Long Giang (LGL) ghi nhận thua lỗ 53 tỷ đồng sau 1 thập kỷ có lãi liên tục, bất chấp doanh thu tăng trưởng khả quan.
Long Giang (LGL) báo lỗ 53 tỷ đồng năm 2024 dù doanh thu tăng 12%
Sau hơn một thập kỷ duy trì lợi nhuận ổn định, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (mã chứng khoán: LGL) ghi nhận khoản lỗ ròng gần 53 tỷ đồng trong năm 2024. Điều này trái ngược hoàn toàn với giai đoạn trước đó khi công ty duy trì kết quả kinh doanh khả quan.

Long Giang (LGL) báo lỗ 53 tỷ đồng sau 1 thập kỷ có lãi liên tục (Ảnh TL)
Doanh thu thuần trong năm 2024 đạt gần 103 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước, chủ yếu nhờ mảng bán hàng hóa tăng trưởng 41%, đạt hơn 88 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh bất động sản - lĩnh vực cốt lõi của công ty - chỉ đóng góp 7 tỷ đồng, mức đóng góp khá khiêm tốn.
Nguyên nhân chính khiến LGL thua lỗ đến từ sự suy giảm mạnh của doanh thu tài chính. Năm 2024, khoản thu từ hoạt động tài chính chỉ đạt 3 tỷ đồng, giảm đến 97% so với mức gần 117 tỷ đồng trong năm 2023. Sự sụt giảm này là do công ty không còn ghi nhận các khoản lãi từ chuyển nhượng công ty liên kết, lãi chứng khoán kinh doanh hay lãi ký quỹ như trước.
Chi phí tài chính cũng là một yếu tố gây áp lực lên lợi nhuận khi tăng 12%, lên hơn 30 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí mượn tài sản thế chấp tăng gần 4 lần lên 4 tỷ đồng, trong khi công ty không còn được hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh hơn 13 tỷ đồng như năm trước.
Việc cắt giảm chi phí quản lý giúp công ty tiết kiệm được đáng kể, khi giảm 38% so với năm trước. Tuy nhiên, điều này không đủ để bù đắp khoản lỗ do nguồn thu tài chính giảm sút, khiến LGL lần đầu tiên báo lỗ sau 10 năm, kể từ năm 2013 khi công ty ghi nhận mức lỗ gần 50 tỷ đồng.
Hàng tồn kho tăng 43%, nợ phải trả vượt 745 tỷ đồng
Mặc dù kết quả kinh doanh kém khả quan, tổng tài sản của LGL đến cuối năm 2024 vẫn giữ mức 1.400 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với đầu năm. Tuy nhiên, các khoản mục tài sản lại có sự biến động lớn, đặc biệt là hàng tồn kho và phải thu dài hạn.
Hàng tồn kho tăng 43%, lên mức 504 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án Rivera Park Cần Thơ tăng mạnh 64%, đạt gần 91 tỷ đồng. Đáng chú ý, phải thu dài hạn của công ty tăng đột biến hơn 15 lần, từ mức gần 14 tỷ đồng lên hơn 334 tỷ đồng. Phần lớn khoản này đến từ số tiền phải thu của cổ đông lớn – CTCP Tập đoàn Đầu tư Long Giang, liên quan đến hợp đồng góp vốn ký từ năm 2010 để thực hiện dự án khu nhà ở cao tầng tại ô đất CC05A, khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội).
Ngược lại, khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh 61%, xuống còn 293 tỷ đồng, chủ yếu do công ty đã thu hồi toàn bộ khoản đặt cọc 366,4 tỷ đồng từ CTCP Minh Phát, sau khi dự án Khu biệt thự Rivera Park Mũi Né không đạt tiến độ.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của LGL tăng 11%, lên gần 745 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay tăng mạnh 34%, vượt mức 321 tỷ đồng. Đặc biệt, công ty phát sinh khoản vay dài hạn từ các cá nhân lên đến hơn 71 tỷ đồng, cho thấy LGL đang phải tìm kiếm nguồn tài chính mới để duy trì hoạt động trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đầy thách thức.
Bích Diễm /Nhà báo và Công luận