tại Hà Tĩnh…

Các hoạt động công vụ khác như: Tiếp công dân, giải quyết đơn thư; phổ biến, giáo dục pháp luật; thanh tra chuyên ngành; văn hóa công sở; xây dựng, thực hiện ISO; Quy tắc ứng xử; phòng chống tham nhũng; trách nhiệm người đứng đầu… hết sức được quan tâm; thực hiện thường xuyên, kịp thời gắn với nâng cao đạo đức công vụ. Lần đầu tiên sau 66 năm hình thành và phát triển, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong lực lượng QLTT đồng tâm thực hiện ký “cam kết trách nhiệm người đứng đầu”.

Thứ năm, về ứng dụng công nghệ thông tin: Đây có lẽ là nội dung thay đổi cơ bản, toàn diện nhất, rõ rệt nhất trong 05 năm, kể từ ngày thành lập Tổng cục QLTT. Từ chỗ trước đó chưa có các phần mềm để sử dụng trong hoạt động công vụ thì đến nay cơ bản các hoạt động công vụ đã được sử dụng trên hệ thống phần mềm như: Office, mail dms (mỗi cá nhân đều có một mail công vụ riêng), quản lý cán bộ công chức, quản lý giám sát kho hàng, phòng họp trực tuyến, kế toán, văn thư, chữ ký số, cổng thông tin điện tử riêng cho từng Cục QLTT để cập nhật thông tin, bài viết; đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử lực lượng QLTT, hệ thống phần mềm xử phạt vi phạm hành chính được đưa vào vận hành, sử dụng một cách trơn tru, thống nhất, xóa bỏ hoàn toàn hệ thống ấn chỉ giấy, rút ngắn thời gian xử lý công việc, thuận lợi trong tra cứu, sử dụng hồ sơ điện tử, nâng cao kỹ năng sử dụng phần mềm cho công chức, tránh được sai sót, nhầm lẫn trong quy trình kiểm tra, xử lý. Hệ thống phòng họp trực tuyến được sử dụng thường xuyên, nhất là tại các kỳ giao ban, hội nghị sơ kết, tổng kết, các cuộc họp đột xuất, nhất là trong những thời điểm phòng, chống dịch Covid-19 hết sức thuận tiện, tiết giảm chi phí họp hành trực tiếp. Trên cơ sở đó, hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, mang tính đột phá, nhất là sau khi ra mắt Tạp chí QLTT, cơ quan ngôn luận của Tổng cục. Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử, các trang nhóm FB, Zalo, TikTok, Bản tin 5 phút… thực sự là những kênh truyền thông hiệu quả, kịp thời, là kênh giám sát để QLTT tự hoàn thiện hơn; đường dây nóng của lực lượng QLTT, Lãnh đạo Tổng cục và Cục địa phương được công khai, công bố rộng rãi, giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức, cảnh báo, tố giác về những hành vi vi phạm trong hoạt động công vụ và các gian lận thương mại. Lần đầu tiên công tác truyền thông, viết tin bài, quay phóng sự được quan tâm đặc biệt khi lực lượng QLTT các tỉnh được tập huấn kỹ năng viết tin, bài, quay video; nhiều Cục QLTT đã chủ động trang bị các máy camera cầm tay để ghi lại các hoạt động công vụ, cung cấp tư liệu viết tin bài, làm phóng sự. Trong công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, nhờ làm tốt công tác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, lực lượng QLTT trở thành lá cờ đầu trong công cuộc “Chuyển đổi số” của ngành Công Thương.

Thứ sáu, về hệ thống pháp luật, thể chế: Với vai trò, vị thế quan trọng của lực lượng QLTT, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật để hoàn thiện vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền sau ngày Pháp lệnh QLTT được ban hành. Những thành quả bước đầu sau ngày lực lượng được tổ chức thành ngành dọc, thống nhất, Chính phủ, Bộ Công Thương tin tưởng, giao phó chủ trì soạn thảo, trình ban hành nhiều Nghị định, Thông tư liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quy trình kiểm tra kiểm soát thị trường. Đơn cử như: Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí; Thông tư số 27/2020/TT-BCT ngày 30/9/2020 quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT; Thông tư số 20/2021/TT-BCT ngày 10/12/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 27/2020/TT-BCT .v.v. Đây là những văn bản pháp luật rất quan trọng để tạo hành lang pháp lý giúp lực lượng QLTT triển khai công việc. Tính đến tháng 6/2023, Tổng cục đã tham mưu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 05 Nghị định và 10 Thông tư về tổ chức, hoạt động của lực lượng QLTT.

Có thể nói, trong chặng đường 67 năm hình thành và phát triển, đặc biệt là giai đoạn 05 năm thành lập Tổng cục QLTT, chúng ta thấy được những thay đổi mang tính lịch sử của toàn lực lượng để từng bước hướng đến chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Những bước thay đổi, chuyển mình cơ bản ấy không chỉ giúp cho lực lượng ngày một lớn mạnh mà còn mở ra một vận hội mới với nhiều thời cơ thuận lợi. Lực lượng QLTT phải luôn tự nhìn nhận, đặt mình trong bối cảnh mới của thị trường, vừa phải đảm bảo ổn định vĩ mô, lành mạnh thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính, bảo vệ người tiêu dùng, vừa phải có hướng đi phù hợp với hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới, gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, thương mại điện tử toàn cầu…

Để góp phần bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Trọng tâm là thực hiện nghiêm hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 319 về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 góp phần nâng cao năng lực công vụ của công chức Quản lý thị trường và góp phần tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử...

Trải qua gần 67 năm xây dựng và trưởng thành (1957-2024), lực lượng QLTT đã không ngừng phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, ở mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước lực lượng quản lý thị trường đều đã làm tốt sứ mệnh của mình để góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định, phát triển nền kinh tế thị trường đi đúng theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tạp chí Quản lý thị trường

Tin cùng chuyên mục

Trải qua 24 năm thành lập và phát triển (06/07/2000 - 06/07/2024), Cục XTTM đã từng bước khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác xúc tiến thương mạ..
08:04 | 05/07/2024
Trong quá trình hình thành và phát triển, Ban Công tác Mặt trận đã tham gia, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng của địa phương, góp phần xây d..
08:28 | 04/07/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 3/7/2024 phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2021 – 202..
07:36 | 04/07/2024
Ngày 2/7, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng, Báo Bảo vệ Pháp luật và Báo Thanh tra ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trao đổi thông tin trong nhiều l..
16:35 | 03/07/2024
Chiều 2/7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
08:27 | 03/07/2024
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, cần đề ra các giải pháp phù hợp để vùng Đồng bằng sông Cửu Long đón nhận thời cơ mới, vận hội mới, phát triển kinh tế..
09:16 | 02/07/2024
Ngày 1-7, UBND thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Tới dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chín..
16:34 | 01/07/2024
Chiều 30/6, tại Thủ đô Seoul, trong chương trình chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp rất xúc động với ..
08:37 | 01/07/2024
Vào lúc 14h30 (giờ địa phương) ngày 30/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân, cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã tới sân bay..
17:27 | 30/06/2024
Nhận lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo và Phu nhân, sáng 30/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng Đoàn đạ..
15:49 | 30/06/2024

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06 /5 /2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com /0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
VPHN Trưởng Ban Thời sự Giang Thị Hoa
Tel: 024 39 195 195 * Fax: 024 39 196 196

icon facebook  icon-zalo  icon youtube  www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Chung nhan Tin Nhiem Mang

VĂN PHÒNG - KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ
Trưởng VP Đồng Nai Nguyễn Duy Khương

VP HCM: 138 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3
Trưởng VP TP. HCM Nhà báo Đinh Gia Cư
Tel: (028) 39181920 * Fax: (028) 39181920

(*)Không sao chép dưới mọi hình thức
Tra cứu  | Đường Dây nóng: 09 05 08 2014

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up