Ngày 30.4.1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vào thời khắc lịch sử này, ngành dầu khí Việt Nam đã có những bước chuyển mình, đồng hành với sự phát triển hùng cường của đất nước.
Từ kim chỉ nam soi đường...
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), trước ngày giải phóng miền Nam, hoạt động của dầu khí còn rất nhỏ nhoi và phân tán ra Tổng cục Địa chất và Tổng cục Hóa chất. Khi miền Nam được giải phóng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lập tức cử các chuyên gia thu thập các tài liệu về hoạt động thăm dò dầu khí ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Chưa đầy 3 tháng sau ngày giải phóng, Bộ Chính trị đã họp lần thứ nhất tại TP. Hồ Chí Minh, xác định đường lối phát triển mỏ và khí đốt Việt Nam, trong đó vạch ra chính sách hợp tác với nước ngoài. Nội dung hội nghị này đã được tổng kết thành Nghị quyết 244-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ
Ngày 6.8.1975, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. Ngày 9.8.1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước.
Nghị quyết nêu rõ: "Nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành dầu khí…". Với người dầu khí, đây là một Nghị quyết cực kỳ quan trọng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt ngành dầu khí từ đó đến nay.
Ngày 20.8.1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết nghị số 33-QN/QH/K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Ngày 3.9.1975, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Sự kiện này đưa ngành dầu khí bước sang trang mới, chấm dứt thời kỳ hoạt động của các tổ chức riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất…
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực dầu khí, đây có lẽ là kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, vì chưa bao giờ trong thời gian ngắn như vậy, một đơn vị cấp tổng cục được ra đời, được giao trọng trách xây dựng một ngành kinh tế có kỹ thuật cao, có tính đặc thù và hoàn toàn mới, trong lúc tiềm lực gần như bằng không. Cho đến bây giờ, các thế hệ lão thành của ngành dầu khí vẫn không thể quên được vào những ngày cuối năm 1975, hàng nghìn người lính đã "rời tay súng để xắn tay áo" xây dựng một nền công nghiệp mới.
Những năm đầu mới thành lập, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam còn thiếu thốn cơ sở vật chất, đặc biệt là cán bộ nòng cốt; Đảng và Chính phủ tiếp tục điều động rất nhiều cán bộ quân đội cho ngành dầu khí. Nhờ đó, ngành dầu khí đã trưởng thành nhanh chóng.
Năm 1981, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô được thành lập, Chính phủ đã điều động Binh đoàn 318 khoảng 3.000 người sang tham gia xây dựng căn cứ tổng hợp trên bờ của xí nghiệp liên doanh. Căn cứ này đủ sức cung cấp dịch vụ cho công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí của Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô cho đến hiện nay. Sau khi hoàn thành xây dựng căn cứ tổng hợp, các cán bộ và chiến sĩ Binh đoàn 318 đã chuyển về Xí nghiệp Liên hiệp xây lắp Dầu khí, để tiếp tục xây dựng các công trình dầu khí như tổng kho xăng dầu, đường ống dẫn khí trên bờ, lắp ráp chân đế giàn khoan…
Năm 1988, ngành dầu khí Việt Nam đã phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả với sản lượng cao tầng dầu trữ lượng lớn trong đá móng nứt nẻ mỏ Bạch Hổ. Sự kiện này đã đi vào lịch sử khai thác dầu khí thế giới, đồng thời, mở ra một chương mới cho toàn bộ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam. Ngay sau sự kiện bước ngoặt này, ngày 7.7.1988, Bộ Chính trị đã lập tức ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về Phương hướng phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2000, khẳng định quan điểm đổi mới trong hoạt động dầu khí, tạo ra một chân trời rộng mở cho ngành dầu khí lớn mạnh.
Năm 2006, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 41-KL/TW về Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2025, cùng với việc Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Petrovietnam. Từ đó, Petrovietnam tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử theo ý nguyện của Bác Hồ - hoàn chỉnh và hiện đại hóa chuỗi công nghệ dầu khí, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí - công nghiệp điện, chế biến và dịch vụ dầu khí chất lượng cao; với sự ra đời các trung tâm sản xuất điện như Nhơn Trạch, cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, nhà máy lọc dầu Dung Quất…
… Tới hành trình làm chủ công nghệ hiện đại
Để tạo điều kiện cho ngành dầu khí phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản khác nữa để định hướng, tạo hành lang phát triển cho ngành dầu khí. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo hết sức chính xác và kịp thời của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với hoạt động của ngành dầu khí mà trọng tâm là Petrovietnam.
GS.TS. Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Petrovietnam) cho biết, một thời gian khá dài khoảng 15 năm giữa 2 thế kỷ, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã đóng góp khoảng 28%, có năm xấp xỉ 30% ngân sách nhà nước. Sau này, tỷ lệ đó giảm dần do các lĩnh vực kinh tế khác hình thành và tăng trưởng. Hiện nay, Petrovietnam đóng góp khoảng 8 - 9% ngân sách, bảo đảm khoảng 80% nhu cầu xăng dầu, khoảng 70% nhu cầu phân đạm, khoảng 15% công suất điện cả nước...
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, từ "không đến có", đến nay, ngành dầu khí đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, xây dựng đội ngũ kỹ thuật lành nghề, làm chủ khoa học công nghệ, quản lý điều hành nhiều khâu trong chuỗi công nghệ dầu khí, đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn vẫn được duy trì ổn định, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được giao. Gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 14,15 triệu tấn quy dầu, vượt 17,9% kế hoạch năm. Khai thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn, vượt 1,25 triệu tấn, (vượt 12,8%) kế hoạch năm. Tổng doanh thu đạt 627,2 nghìn tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch năm, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng trong quý I.2022, khai thác dầu thô đạt 2,74 triệu tấn, vượt 25% kế hoạch quý I và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, PVN đã cung cấp 1,4 tỷ mét khối khí cho sản xuất điện, vượt 16,6% so với kế hoạch được giao. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 197.120 tỷ đồng, vượt 46% kế hoạch quý và tăng 49% so với cùng kỳ 2021. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 29.310 tỷ đồng, vượt 63% kế hoạch quý và tăng 29% so với cùng kỳ 2021.
Khẳng định trong tương lai, ngành dầu khí vẫn còn vai trò rất lớn trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp cho nền kinh tế, GS.TS. Hồ Sĩ Thoảng nhấn mạnh, chế biến dầu khí sẽ được tiếp tục phát triển; dịch vụ kỹ thuật cao cũng như các loại hình dịch vụ khác có khả năng tăng trưởng; sản xuất điện sẽ tiếp tục tăng... Đối với Petrovietnam, dư địa phát triển còn nhiều như ra biển xa, biển sâu, đi ra nước ngoài, phát triển hóa dầu và nhiên liệu/năng lượng tái tạo, phát triển dịch vụ kỹ thuật dầu khí cấp cao…
Thế nhưng, để ngành dầu khí phát triển nhanh, bền vững hơn nữa, góp phần quan trọng vào nền kinh tế quốc dân rất cần có sự phối hợp đồng bộ và chỉ đạo giữa Chính phủ với các bộ, ngành; cần có những quyết định mạnh mẽ, "thần tốc" hơn nữa. Trước hết, nhanh chóng tháo gỡ những rào cản pháp lý, tăng khả năng thu hút đầu tư; bảo đảm quy định trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) về địa vị, vai trò của Petrovietnam chặt chẽ, đầy đủ, minh bạch, tránh xung đột lợi ích.
Minh Nhật
Nguồn Báo Đại biểu Nhân dân