Trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự cạnh tranh về thương mại, việc xây dựng nhà máy thông minh là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, từng bước theo kịp sự phát triển của khu vực và thế giới.

Công ty Cổ phần Accuracy đang được Tập đoàn Samsung hỗ trợ cải tiến kỹ thuât, công tác quản lý giúp DN tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất
Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh được Công ty Samsung Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương ký kết biên bản ghi nhớ vào tháng 2/2022 với mục tiêu hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 DN và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh trong 2 năm (2022-2023).
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi tiến hành khảo sát 12 DN tiềm năng hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, chế biến, chế tạo, Samsung Việt Nam đã lựa chọn 2 công ty (Công ty TNHH DM Vina và Công ty Cổ phần Accuracy) để hỗ trợ DN cải tiến kĩ thuật nâng cao hiệu suất làm việc thông qua dự án xây dựng nhà máy thông minh và cử các chuyên gia từ Hàn Quốc đến DN hỗ trợ cải tiến kĩ thuật, đào tạo quy trình quản lý.
Những ngày này, Công ty TNHH DM Vina (KCN Bình Xuyên 2) đang tập trung triển khai các nội dung ký kết xây dựng nhà máy thông minh.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH DM Vina cho biết: Là DN liên doanh giữa Hàn Quốc – Việt Nam đi vào hoạt động năm 2017, chuyên sản xuất linh kiện điện tử, màn hình cảm ứng, với mục tiêu trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Tập đoàn Sam Sung, công ty liên tục đổi mới, cải tiến về công nghệ sản xuất; tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động (NLĐ); xây dựng môi trường làm việc theo chuẩn 5S; duy trì hệ thống quản lý chất lượng và tham gia các chương trình hỗ trợ cải tiến kỹ thuật, kỹ năng quản lý, thái độ làm việc từ Samsung.
Đặc biệt, trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty đã linh hoạt thiết kế các buổi trao đổi thông tin trực tuyến, sử dụng phần mềm hệ thống liên kết giữa khách hàng với DN, đảm bảo hai bên cùng theo dõi sát sao tiến độ thực hiện công việc, đồng thời đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch mà vẫn thực hiện được kế hoạch giao nhận nguyên vật liệu, vật tư hàng hóa, dịch vụ đúng hạn, an toàn. Nhờ vậy, công ty luôn ổn định sản xuất, tạo việc làm cho 80 lao động với doanh thu năm 2021 đạt gần 20 tỷ đồng
Mặc dù công ty đã đạt mục tiêu trở thành nhà cung cấp cấp 1 của Tập đoàn Samsung vào tháng 1/2021 nhưng sản lượng sản xuất ra còn thấp so với năng lực. Do vậy, việc tham gia xây dựng nhà máy thông minh sẽ giúp công ty đào tạo nguồn nhân lực, cải tiến về chất lượng, tăng năng suất, giảm tỷ lệ lỗi, giảm thiểu tồn kho góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; đồng thời, có cơ hội tiếp cận và quảng bá, giới thiệu sản phẩm với các tập đoàn đa quốc gia cũng như tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh phát triển.
Hướng tới mục tiêu trở thành nhà máy thông minh, Công ty Cổ phần TNHH Accuracy (thành phố Vĩnh Yên) đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ tiên tiến; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, tay nghề cho NLĐ đáp ứng yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm của đối tác trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy.
Nhờ vậy, nhiều năm qua, công ty luôn được đối tác đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, DN vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn nhân lực để đổi mới.
Anh Trần Đức Hiếu, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Sau khi được lựa chọn tham gia dự án phát triển nhà máy thông minh, công ty đã được các chuyên gia của Tập đoàn Samsung hỗ trợ xây dựng “Hệ thống quản lý công đoạn” cho phép quản lý sản lượng/chất lượng và thiết bị theo thời gian thực hiện, tiến tới số hóa nhà xưởng. Dù mới bắt đầu dự án nhưng DN đã học hỏi được rất nhiều từ các chuyên gia, qua đó sẽ giúp DN nâng cao chất lượng, giảm chi phí, đảm bảo tiến độ giao hàng.
Không chỉ có 2 DN trên mà hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đều mong muốn được hỗ trợ xây dựng nhà máy thông minh. Hiện, toàn tỉnh có trên 13.500 DN đăng ký hoạt động, trong đó 97% DN nhỏ và vừa, phần lớn các DNNVV còn hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, quy trình công nghệ, kỹ thuật sản xuất, năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, tay nghề NLĐ.
Vì vậy, việc xây dựng nhà máy thông minh sẽ giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất; đồng thời, tăng cường kết nối giữa DN với chính quyền, giữa DN FDI với DN DDI và các hoạt động phối hợp, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, tiến tới tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Thực hiện tiến trình CNH-HĐH, thời gian qua, tỉnh đã phối hợp, kết nối các chương trình hợp tác với các tập đoàn, các DN FDI tại Việt Nam triển khai các hoạt động cải tiến sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực cho DN trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Đặc biệt, nhiều DN đã được Tập đoàn Samsung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn cải tiến DN…, qua đó giúp DN trong nước tăng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bài, ảnh: Mai Liên
Nguồn Báo Vĩnh Phúc