Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có chuyến thăm Ukraine lần đầu tiên sau hơn 2 năm rưỡi, khẳng định Đức tiếp tục là một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất châu Âu.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vào ngày 2/12, Thủ tướng Scholz thông báo Đức sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự tiếp theo trị giá 650 triệu euro trong tháng này. "Tôi muốn khẳng định rằng Đức sẽ tiếp tục là một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất tại châu Âu," ông nói.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại phủ thủ tướng ở Berlin, ngày 27/11. Ảnh: AP
Chuyến thăm của ông Scholz diễn ra trước cuộc bầu cử sớm ở Đức dự kiến vào tháng 2. Trong bối cảnh chiến dịch bầu cử, ông Scholz đã nhấn mạnh vị trí của Đức là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine, đồng thời thể hiện sự thận trọng trong việc ngăn chặn xung đột leo thang và từ chối cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus.
Thủ tướng Đức cũng thận trọng khi đề cập đến việc thúc đẩy nhanh tư cách thành viên NATO cho Ukraine. Ngày 29/11, ông Zelenskyy đã phát tín hiệu rằng việc Ukraine gia nhập NATO có thể chấm dứt "giai đoạn căng thẳng" trong cuộc chiến. Trong những tháng gần đây, ông Scholz đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm con đường hòa bình.
Dù vậy, ông Scholz đã bị nhà lãnh đạo Ukraine chỉ trích vào tháng 11 vì đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, được coi là cuộc điện đàm đầu tiên giữa nhà lãnh đạo một cường quốc phương Tây và Tổng thống Nga trong gần hai năm.
Trong cuộc gọi này, ông Scholz đã thúc giục ông Putin đàm phán với Ukraine, nhưng Tổng thống Nga yêu cầu bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải thừa nhận các lợi ích lãnh thổ và yêu cầu an ninh của Nga, trong đó có việc Ukraine từ bỏ ý định gia nhập NATO.
Vào tháng 10, ông Zelenskyy đã đến Berlin để gặp Thủ tướng Scholz và kêu gọi sự ủng hộ cho "kế hoạch chiến thắng", trong đó bao gồm đề xuất Ukraine sẽ nhận được lời mời chính thức gia nhập NATO và yêu cầu sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây để tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga.
Sau khi các quốc gia phương Tây cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào tháng 11, ông Putin đã đáp trả bằng việc sử dụng một tên lửa đạn đạo tầm trung mới có tên Oreshnik để tấn công Ukraine. Đây là lần đầu tiên tên lửa này được sử dụng trong bất kỳ cuộc xung đột nào.
Ngọc Ánh (AP) /Nhà báo và Công luận