Golden Gate nung nấu ý tưởng đưa ẩm thực Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời tăng nhập khẩu các sản phẩm chất lượng cao ở chiều ngược lại.
Phái đoàn thương mại Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã có chuyến thăm và làm việc tại Golden Gate nhằm đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình mở rộng hợp tác quốc tế của doanh nghiệp lẩu, nướng hàng đầu Việt Nam.
Phái đoàn và ban lãnh đạo Golden Gate đã có những thảo luận về việc mở rộng danh mục sản phẩm chất lượng cao từ Mỹ cho thị trường Việt Nam, trao đổi về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quy trình kiểm soát chất lượng.
Ngoài ra, hai bên cũng bàn luận về các xu hướng mới trong ngành thực phẩm và ẩm thực.
Ông Đào Thế Vinh, CEO Golden Gate không giấu tham vọng muốn đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, cụ thể là tại Mỹ.
Ông Vinh cho biết, doanh nghiệp từng ấp ủ việc mở chuỗi cửa hàng phở ở các thị trường ngoài Việt Nam, do nhận thấy nhu cầu được trải nghiệm của người tiêu dùng quốc tế tăng lên.
Tuy nhiên, tham vọng này cũng sớm đặt ra những bài toán cho Golden Gate như thiếu chuỗi cung ứng, chưa thể đóng gói quy trình đưa nước dùng phở ra ngoài phạm vi Việt Nam.
Ông Đào Thế Vinh, CEO Golden Gate - Ảnh: Golden Gate
Bên cạnh đó, dù phở là món ăn được đông đảo bạn bè quốc tế đóng nhận, nhưng cộng đồng người Việt ở nước ngoài - nhóm tiêu dùng chính của món ăn này vẫn là nhỏ so với cộng đồng người Trung Quốc, Nhật Bản...
Xét trên mặt bằng chung các món ăn phổ biến của châu Á, phở vẫn chưa thể hiện diện được nhiều như các món mỳ ramen của Nhật Bản, hay các món ăn Trung Quốc.
Lãnh đạo Golden Gate đánh giá, phở của Việt Nam cần thêm thời gian để có độ nhận diện tốt hơn trên bản đồ ẩm thực thế giới. Do đó, doanh nghiệp chưa thể công bố thời gian cụ thể cho kế hoạch này.
Không chỉ Golden Gate mà nhiều thương hiệu Việt Nam trước đó là Phở 24 hay Phở Thìn đã tiến ra nước ngoài, nhưng chưa gây được ấn tượng thực sự mạnh mẽ.
Trước mắt, Golden Gate đã có những bước chuẩn bị ban đầu cho một chuỗi phở "quốc tế" khi đang thử nghiệm thương hiệu Phở Inn tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Phía doanh nghiệp tin rằng, Phở Inn có thể thành công khi được đem ra thị trường nước ngoài, nhưng không loại trừ khả năng đây chỉ là một thử nghiệm.
"Golden Gate hiện vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể. Triết lý của Golden Gate là luôn thử nghiệm kĩ càng trước khi đưa ra một chiến lược lâu dài", vị đại diện nhấn mạnh.
Golden Gate đang thử nghiệm thương hiệu Phở Inn - Ảnh: VH
Bên cạnh việc chia sẻ về tham vọng tiến ra nước ngoài, Golden Gate cũng thông tin về chiến lược tăng nhập khẩu các sản phẩm từ Mỹ.
Trong nửa đầu năm 2024, Golden Gate đã nhập khẩu 565 tấn thịt gà, bò và heo từ Mỹ, gần bằng tổng sản lượng cả năm 2023 là 792 tấn. CEO Đào Thế Vinh đánh giá, đây là con số ấn tượng trong hoạt động nhập khẩu thực phẩm chất lượng cao của doanh nghiệp.
Theo ông Vinh, các sản phẩm thịt nhập khẩu từ Mỹ vốn nổi tiếng với sự ổn định và giá trị dinh dưỡng cao nhờ phương pháp chăn nuôi tiên tiến, cùng hệ thống kiểm định nghiêm ngặt.
Về hiệu quả kinh doanh, năm ngoái Golden Gate ghi nhận doanh thu gần 6.887 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 167 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch đề ra.
Đầu năm nay, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành nhà máy thực phẩm Golden Gate Foods tại Thạch Thất có tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, với diện tích rộng gần 2ha.
Lãnh đạo Golden Gate gọi đây là bước chuyển mình của doanh nghiệp, khi hệ sinh thái đang dần được hoàn thiện, từ sơ chế, chế biến cho tới phục vụ tại bàn ở các nhà hàng ăn uống và xa hơn là tiến vào mảng sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCGs).
Việt Hưng /Nhà Quản trị