Lợi nhuận công ty liên tiếp suy giảm trong 3 năm trở lại đây, cổ đông của "ông lớn" ngành quảng cáo - Clever Group (ADG) đang có động thái muốn thoái vốn. Tính từ năm 2022 trở lại đây, cổ phiếu ADG đã mất giá gần 80%.
Cổ đông ngoại FSN Asia Private Limited tiếp tục thoái vốn khỏi Clever Group
FSN Asia Private Limited, quỹ đầu tư đến từ Singapore, vừa thông báo kế hoạch bán ra gần 4,7 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Clever Group (Mã: ADG). Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 20/2 đến 21/3, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu từ 38,75% (tương đương 8,3 triệu cổ phiếu) xuống còn 16,84% (khoảng 3,6 triệu cổ phiếu). Mục đích của động thái này là tập trung nguồn lực cho các cơ hội kinh doanh mới.
.jpg)
Clever Group là đơn vị có tiếng trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam nhưng đang bị cổ đông ngoại thoái vốn (Ảnh TL)
Trước đó, từ ngày 13/1 đến 11/2, FSN Asia đã nỗ lực thoái vốn với cùng số lượng cổ phiếu nhưng không thành công do thanh khoản thị trường thấp, không đủ người mua. Lần gần nhất quỹ này bán thành công cổ phiếu ADG là vào ngày 21/12/2023, khi họ chuyển nhượng 884.100 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 42,89% xuống 38,75%.
Đáng chú ý, vào tháng 8/2023, FSN Asia đã nhận chuyển nhượng gần 40% vốn của Clever Group từ Yello Digital Marketing Global Pte.Ltd thông qua việc sáp nhập doanh nghiệp nước ngoài, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Chủ tịch Hội đồng quản trị Clever Group, ông Nguyễn Khánh Trình, hiện sở hữu gần 6 triệu cổ phiếu, tương đương gần 28% vốn tính đến cuối năm 2024.
Lợi nhuận suy giảm 3 năm liên tiếp
Trong ba năm gần nhất, Clever Group đã chứng kiến sự suy giảm về lợi nhuận. Năm 2023, công ty đạt doanh thu thuần 411,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 22,2 tỷ đồng, giảm 55% so với năm 2022. Sang năm 2024, doanh thu tăng nhẹ lên 464 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, lãi sau thuế giảm nhẹ xuống còn 21 tỷ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm tới 12%, còn 18 tỷ đồng.
Tính riêng trong Quý 4/2024, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt gần 15 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính được công ty giải trình là do chi phí giá vốn tăng mạnh để duy trì tính cạnh tranh, làm giảm biên lợi nhuận gộp, cùng với việc chi phí tài chính và quản lý tăng cao.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Clever Group đạt hơn 496 tỷ đồng, trong đó tiền gửi ngân hàng chiếm 24% với 121 tỷ đồng, đầu tư trái phiếu chiếm 19% với hơn 95 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty đang nắm giữ 50 tỷ đồng trái phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An, một doanh nghiệp có liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát và đang bị phong tỏa tài sản đảm bảo. Nợ phải trả của công ty gần 109 tỷ đồng, phần lớn là nợ vay tài chính hơn 47 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 122 tỷ đồng.
Cổ phiếu ADG mất giá 80% sau 3 năm
Từ năm 2022 đến nay, giá cổ phiếu ADG liên tục lao dốc, phản ánh rõ nét những thách thức mà Clever Group đang đối mặt. Trong năm 2022, cổ phiếu này từng đạt mức giá cao, tiệm cận 50.000 đồng/cp. Tuy nhiên, kể từ giữa năm đó, xu hướng giảm bắt đầu xuất hiện, dù vẫn có những nhịp hồi phục ngắn. Bước sang năm 2023, đặc biệt từ giữa năm, giá ADG giảm sâu hơn và gần như không có đợt phục hồi đáng kể nào.

Cổ phiếu ADG đã mất giá khoảng 80% chỉ trong 3 năm vừa qua
Đến năm 2024, đà lao dốc tiếp tục kéo dài, đưa cổ phiếu về vùng giá thấp nhất trong nhiều năm qua. Tính đến đầu năm 2025, ADG chỉ còn 10.800 đồng/cp, mất gần 80% giá trị so với đỉnh cũ. Diễn biến tiêu cực này không chỉ phản ánh những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của Clever Group, mà còn chịu áp lực từ việc cổ đông lớn FSN Asia Private Limited liên tục tìm cách thoái vốn. Bên cạnh đó, thanh khoản thấp và lợi nhuận suy giảm càng khiến tâm lý thị trường trở nên bi quan đối với mã cổ phiếu này.
Trang Thu /Nhà báo và Công luận