Một trong những yếu tố tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu trong năm tới, đó là sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong một sự kiện diễn ra mới đây, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết: Kinh tế thế giới trong giai đoạn 2024 - 2025 có thể giảm nhẹ.
Theo ông Lực, nếu năm 2023, kinh tế thế giới ghi nhận mức tăng 3,3%, thì sang giai đoạn 2024 - 2025 có thể giảm xuống còn 3,2%. Lạm phát cũng có xu hướng giảm, từ 6,7% của năm 2023 xuống còn 5,8% của 2024 và giảm còn 4,3% vào năm 2025.
Một trong những yếu tố tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu trong năm tới, đó là sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: RT)
TS Cấn Văn Lực cho biết, có 4 rủi ro chính trong năm 2024 - 2025. Thứ nhất, xung đột địa chính trị vẫn còn phức tạp, gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, phân mảnh và bảo hộ thương mại gia tăng. Đặc biệt là sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tác động tới tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thứ hai, lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, rủi ro nợ công và nợ đầu tư vẫn cao.
Thứ ba, đà phục hồi ở một số nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản,... đang chậm lại, kéo theo tăng trưởng toàn cầu giảm nhẹ so với năm 2023, nhưng có thể tăng trở lại vào năm 2026.
Thứ tư, đó là rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu, biến đổi khí hậu có xu hướng bất thường.
TS Cấn Văn Lực, một trong những yếu tố tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu trong năm tới, đó là sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Lực phân tích: Tổng thống Mỹ Donal Trump đã cam kết một loạt chính sách đối ngoại và kinh tế như phát triển kinh tế nội địa, giảm thuế thu nhập, tăng ưu đãi thuế, tăng ngân sách quốc phòng, đàm phán lại các thỏa ước thương mại và kiểm soát nhập cư.
Trong đó, nhóm chính sách kinh tế quan trọng bao gồm việc cắt giảm thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp) để kích cầu đầu tư và tiêu dùng nội địa, thu hút đầu tư nước ngoài và kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ quay trở lại.
Đặc biệt, chính sách tăng thuế nhập khẩu, đặt mức thuế lên đến 10-20% cho hàng hóa nhập khẩu, có thể lên đến 100% đối với các quốc gia trong khối BRICS (nhóm các nền kinh tế đang phát triển gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) không sử dụng USD trong giao dịch, gây áp lực đối với các nước như Việt Nam.
Kinh tế thế giới trong giai đoạn 2024 - 2025 có thể giảm nhẹ. (Ảnh: ST)
Tuy nhiên, cũng theo ông Lực, dù những chính sách mới từ tân Tổng thống Mỹ mang lại nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn có cơ hội hưởng lợi từ sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi Mỹ áp thuế với hàng hóa Trung Quốc, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển chuỗi cung ứng sang những điểm đến khác, trong đó Việt Nam là một trong những đích đến hàng đầu.
Bên cạnh đó, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ còn nhiều tiềm năng. Trong giai đoạn gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn từ Mỹ đã quan tâm đến Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, bán dẫn và khoa học công nghệ.
Để hạn chế rủi ro, Việt Nam cần cân bằng cán cân thương mại với Mỹ bằng cách tăng nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao như bán dẫn, thiết bị y tế, năng lượng. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực nội tại thông qua việc minh bạch hóa thông tin hàng xuất khẩu, kiểm soát chất lượng các dự án FDI nhằm ngăn chặn tình trạng “đội lốt” để tránh thuế.
“Cần nghiên cứu cơ chế khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào thị trường Mỹ”, ông Lực nhấn mạnh.
Định Trần /Nhà báo và Công luận