Nhờ thuế suất thuế nhập khẩu giảm thêm khoảng 7% kể từ ngày 1/1/2025, giá bán lẻ của các loại ô tô có xuất xứ từ châu Âu có cơ hội giảm xuống đáng kể so với năm 2024.
Theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Tthương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) giai đoạn 2022 – 2027, thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc (CBU) từ châu Âu sẽ giảm bình quân khoảng 7% mỗi năm, bắt đầu từ năm 2022 cho đến khi về 0%, dự kiến vào năm 2030.
Các mẫu xe nhập khẩu từ châu Âu sẽ có cơ hội giảm giá nhờ thuế nhập khẩu giảm theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên - Ảnh: ĐT
Năm 2024, thuế nhập khẩu đối với đa số các loại ô tô chở người từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) được áp dụng phổ biến ở các mức 42,5%, 40,3% và 39% tùy chủng loại và dung tích xi-lanh động cơ.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, các mức thuế suất này sẽ giảm thêm từ 6,7% đến cao nhất 7,8% so với hiện hành.
Cụ thể, các loại xe đang chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu 42,5% sẽ giảm 7,1% xuống còn 35,4% từ ngày 1/1/2025; các loại xe đang chịu mức thuế suất 40,3% sẽ giảm 6,7% xuống còn 33,6%; các loại xe đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu 39% sẽ giảm 7,8% xuống còn 31,2%.
Theo lộ trình, các mức thuế suất này sẽ giảm tiếp dựa trên tỷ lệ tương ứng kể từ ngày 1/1/2026.
Ngoài các nước thuộc Liên minh châu Âu, Việt Nam hiện cũng đang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ một số nước và vùng lãnh thổ khác nằm trong châu Âu. Trong đó đáng chú ý có các loại xe hạng sang và siêu sang nhập khẩu từ Vương quốc Anh.
Do Vương quốc Anh đã chính thức rút hoàn toàn khỏi EU từ ngày 1/1/2021 nên ô tô nhập khẩu từ Anh không nằm trong diện điều chỉnh của Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA giai đoạn 2022-2027, các mức thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Vương quốc Anh và lộ trình cắt giảm cũng áp dụng tương tự như Hiệp định EVFTA.
Đối với ô tô CBU nhập khẩu từ Liên bang Nga, kể từ ngày 1/1/2025, các mức thuế suất sẽ chính thức giảm về 0% theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu và các quốc gia thành viên (VN-EAEU FTA). Các mức thuế suất thuế nhập khẩu ô tô CBU từ Nga trong năm 2024 phổ biến từ 1,4% đến 6,7%.
Mẫu sedan thể thao hạng sang thuần điện Porsche Taycan nhập khẩu từ châu Âu - Ảnh: Porsche
Thuế nhập khẩu là sắc thuế được áp dụng đầu tiên lên các mặt hàng nhập khẩu. Đối với ô tô nguyên chiếc, thuế nhập khẩu sẽ được tính trên giá CIF (bao gồm giá hàng, bảo hiểm và cước vận chuyển đến cảng nhập khẩu).
Chẳng hạn, một chiếc xe hạng sang nhập khẩu từ Đức có giá CIF 30.000 USD, với mức thuế suất 42,5% tại năm 2024, nhà nhập khẩu sẽ phải nộp 12.750 USD thuế nhập khẩu. Đối với xe thông quan từ ngày 1/1/2025, số thuế nhập khẩu doanh nghiệp phải nộp sẽ giảm xuống còn 10.620 USD, tức doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được số tiền 2.130 USD, tương đương trên 52 triệu đồng.
Do là sắc thuế đầu tiên nên thuế nhập khẩu sẽ có những tác động đáng kể lên giá thành của ô tô chưa bao gồm các tính toán về lợi nhuận và thuế giá trị gia tăng. Sau khi thông quan và tính thuế nhập khẩu, ô tô nguyên chiếc sẽ còn phải chịu thêm một số sắc thuế nữa trước khi bán ra thị trường, đáng kể nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện tại, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi đang áp dụng ở các mức từ 35% đến cao nhất 150% tùy theo dung tích xi-lanh động cơ.
Như vậy, sau khi được giảm thuế nhập khẩu, giá thành của ô tô nguyên chiếc có xuất xứ từ châu Âu cũng sẽ giảm đi đáng kể nhờ số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt giảm theo.
An Nhi /Nhà báo và Công luận