Người lao động không thể yên tâm cống hiến nếu như mức lương nhận được không đáp ứng nhu cầu thiết yếu của họ. Trước khi nói đến câu chuyện nâng cao năng suất lao động thì tiền lương chính là vấn đề “sát sườn” rất cần được chú trọng.
Vài năm trở lại đây, khái niệm năng suất lao động đã có mật độ “phủ sóng” lớn trên các phương tiện truyền thông và trở nên gần gũi hơn với người dân. Rất nhiều yếu tố là động lực nâng cao năng suất lao động được đề cập đến như: Vốn, Chất lượng nguồn nhân lực, Công nghệ, Quản trị, Thể chế, chính sách… Và một trong những yếu tố then chốt với mỗi người lao động chính là vấn đề lương, thưởng và phúc lợi thỏa đáng.
Tại Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024, TS. Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng nhấn mạnh, mọi người lao động đi làm đều quan tâm đến tiền lương, đặc biệt là người có thu nhập thấp.
Thực tế đã chứng minh mối quan hệ chặt chẽ giữa tiền lương, thưởng và phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng và toàn tâm trong công việc. Người lao động dù muốn gắn bó với tình cảm sâu sắc cũng không thể nào ở lại công ty nếu mức lương quá thấp.
Con người là trung tâm của nâng cao năng suất lao động. (Ảnh minh họa)
Chị Thanh Hằng là công nhân tại một khu công nghiệp và vừa quyết định nghỉ việc để tìm một công việc với mức lương phù hợp hơn. Chị chia sẻ: “Làm tại công ty cũ mức lương quá thấp, 7 triệu đồng/ tháng không thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của gia đình 4 người. Riêng tiền đóng học phí cho 2 cháu, tiền sữa, bỉm, ăn uống, điện, nước,… những thứ buộc phải chi, với số tiền lương kia là rất thiếu thốn.
Tôi chuyển sang công ty mới với mức lương 12 triệu đồng/tháng tuy có áp lực hơn, làm việc nhiều hơn nhưng cảm thấy thoải mái trong tư tưởng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền đã được giảm bớt, cũng yên tâm làm việc và phấn đấu”.
Không riêng chị Hằng, đây cũng là tâm tư của rất nhiều người lao động hiện nay. Mức lương, thưởng thỏa đáng và sự ghi nhận kịp thời từ phía lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị là động lực rất lớn thúc đẩy người lao động làm việc, từ đó gia tăng năng suất trên mỗi lao động và nâng cao năng suất của doanh nghiệp.
Như TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia từng nói, năng suất không phải những điều khó không thể hiểu mà năng suất gắn liền với cuộc sống, công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, chắc hẳn cũng bao hàm ý này.
Thanh Tùng /Chất lượng Việt Nam