Tập đoàn Hòa Phát đang xem xét kế hoạch tạm thời tạm dừng khoảng 4 lò cao tại Khu liên hợp Hải Dương và Khu liên hợp Dung Quất từ tháng 11 để giảm lượng hàng tồn kho và cắt giảm chi phí hoạt động.
Thông tin từ Trí thức & Cuộc sống, báo cáo cập nhật ngày 9/11 của SSI Research điều chỉnh giảm 16% ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2022 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) xuống 10,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng với khoản lỗ ròng 270 tỷ đồng trong quý 4/2022.
Theo cập nhật mới nhất, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG trong tháng 10 giảm đáng kể xuống 210 nghìn tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2021. Theo đó sản lượng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa trong tháng lần lượt giảm 73% và 44% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ phôi thép, ống thép và thép mạ kẽm cũng giảm lần lượt 92%, 21% và 40% so với cùng kỳ, xuống lần lượt 15 nghìn tấn, 57 nghìn tấn và 27 nghìn tấn trong tháng 10.
Tập đoàn Hòa Phát định đóng 4 lò cao.
Mặt khác, sản lượng tiêu thụ HRC trong tháng 10 vẫn duy trì ở mức cao 269 nghìn tấn (tăng 30% so với cùng kỳ) nhưng có thể giảm trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ thép dẹt thành phẩm suy yếu. Theo đó, căn cứ trên sản lượng tiêu thụ, hiệu suất hoạt động của các lò cao của HPG trong tháng 10 đạt gần 70%.
Ngoài ra, HPG đang xem xét kế hoạch tạm thời tạm dừng khoảng 4 lò cao tại Khu liên hợp Hải Dương và Khu liên hợp Dung Quất từ tháng 11 để giảm lượng hàng tồn kho và cắt giảm chi phí hoạt động. Công ty hiện có 7 lò cao với tổng công suất trên 8 triệu tấn/năm.
Hòa Phát cho biết nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới.
Theo ban lãnh đạo, chi phí đóng cửa và mở lại mỗi lò cao vào khoảng 40 tỷ đồng và mất từ 5-7 ngày để khởi động lại một lò. Do đó, SSI Research cho rằng, mối lo ngại chính trong thời gian tới là nhu cầu thép giảm nhanh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, hơn là bản thân việc đóng cửa lò cao. Việc đóng cửa các lò cao có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo về triển vọng thị trường thép trong tương lai.
Thông tin từ Zing, theo lý giải kết quả kinh doanh quý III, Hòa Phát cho biết, nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh khiến doanh thu tập đoàn chỉ đạt 34.400 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm 1.786 tỷ đồng, lần đầu tiên ghi nhận tình trạng thua lỗ kể từ quý IV/2008.
Linh Anh (t/h)
Nguồn Doanh nghiệp và Hội nhập