Hiện nay, thị trường đang đối mặt với những biến động khó lường, nặng chính sách bảo hộ và xung đột thương mại leo thang có thể sẽ tác động tiêu cực cho xuất khẩu khi phụ thuộc vào một vài thị trường lớn. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là điều mà các ngành và doanh nghiệp cần tiếp tục làm tốt hơn trong năm 2025.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Theo các chuyên gia, việc Tổng thống Mỹ vừa ký lệnh áp thuế với các mặt hàng xuất khẩu từ Canada và Mexico cũng như tăng mức áp thuế với các sản phẩm đến từ Trung Quốc được xem là sự khởi đầu cho chuỗi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump, đồng thời bỏ ngỏ khả năng Hoa Kỳ áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) - cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã nỗ lực, chủ động để ứng phó với những khó khăn được dự báo trước trên thị trường. Bên cạnh đó, tận dụng tối đa cơ hội để đa dạng nguồn nguyên liệu thông qua việc nâng tỷ lệ nội địa trong nước, nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường mới như Pakistan, xây dựng lại chuỗi cung ứng...
“Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 13% so với năm 2024, đạt kim ngạch 47 - 48 tỷ USD. Tuy nhiên, VitaJean và nhiều doanh nghiệp tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng tối đa có thể lên đến 15%”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ.
Là doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất bánh kẹo, Công ty cổ phần Bibica đang có kế hoạch mở rộng sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc thông qua Walmart nhờ tận dụng lợi thế về danh mục sản phẩm đa dạng (bánh tươi, bánh layer, kẹo dẻo, kẹo cứng, bánh Trung thu...). Mặc dù, thị trường nội địa vẫn là nguồn thu chính của công ty nhưng để tránh rủi ro, công ty đang có kế hoạch tăng tỷ trọng doanh thu xuất khẩu lên 20% trong vòng 3 năm tới.
Ông Võ Tuấn Anh, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty TNHH Vàng Ban Mê, cho biết, công ty đang ưu tiên tập trung vào thị trường gần là các quốc gia trong ASEAN. Hiện tại, công ty đã đi kết nối làm việc với một số nhà thu mua, đối tác lớn trong khu vực và dự kiến sẽ mở showroom ở Thái Lan, Malaysia để phát triển thương hiệu.
Tuy nhiên, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên chọn những thị trường ít có tính rủi ro hơn và có tính ổn định hơn (chẳng hạn như thị trường EU, Nhật Bản, thậm chí thị trường ASEAN). Điều này cũng tùy vào khả năng của từng doanh nghiệp cụ thể với những hoàn cảnh cụ thể bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đa dạng được thị trường xuất khẩu.
Năm 2025, ngành da giày đặt mục tiêu đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024 (đã đạt kim ngạch 24 tỷ USD). Bên cạnh những thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ngành đã cố gắng mở rộng sang thị trường Nam Mỹ và Trung Đông để đa dạng thị trường giảm trước rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường lớn.
Còn với lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) chia sẻ, thị trường Trung Quốc, một trong những đối tác lớn của tôm Việt Nam, đang đối mặt với sự giảm sút trong nhu cầu tiêu thụ. Sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của tầng lớp trung lưu, cùng với áp lực thu nhập gia tăng đã dẫn đến sự sụt giảm tiêu dùng tôm trắng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Sự cạnh tranh từ các sản phẩm thủy sản giá rẻ hơn và sự ưu tiên tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm khác có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong những tháng tiếp theo.
Riêng với xuất khẩu cá tra, biến động về thuế quan quốc tế, nhất là các chính sách áp dụng thuế chống bán phá giá, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tăng trưởng của xuất khẩu cá tra trong năm nay. Sự thay đổi trong chính sách thuế quan có thể tạo ra một môi trường khó khăn cho ngành cá tra trong thời gian tới.
Ở một khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới. Vì vậy, khi tham gia vào hầu hết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, đây sẽ là điều kiện để chúng ta phản ứng nhanh nhạy, giữ nhịp tăng trưởng trước khả năng xảy ra xung đột thương mại. Đặc biệt, 17 FTA đang tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận với trên 60 thị trường toàn cầu, làm đòn bẩy cho tăng trưởng xuất khẩu, nhất là là sự bám rễ của hàng Việt Nam cũng như thích ứng với những biến động của thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Hiệu – Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu – Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho hay, chỉ riêng 7 FTA giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực đã giúp cho hơn 40 mặt hàng nông sản chế biến của công ty tiếp cận với 25 thị trường.
Đáng lưu ý, mỗi thị trường có một thị hiếu và đặc tính khác nhau. Trong khi nông sản có tính chất mùa vụ nên ngoài việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng, doanh nghiệp phải tính toán để đảm bảo đủ sản lượng quanh năm để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Để tiếp tục giữ vị thế xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng ngoài việc mở rộng tìm kiếm thị trường xuất khẩu, trước hết là với 17 FTA mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa để nâng cao giá trị xuất khẩu, cũng như mở rộng sang các nước khác để phân tán lượng đầu tư xuất khẩu, giảm phụ thuộc quá lớn vào một nước, từ đó có thể tránh thiệt hại khi có sự thay đổi về chính sách thương mại. Ngoài ra, cơ quan chức năng tìm giải pháp để tăng lượng hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, nhất là máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại. Từ đó, thay đổi năng lực của nền sản xuất trong nước, giúp tăng năng suất lao động cũng như tạo sự tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2025, xuất khẩu hàng hóa sẽ còn đối diện với những biến động thất thường của tình hình thế giới, song Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, tham mưu lãnh đạo Bộ Công Thương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Chia sẻ về mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu của năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Bộ Công Thương dự kiến sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm huy động lợi thế cạnh tranh, tận dụng cơ hội về thị trường xuất khẩu thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống còn nhiều tiềm năng. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết hợp tác với các thị trường mới; chú trọng khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường trọng điểm, chiến lược.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực tận dụng cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên, phát huy và nâng cao vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc nắm bắt thông tin, phản ánh kịp thời những diễn biến của kinh tế thế giới và chủ trương, chính sách của nước sở tại, giúp cơ quan nhà nước có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, cảnh báo, khuyến nghị doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng các giải pháp để ứng phó phù hợp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ đa dạng hình thức xúc tiến, gắn hoạt động xúc tiến thương mại với phát triển sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước và phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số. Đặc biệt, tăng cường cảnh báo sớm rủi ro và đồng hành với doanh nghiệp khi phát sinh các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Uyên Hương (TTXVN)
Doanh Nhân Việt Nam