Tất cả lái xe công nghệ đều hủy cuốc, xe buýt không thể di chuyển bởi tắc đường trầm trọng, Thu Thảo, 25 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội quyết định tự chạy xe máy về quê.
Ùn tắc kéo dài tại đường Trường Chinh, đoạn giao với Giải phóng khiến nhiều người chờ ba, bốn nhịp đèn đỏ mới được vượt, trưa 24/1
Thảo nói phải về trong ngày 24/1 (25 Tết) do hôm sau gia đình có việc quan trọng. Ban đầu, cô định đặt xe công nghệ ra bến cách nhà chừng 10 km rồi bắt xe khách. Nhưng các lái xe đồng loạt tắt ứng dụng hoặc nhận cuốc rồi hủy dù giá cước đã tăng hơn gấp đôi, đến 200.000 đồng.
Cô gái 25 tuổi quyết định buộc chặt valy, ba lô lên yên sau xe máy, phía trước đặt bó tuyết mai và chạy xe về Nam Định, cách Hà Nội gần 100 km.
Thay vì hai tiếng di chuyển từ nội thành ra đến quốc lộ, Thảo tốn 4 tiếng. Tất cả tuyến đường từ Láng đi Nguyễn Thái Học (quận Đống Đa) - Hoàng Diệu (quận Ba Đình) - cầu Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) - Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên) đều ùn tắc kéo dài. Trung bình tại mỗi nút giao cô phải chờ hai, ba nhịp đèn đỏ.
Xuất phát từ 10 giờ nhưng hơn 14 giờ, cô gái mới ra khỏi Hà Nội. Thảo ước tính cần ít nhất 3 tiếng nữa mới về đến nhà với điều kiện không tắc đường thêm lần nào nữa.
"Chỉ cần gặp một lần tắc đường nữa là tôi kiệt sức hoàn toàn", Thảo nói.
Kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ năm nay dài 9 ngày, từ 25/1 đến hết ngày 2/2. Hôm nay và ngày mai là cao điểm người dân về quê nên dự báo nhiều tuyến đường gặp tình trạng đông đúc, dễ xảy ra ùn tắc do lưu lượng giao thông lớn.
Từ trưa 24/1, lượng người di chuyển ra các bến xe và cửa ngõ tại Hà Nội tăng mạnh. Tình trạng ùn ứ kéo dài trong nhiều giờ diễn ra tại nút giao Khuất Duy Tiến, đường Vành đai 3 trên cao (đoạn qua ngã tư Nguyễn Xiển) hay nút giao từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình. Nhiều lái xe chạy xe công nghệ nói đã tắt app, không nhận chở khách bởi di chuyển khó khăn. Một số đơn vị vận tải cung cấp dịch vụ đón trả tận nhà liên tục bị trễ giờ hẹn với khách. Tình trạng xe khách bị chậm chuyến, lùi giờ xuất phát đã xảy ra.
Anh Tuấn Huy, lái xe công nghệ ở quận Hoàng Mai, nói ngày thường đã ùn tắc. Nay đúng dịp người dân về quê đón Tết khiến giao thông ngày càng tệ. Những năm trước, người đàn ông 34 tuổi chạy xe công nghệ từ 5 giờ đến nửa đêm, thu nhập vài triệu đồng. Nhưng năm nay thu nhập chỉ còn bằng nửa, thậm chí 1/3 trước đây bởi tắc đường, không thể di chuyển.
Tại TP Hồ Chí Minh, tối 23/1, Phương Nhi bắt xe từ quận 7 ra sân bay Tân Sơn Nhất về Nghệ An. Phòng trọ cách sân bay 15 km, ngày thường đi mất 30 phút nhưng nay cô di chuyển hơn 2 tiếng.
Nhi gọi taxi từ 19 giờ (4 tiếng trước giờ bay) nhưng không có người nhận. Sau gần một tiếng bật đồng thời hai ứng dụng gọi xe, cô may mắn được một lái xe nhận chở, dù giá tăng gấp đôi ngày thường.
Nhi tới sân bay lúc 21 giờ, sau tiếp tục xếp hàng cả tiếng để được check-in và ký gửi. Tình trạng thừa người thiếu ghế ở phòng chờ buộc cô và nhiều hành khách chấp nhận ngồi bệt xuống sảnh sân bay để nghỉ ngơi.
"Năm ngoái bị nhồi nhét trên xe khách, tôi nghĩ đi máy bay sẽ đỡ tắc hơn nhưng với tình trạng hiện nay thì đi kiểu gì cũng tắc, khổ mỗi người lao động xa quê", Nhi nói.
Hành khách ngồi la liệt trong khu vực nhà chờ của sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh tối 23/1. Ảnh: PHƯƠNG NHI
Anh Lê Hiển, 50 tuổi, lái xe khách tuyến TP Hồ Chí Minh - Nghệ An, cho biết sau 15 tháng Chạp, nhu cầu di chuyển về quê của người dân tăng cao. Những năm trước chỉ ùn tắc ở một số nút giao thông tại cửa ngõ thành phố, nay tắc ở mọi nơi.
Trước đây xe chạy về đến Nghệ An trong 20 - 25 tiếng thì nay phải 30 - 35 tiếng do tắc. Tình trạng này khiến khách ngồi trên xe than mệt, lái xe cũng uể oải vì thời gian di chuyển lâu. Nhưng anh Hiển nói không có cách giải quyết bởi đây là tình trạng chung của các nhà xe.
Không chỉ người về quê ăn Tết kiệt sức, người đi làm cũng mệt mỏi khi ùn tắc kéo dài. Trưa 24/1, cao tốc Vĩnh Hảo - Cam Lâm qua Bình Thuận và cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang với Bến Tre ùn tắc khi dòng xe đổ về quê ăn Tết.
Anh Trương Công Thực, 32 tuổi, lái xe tải tuyến Bình Dương - Hà Nội kể khoảng một tuần nay lượng người từ miền Nam về các tỉnh ăn Tết tăng khiến nhiều tuyến đường ùn tắc nghiêm trọng.
Người dân xuống đường giải lao trên cao tốc Vĩnh Hảo - Cam Lâm (đoạn qua Bình Thuận) ngày 23/1 do ùn tắc kéo dài, các xe không thể di chuyển
Trước tháng 1/2025, anh chạy 36 - 42 tiếng từ Bình Dương ra Hà Nội. Trong trường hợp ách tắc kéo dài có thể lên đến 50 tiếng. Nhưng thời điểm sát Tết 2025, thời gian tăng gấp 3 - 4 lần. Nguyên nhân chính là do lượng người về quê nghỉ Tết tăng, các phương tiện di chuyển dè chừng, đi dưới vận tốc cho phép, dừng đèn đỏ khi đồng hồ đếm ngược còn 5 giây từ khi mức xử phạt vi phạm giao thông tăng mạnh.
VN (VnExpress) /Báo Hải Dương