Trước Tết Dương lịch và hơn tháng rưỡi trước Tết Nguyên đán, người lao động trong các loại hình đơn vị nhà nước, công ty nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân râm ran bàn tán chuyện thưởng Tết.
Hầu như ở đơn vị nào cũng có thưởng Tết, vấn đề ở chỗ thưởng cao hay thấp mà thôi. Dĩ nhiên, không loại trừ vẫn có những đơn vị không có nguồn tiền dành cho thưởng Tết, mà phải vận dụng từ Quỹ Công đoàn để “lo Tết”.
Râm ran thưởng Tết
Theo đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH, đến giữa tháng 12 các tỉnh, thành báo cáo tình hình lương, thưởng Tết. Thông tin từ các địa phương cho thấy mức thưởng Tết 2025 không có nhiều biến động so với năm trước, tuy nhiên, vẫn tồn tại sự chênh lệch lớn về mức thưởng.
Năm nay, mức thưởng Tết cao nhất dịp Tết Ất Tỵ thuộc về người lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh với Tết Dương lịch năm 2025, mức thưởng cao nhất là 1,8 tỷ đồng/người thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thấp nhất 0,1 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp dân doanh. Tính bình quân tiền thưởng của người lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 3,4 triệu đồng/người, thấp hơn so với kết quả khảo sát của năm 2024 (4,7 triệu đồng/người).
Ở tỉnh Long An, mức thưởng Tết cao nhất 519 triệu đồng/người. Mức thưởng này thấp hơn so với mức thưởng cao nhất tại địa phương này trong năm trước. Một địa phương khác có mức thưởng Tết dự kiến cao là tỉnh Bình Dương. Đến giữa tháng 12/2024, có 1.771 doanh nghiệp ở Bình Dương báo cáo kế hoạch thưởng Tết; trong đó, 1.676 doanh nghiệp đã đưa ra kế hoạch thưởng, còn 95 doanh nghiệp chưa công bố mức thưởng. Dự kiến, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất tại Bình Dương sẽ là 368 triệu đồng/người, thuộc về doanh nghiệp FDI. Còn mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất dự kiến là 375 triệu đồng/người, cũng từ các doanh nghiệp FDI.
Ở Nghệ An, qua khảo sát khối doanh nghiệp, thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn tỉnh cao nhất 74 triệu đồng/người, thấp nhất 300 nghìn đồng/người. Theo dự báo, mức thưởng Tết Nguyên đán 2025, bình quân cả nước dự kiến đạt 8,77 triệu đồng/người, áp dụng cho người lao động làm việc đủ 12 tháng trong năm. Tuy nhiên, có nhiều đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chưa thể công bố thưởng Tết.
Việc công bố thưởng hoặc không có thưởng Tết không phải là điều bắt buộc, mà tùy vào khả năng cân đối kinh phí của từng đơn vị, doanh nghiệp. Thế nên, thưởng Tết cao hay thấp, có hoặc không là điều mà mỗi người lao động cần chia sẻ với đơn vị mình công tác. Như các trường học phổ thông, họ không có nguồn quỹ để chi thưởng Tết, chỉ có lương tháng 13 theo quy định của Nhà nước, cho nên, các trường phải vận dụng Quỹ Công đoàn để “lo Tết”. Nhiều năm trước, các thầy, cô giáo ở miền núi chỉ nhận “thưởng Tết” 100.000 đồng. Nhưng rồi cũng “xong Tết”!
Trong diễn biến liên quan, nhiều ngân hàng, một số công ty tài chính tung ra các gói cho vay tiêu Tết, còn các doanh nghiệp, kênh bán hàng tung các hình thức bán hàng trả góp, kiểu như: “Ví không "dày", Tết vẫn đủ đầy…”. Nhiều người cho rằng, bây giờ vay thì dễ, nhưng trả mới khó! Thôi thì như bà con nông dân vậy, có ai thưởng Tết cho họ, ngoài việc tự cày sâu, cuốc bẫm trên cánh đồng!
Nguyên Nguyên /Báo Nghệ An