Đổi mới sáng tạo với lựa chọn cải cách hoặc cải tiến sẽ là động lực lớn để doanh nghiệp vượt qua khúc quanh của thời đại và tăng tốc, đi xa.
Ga đã hết lực
Cuối năm 2023, hình ảnh một đoàn tàu lửa tiến vào khúc quanh trong mùa tuyết trắng được Đại hội Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) nhiệm kỳ XII đưa ra như một biểu tượng cho nền kinh tế Việt Nam với TP.HCM là đầu tàu cũng đang ở trong một giai đoạn đầy thách thức.
Chủ tịch YBA Lê Trí Thông và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong tổ chức này nhớ lại khúc quanh trùng với thời điểm mà CEO Forum ra đời vào năm 2012, khi nền kinh tế đang đối mặt với lạm phát. Lúc đó, họ cùng hình dung cần làm gì trong khúc cua của nền kinh tế. Phải đến 2015 - 2016, lạm phát mới được đẩy lùi.
Và 12 năm sau, các CEO ngồi lại và cảm nhận về mô hình tăng trưởng đã đưa doanh nghiệp phát triển đến ngày hôm nay. Họ nhận thấy, các công ty dường như gần chạm đến điểm tới hạn. Dù doanh nghiệp có cố gắng tăng tốc đến đâu cũng không thể chạy nhanh hơn được, cảm giác như ga đã hết lực, mà con đường phía trước lại ngày càng gập ghềnh.
Ba thập kỷ trước, YBA ra đời trùng với thời điểm Việt Nam bắt đầu hòa mạng Internet. Từ đó, Internet làm thay đổi cách thức doanh nghiệp vận hành, thúc đẩy sự ra đời và phát triển của nền kinh tế điện tử, kinh tế số. Đến nay, các doanh nghiệp cũng đang ở trong khúc quanh mới, đó là sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Công nghệ AI đang nhanh chóng định hình lại cách thức doanh nghiệp vận hành. Cấu trúc chi phí, cách thức cạnh tranh và thậm chí là cách doanh nghiệp tương tác với khách hàng đều đang thay đổi.
Với những doanh nghiệp đã trưởng thành qua nhiều thập kỷ từ khi nền kinh tế mở cửa, ông Thông nhận định, các mô hình phát triển hiện tại đang chạm ngưỡng.
Thế hệ quản lý mới, gồm những người sinh năm 1990 trở về sau, thậm chí tại PNJ - nơi ông Thông làm CEO - đã có những người sinh năm 2000 đảm nhận các vị trí quản lý cấp thấp. Sự mới mẻ trong về duy, cách nhìn nhận cuộc sống và cách họ gắn bó với doanh nghiệp đang đặt ra yêu cầu mới về quản trị và lãnh đạo.
Bên cạnh đó, khách hàng hiện nay không còn đơn thuần là người tiêu dùng thụ động. Họ trở nên tinh tế hơn, thông thái hơn, phức tạp hơn, và luôn đòi hỏi sự đổi mới trong sản phẩm và dịch vụ mà họ sử dụng.
Ông Lê Trí Thông, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM. Ảnh: innoEx
Cải tiến hay cải cách
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch YBA cho rằng, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn, đặc biệt là khi Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu.
Theo ông Thông, để đạt được những mục tiêu phát triển này, các doanh nghiệp phải tìm kiếm những mô hình tăng trưởng mới, nơi mà giá trị gia tăng dựa trên tính sáng tạo là nền tảng.
Tuy nhiên, việc chỉ dựa vào cải tiến sẽ khó có thể đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao và đa dạng từ cả lực lượng lao động và khách hàng. Sự đổi mới sáng tạo để làm những thứ mới, hoặc thậm chí là cải cách toàn diện, là điều không thể tránh khỏi nếu doanh nghiệp muốn giữ vững vị thế và tiếp tục phát triển.
“Nếu đi theo đường ray cũ thì doanh nghiệp sẽ không đi qua khúc quanh được, nó đòi hỏi ta lái khác đi, phải thay đổi theo hướng cải tiến hoặc là cải cách”, ông Thông nói trong Vietnam CEO Forum 2024 tổ chức tại TP. HCM hôm qua.
Cải tiến đã giúp rút ngắn thời gian con tàu di chuyển từ Bắc vào Nam một cách đáng kể. Nhưng để trở thành tàu cao tốc, cải tiến sẽ không đủ. Tương tự, việc nâng cấp hệ thống hiện tại có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng tạm thời, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt, đó có thể không phải là giải pháp bền vững.
Câu chuyện về sự cạnh tranh toàn cầu được ông Thông nêu ra như một cảnh báo. Ông dẫn chứng, hàng hóa đặt hàng từ Trung Quốc có thể giao đến cửa nhà nhanh hơn hàng hóa từ TP.HCM đến Hà Nội.
“Tốc độ của tàu được cải tiến liệu có đua được với các tàu cao tốc trong một thế giới phẳng, biên giới mở”, ông Thông lo ngại.
Thực tế là, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với một khúc quanh mà họ không thể vượt qua bằng cách đi theo đường ray cũ. Họ cần phải lái tàu theo một hướng khác, thậm chí thay đổi cả con đường để có thể vượt qua. Đó là lúc mà sự sáng tạo và đổi mới trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Những doanh nghiệp biết tận dụng công nghệ mới và dám thay đổi mô hình kinh doanh sẽ có cơ hội dẫn đầu. Đây không chỉ là câu chuyện về việc tăng trưởng nhanh hơn, mà còn là việc tái định hình lại tương lai của doanh nghiệp.
Sự thay đổi không bao giờ dễ dàng, nhưng nếu doanh nghiệp dám nghĩ khác, làm khác thì có thể cùng nhau biến khúc quanh lớn này thành cơ hội để tiến xa hơn.
Với nền kinh tế đang chuyển mình, doanh nghiệp Việt cần một tầm nhìn mới, một tư duy mới để vượt qua những thách thức trước mắt và xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Quỳnh Chi /Nhà Quản trị