Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Trong các doanh nghiệp và tổ chức chính phủ chuyển đổ số ngày càng phổ biến và khẳng định vai trò quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng nhân lực số hiện nay còn có những hạn chế, nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực hạn chế.
TS. Nguyễn Thế Hùng, Phó giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (bìa trái) chủ trì hội thảo
Vừa qua, tại Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số cho Việt Nam”. Hội thảo với mục tiêu tạo không gian kết nối, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về nguồn nhân lực số cũng như chiến lược đào tạo cho người lao động năng lực làm chủ công nghệ và đổi mới sáng tạo.
TS. Giang Thanh Tùng – Chủ tịch Hội đồng Học viện Chính sách và Phát triển phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Giang Thanh Tùng – Chủ tịch Hội đồng Học viện Chính sách và Phát triển nhấn mạnh, mỗi một nền kinh tế đòi hỏi cần phải có một lực lượng sản xuất tương ứng với trình độ của nó, đặc biệt là nguồn nhân lực. Vì vậy, tương ứng với nền kinh tế số mà Chính phủ Việt Nam mong muốn hướng đến năm 2030 phải có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nó.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu tạo không gian kết nối, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về nguồn nhân lực số cũng như chiến lược đào tạo cho người lao động năng lực làm chủ công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hội thảo đã nhận được 44 bài viết của các nhà khoa học, các chuyên gia và các nhà quản lý khắp cả nước về các chủ đề: Nghiên cứu khung năng lực cần thiết của nguồn nhân lực số tại mỗi quốc gia; Nghiên cứu về mối quan hệ giữa nguồn nhân lực số với chiến lược phát triển kinh tế số của mỗi quốc gia; Thực trạng và các giải pháp cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số tại Việt Nam đến năm 2030; Kinh nghiệm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số của các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi; Nguồn nhân lực số cho một số ngành tiên phong của kinh tế số (thương mại điện tử, công nghiệp bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu lớn,…)…
TS. Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, trong nhiều năm qua, nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề lớn gây cản trở cho quá trình phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
Đây là lĩnh vực cần có kiến thức rộng, bao trùng kiến thức về kinh tế, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ… nên đòi hỏi thời gian đào tạo dài; các lớp ngắn hạn và dạy nghề chỉ giải quyết tạm thời trong thời điểm thiếu nhân lực. Do vậy, đào tạo chính quy dài hạn tại các cơ sở giáo dục đại học trở thành giải pháp căn cơ cho nguồn nhân lực chất lượng cao của thương mại điện tử trong tương lai.
TS. Nguyễn Hữu Xuân Trường, đại diện nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên 150 doanh nghiệp tại các thành phố lớn và nhận thấy, các vị trí yêu cầu kỹ năng số mà các doanh nghiệp cần hiện nay chủ yếu là marketing, phân tích dữ liệu, quản lý hệ thống mạng.
Toàn cảnh hội thảo khoa học “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số cho Việt Nam”
Điểm tích cực là các doanh nghiệp đã rất quan tâm đến việc đào tạo nâng cao năng lực kỹ năng số cho nhân viên, thông qua các hình thức đào tạo bên ngoài với chuyên gia, khuyến khích nhân viên tham gia các khóa học trực tuyến, tổ chức đào tạo nội bộ…
Trong khi đó, hình thức hợp tác với các trường đại học, cao đẳng trong đào tạo kỹ năng số cho nhân sự còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Nguyên nhân, theo ông Trường, là do còn thiếu khung năng lực số chuẩn hóa giữa các cơ sở đào tạo, thiếu kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng…
Cơ chế chính sách, Chính phủ cần xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực số quốc gia, giám sát việc triển khai các chương trình phát triển nhân lực số, đồng thời mở rộng hợp tác với các nước phát triển trong lĩnh vực này.
Các cơ sở giáo dục, ông Trường cho rằng, cần nâng cấp trang thiết bị giảng dạy, nghiên cứu, xây dựng các thư viện trực tuyến, học liệu số để người học dễ dàng tiếp cận. Đối với các doanh nghiệp, cần phát triển chiến lược đào tạo kỹ năng số gắn liền với tầm nhìn của doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình đào tạo, cho phép nhân viên học tập linh hoạt.
Bà Tân Anh, Phụ trách Ban Phát triển nguồn nhân lực của NIC cho biết: “Để tạo nên hệ sinh thái phát triển nhân tài số, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 Nhà, gồm Nhà nước, Nhà trường và Nhà doanh nghiệp. Chỉ với sự đồng bộ và hợp tác từ nhiều phía, Việt Nam mới có thể xây dựng lực lượng nhân tài số mạnh mẽ”.
Theo ThS. Tân Anh – Trưởng Ban phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết: Chiến lược phát triển nhân tài số của Việt Nam được đặt ra trong bối cảnh chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021- 2030) với mục tiêu xây dựng một xã hội thông minh, bền vững. Để tạo nên hệ sinh thái phát triển nhân tài số, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 Nhà, gồm Nhà nước, Nhà trường và Nhà doanh nghiệp. Chỉ với sự đồng bộ và hợp tác từ nhiều phía, Việt Nam mới có thể xây dựng lực lượng nhân tài số mạnh mẽ.
Hoàng Nhung