Ông Hoàng Nam Tiến tin rằng, trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), nếu thế hệ sinh viên không khai phá tiềm năng sẽ dễ dàng rơi vào nhóm 90% người bình thường.
Hội trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vào một ngày cuối tháng 10, không khí rộn ràng như có điều gì đó rất đặc biệt đang diễn ra.
Hơn 1.300 sinh viên có mặt, ánh mắt chăm chú hướng về sân khấu nơi hai người cựu sinh viên Bách Khoa, nay đã là những nhân vật tên tuổi trong ngành công nghệ, chuẩn bị chia sẻ câu chuyện thành công của mình.
Chương trình FPT Leader Talk - Journey To Your Future với chủ đề "Biến tiềm năng thành tài năng" không chỉ thu hút các sinh viên có mặt trực tiếp, mà còn có hơn 15.000 lượt theo dõi online, thể hiện sức hấp dẫn của sự kiện này đối với giới trẻ.
Mở đầu buổi chia sẻ, ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, lên tiếng với một niềm tin mãnh liệt: "Mỗi sinh viên Bách Khoa đều sở hữu những điểm vô cùng xuất sắc, những tiềm năng khác biệt để phát triển vô hạn".
Nhưng ông cũng không quên nhắc nhở thực tế, rằng phần lớn các bạn trẻ dễ dàng thỏa hiệp với thất bại. Ông cho biết, trong thời đại trí tuệ nhân tạo, nếu sinh viên không khai phá tiềm năng, sẽ dễ dàng rơi vào nhóm 90% người bình thường.
Ông Tiến tin rằng, chỉ có 10% kiên trì, sáng tạo và không ngừng học hỏi mới có thể thật sự tạo ra dấu ấn khác biệt.
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT. Ảnh: VA
Như một người dẫn đường, lãnh đạo FPT nhấn mạnh: "Thực học là nền tảng của thành công. Đồng tiền chân chính phải có được từ nỗ lực và lao động thực sự".
Với ông, không có đường tắt dẫn đến thành công, và để tận dụng thời đại công nghệ, sinh viên phải chủ động học hỏi, không chỉ từ thầy cô mà còn từ bạn bè và AI.
"Đến năm 2030, AI có thể ảnh hưởng gần 40% việc làm trên toàn cầu", ông chia sẻ. "Người biết sử dụng AI sẽ là người thắng cuộc. Thế hệ làm chủ AI sẽ trở thành những nhà lãnh đạo trong kỷ nguyên công nghệ này".
Câu chuyện của ông Tiến càng thêm phần thuyết phục khi ông nhắc đến những cựu sinh viên Bách Khoa đang làm việc tại FPT.
Trong số hơn 1.000 người, gần 200 người hiện đang giữ các vị trí lãnh đạo. Ông khẳng định rằng Bách Khoa là mảnh đất ươm mầm cho những ước mơ lớn lao, nơi mà kiến thức từ giảng đường có thể áp dụng đến 90% vào công việc thực tế.
Ông khẳng định: "Hãy học tập hết mình, vì hành trang các bạn tích lũy hôm nay sẽ là cánh cửa đưa các bạn đến những vị trí hàng đầu trong tương lai".
Đến phần hỏi đáp, không khí càng sôi nổi hơn khi sinh viên đặt ra các câu hỏi về cách vượt qua khó khăn và tìm kiếm cơ hội việc làm.
Ông Nguyễn Thế An, một trong hai diễn giả và là thủ khoa đầu ra với GPA 4.0/4.0, cũng chia sẻ từ góc nhìn của mình. Ông khuyên các bạn nên cân bằng giữa việc học và trải nghiệm thực tế từ sớm, tìm đến các phòng lab hoặc thực tập tại các doanh nghiệp đầu ngành từ năm ba để sớm khám phá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.
"Điều này không chỉ giúp bạn định hướng đúng nghề nghiệp sau này mà còn giúp bạn hiểu rõ bản thân hơn", ông chia sẻ.
Buổi trò chuyện dần khép lại nhưng chắc chắn rằng, những câu chuyện và lời khuyên từ các diễn giả sẽ tiếp tục là động lực, là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho hành trình trưởng thành của các sinh viên Bách Khoa.
Và đâu đó, những ánh mắt rực lửa, những ý tưởng mới lóe lên trong tâm trí các bạn, bắt đầu hình thành hành trình mới - hành trình biến tiềm năng thành tài năng thật sự.
Việt Hưng /Nhà Quản trị