Hỗ trợ nhà mạng để giải bài toán đầu tư hiệu quả cho mạng 5G là vấn đề đang được quan tâm bởi đầu tư cho 5G có chi phí không hề nhỏ.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp linh hoạt đầu tư hạ tầng mạng lưới
Bộ Thông tin và Truyền thông đã định hướng các nhà mạng cung cấp dịch vụ 5G phục vụ chuyển đổi số cho nhiều ngành. Trong khi đó, đầu tư cho 5G, ngoài chi phí tần số đã không hề nhỏ thể hiện qua cuộc đấu giá vừa qua (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với giá 7.533 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) với giá 2.581 tỷ đồng), thì chi cho hạ tầng và hệ sinh thái 5G được biết cũng sẽ rất tốn kém… Theo đó, hỗ trợ nhà mạng giải bài toán về việc đầu tư hiệu quả cho 5G là vấn đề quan tâm hiện nay.
Đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 5G là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp được cấp phép chính thức kinh doanh 5G
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương tại Họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 5G là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp được cấp phép chính thức kinh doanh 5G và chính thức thương mại hóa 5G.
Tuy nhiên, việc đầu tư 5G hiệu quả phụ thuộc vào chính định hướng kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường.
Để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số và thúc đẩy doanh nghiệp sớm cung cấp dịch vụ 5G thương mại ra thị trường, theo quy định hiện hành các doanh nghiệp phải thực hiện cam kết triển khai mạng viễn thông khi trúng đấu giá quyền sử dụng tần số.
Khi xây dựng điều kiện triển khai mạng cho cuộc đấu giá tần số 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham vấn các doanh nghiệp và đặt ra yêu cầu triển khai hạ tầng trong 2 năm đầu tiên sau khi được cấp phép với mục tiêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp linh hoạt đầu tư hạ tầng mạng lưới theo định hướng kinh doanh của mình cũng như đảm bảo người sử dụng tại các khu vực có nhu cầu được sớm tiếp cận dịch vụ của mạng 5G và đảm bảo doanh nghiệp phải triển khai mạng 5G sau khi được cấp tài nguyên tần số.
Luật Viễn thông 2023 và dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông quy định đối với việc chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, hạ tầng viễn thông tích cực để tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng mạng lưới khi triển khai 5G; xây dựng quy định khuyến khích triển khai mạng dùng riêng 5G tạo điều kiện cho mạng dùng riêng 5G tại các nhà máy, khu công nghiệp, …
Cuộc đấu giá 5G vừa qua được đánh giá thành công
Thông tin thêm về kết quả đấu giá băng tần 5G có đạt kỳ vọng và mục tiêu đề ra không, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện khẳng định, có thể nói, cuộc đấu giá 5G vừa qua là thành công, từ góc nhìn trong nước và từ góc nhìn quốc tế.
Đây là lần đầu tiên đấu giá thành công sau 15 năm vấn đề đấu giá được quy định trong luật. Đấu giá thành công cho thấy Luật Tần số Vô tuyến điện sửa đổi và Nghị định 63/2023/NĐ-CP đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Giải quyết được điểm nghẽn là doanh nghiệp cần tần số mà lâu nay chưa cấp được. Số lượng tần số cấp cho di động tăng 59% so với lượng tần số các doanh nghiệp hiện được cấp và sử dụng để cung cấp dịch vụ (tổng số băng tần đã cấp cho IMT trong thời gian qua là 340 MHz).
Trong đợt đấu giá đã bổ sung 200 MHz, tương đương bổ sung 59% lượng tần mới so với lượng băng tần đã cấp. Với tần số được cấp mới qua đấu giá lần này, chất lượng dịch vụ di động sẽ tăng.
"Việc đấu giá khối B1 trải qua 24 vòng, khối C2 qua 17 vòng cho thấy sự nghiêm túc tham gia của các doanh nghiệp, tính khách quan, minh bạch của cuộc đấu giá" - đại diện Cục Tần số vô tuyến điện nói.
Bình luận về việc việc đấu giá khối băng tần C3 (3800-3900MHz) không thực hiện được như kế hoạch vào ngày 14/3 vừa qua, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện nêu, việc đấu giá thực hiện theo quy định luật đấu giá tài sản. Trong trường hợp đấu giá tài sản công chỉ có 1 người tham gia đấu giá thì cuộc đấu giá là không thành.
Khối C3 không thành vì chỉ có 1 doanh nghiệp tham gia đấu. Trong bối cảnh có 3 khối đem ra đấu giá mà chỉ có có 3 doanh nghiệp tham gia đấu thì kết quả này là khách quan và pháp luật về đấu giá cũng đã lường tới tình huống này nên cũng đã có các quy định về đấu giá lại.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm tổ chức đấu giá lại khối C3 theo quy định của Nghị định 63/2023/NĐ-CP (phụ thuộc vào thời điểm doanh nghiệp trúng C2 nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện). Giá khởi điểm khi đấu lại C3 là giá trúng đấu giá của khối C2.
Trước băn khoăn Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp nào để quản lý hiệu quả tiến độ triển khai 5G đối với các doanh nghiệp đã sở hữu băng tần 5G, nhất là nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng theo quy định về tiến độ triển khai hạ tầng, Cục Tần số vô tuyến điện cho rằng, Luật và Nghị định 63/2023/NĐ-CP đã có các chế tài để xử lý trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông.
Theo đó, khi vi phạm về số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện phải triển khai, doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ 50% độ rộng băng tần được cấp (tương đương với 50 MHz) trong 12 tháng. Nếu hết thời hạn đình chỉ mà doanh nghiệp không khắc phục thì bị thu hồi giấy phép.
Quỳnh Nga /Báo Công Thương