Áp dụng mô hình nhóm huấn luyện (TWI) chính là chìa khóa phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
TWI là hình thức đào tạo tại doanh nghiệp với các chương trình huấn luyện kỹ năng thiết yếu cho các cấp Giám sát viên. Nguyên tắc của TWI là phát triển một phương pháp đã chuẩn hóa, rồi đào tạo chuyên sâu những huấn luyện viên TWI về phương pháp chuẩn này, huấn luyện viên TWI sẽ đào tạo những nhóm người khác (Giám sát viên) sử dụng các phương pháp chuẩn để xử lý các vấn đề cụ thể.
TWI gồm 3 chương trình huấn luyện chính: JIT (Job Instruction Training) – Kỹ năng chỉ dẫn việc: Giúp rút ngắn thời gian đào tạo, từ đó loại bỏ tái đào tạo nhân viên mới; xây dựng/chuẩn hóa hệ thống đào tạo; cải tiến và chuẩn hóa hệ thống quy trình; chuẩn hóa tay nghề cho nhân viên; giảm sản phẩm khuyết tật, sản phẩm làm lại và phế phẩm; giảm tỷ lệ tai nạn, tạo môi trường làm việc an toàn hơn; giảm sự lệ thuộc vào thợ lành nghề, nhân viên kinh nghiệm lâu năm; giảm hư hỏng dụng cụ, thiết bị; gia tăng sự hài lòng trong công việc...
JMT (Job Methods Training) – Kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc, lợi ích là trang bị cho các cấp giám sát tư duy cải tiến theo 1 phương pháp chuẩn mực; chuẩn hóa hệ thống quy trình dựa trên thực hành tốt nhất của các nhân viên lâu năm kinh nghiệm hay thợ lành nghề; giảm tối đa sự phụ thuộc vào chuyên gia cải tiến bên ngoài từ việc xây dựng được đội ngũ chuyên gia cải tiến nội bộ là các cấp giám sát; tận dụng hiệu quả hơn nguồn lực, máy móc và nguyên liệu sẵn có để tăng năng suất – chất lượng – giảm chi phí.
JRT (Job Relations Training) – Kỹ năng quan hệ công việc, lợi ích chính là cung cấp nền tảng chuẩn mực nhằm xây dựng mối tương quan êm đẹp và ngăn ngừa các vấn đề có thể nảy sinh trong doanh nghiệp.

TWI không nhằm giải quyết vấn đề trước mắt mà chú trọng vào việc phát triển kỹ năng giải quyết các vấn đề khi chúng nảy sinh. Điều này có nghĩa là người gặp vấn đề (công nhân) và người có thể kèm dẫn, hỗ trợ (giám sát viên) cần thường xuyên làm việc bên nhau. Khi các giám sát viên sử dụng kỹ năng học được từ TWI để giải quyết các vấn đề sản xuất, họ tự nhiên đóng vai trò huấn luyện viên, từ bỏ vai trò chỉ đạo và kiểm soát của một người "sếp” truyền thống và tạo ra môi trường học hỏi.
Công ty Cổ phần Gỗ Minh Dương là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nội thất từ gỗ cao su, thông, sồi và sản xuất sản phẩm khác từ gỗ, tre, nứa, rơm, rạ... Thời gian qua, việc áp dụng TWI đã mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp này.
Trước khi áp dụng TWI, Công ty đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008; công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S; thực hiện tiêu chuẩn CSR (cam kết trách nhiệm xã hội) cho tất cả nhân viên, bảo đảm các thiết bị và điều kiện làm việc luôn đạt tiêu chuẩn.
Việc áp dụng các hệ thống quản lý này tạo điều kiện để công ty quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, Công ty đang gặp các nhóm vấn đề như: nhân viên chưa biết cách làm dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, năng suất thấp, tỷ lệ phế phẩm và chi phí cao, nhân viên chưa có phương pháp để cải tiến công việc hiệu quả hơn.
Để giải quyết những vấn đề này, Công ty cổ phần Gỗ Minh Dương đã áp dụng TWI nhằm trang bị thêm kỹ năng chỉ dẫn nhằm cải tiến và tăng cường quan hệ công việc cho đội ngũ giám sát; nâng cao tay nghề hơn cho người lao động; giảm chi phí sản xuất và sản phẩm lỗi, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…
Theo các chuyên gia, hiện nay, việc sử dụng công cụ TWI được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, bao gồm sản xuất, dịch vụ và chăm sóc sức khỏe. Công cụ này không chỉ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng suất, giảm thời gian đào tạo nhân viên, tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn hướng tới đáp ứng toàn diện yêu cầu của khách hàng trong tương lai.

Hay Công ty TNHH Rau quả Hùng Hậu đã áp dụng thành công mô hình TWI với các “Giám sát tuyến đầu” là những quản đốc, tổ trưởng, chuyền trưởng, nhóm trưởng để duy trì hiệu lực và hiệu quả các hoạt động sản xuất khâu cuối và chuyển giao dịch vụ cho khách hàng để đảm bảo sự hài lòng của khách hàng và các bên hữu quan thì đã đạt được các kết quả khả quan ban đầu như:
Kỹ năng chỉ dẫn việc: Xây dựng hơn 15 bảng phân tích công việc cho 3 sản phẩm khóm cấp đông, xoài cấp đông và đu đủ cấp đông. Đồng thời, xây dựng 10 Bảng phân tích các công việc hỗ trợ như kiểm tra chất lượng, bảo trì dụng cụ, máy móc và các công việc khác.
Kỹ năng tạo mối quan hệ trong công việc: Giúp giám sát giải quyết các vấn đề trong quá trình sản xuất từ đó tăng từ 66 điểm lên 82 điểm giúp doanh nghiệp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc: Với 2 đề tài cải tiến cho 2 công đoạn của sản phẩm khóm đông lạnh, doanh nghiệp đã tăng năng suất 16% tại công đoạn gọt vỏ khóm và tăng 15% tại công đoạn gấp mắt khóm. Từ đó, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được các chi phí sản xuất tại 2 công đoạn lần lượt là 70.392.000 đồng/năm và 36.612.000 đồng/năm.
Tiểu My /Chất lượng Việt Nam