Lừa đảo mua bán xe qua mạng gia tăng với thủ đoạn tinh vi nhắm vào tâm lý người dân, gây thiệt hại lớn về tài sản và niềm tin.
Mới đây, Công an huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) phối hợp các đơn vị tại Thanh Hóa và Hưng Yên triệt phá thành công một đường dây lừa đảo qua mạng xã hội. Với những thủ đoạn tinh vi, nhóm đối tượng đã chiếm đoạt hàng tỷ đồng từ nhiều nạn nhân trên cả nước. Sự việc này là lời cảnh báo mạnh mẽ đến người dân, đặc biệt trong thời điểm cận Tết – khi nhu cầu mua sắm tăng cao và tâm lý dễ bị lừa đảo.
Theo thông tin từ cơ quan công an, đối tượng hoạt động thông qua việc lập các tài khoản Facebook, Zalo giả danh là cửa hàng bán xe máy, ô tô nhập khẩu giá rẻ. Những hình ảnh đăng tải trên các tài khoản này đều được chỉnh sửa, cắt ghép công phu để tạo niềm tin với người mua. Khi khách hàng quan tâm và nhắn tin, chúng sử dụng các số điện thoại rác để kết bạn qua Zalo, gửi thêm thông tin và hình ảnh "giả mạo" về cửa hàng, từ đó thuyết phục nạn nhân chuyển tiền đặt cọc.
Nhằm tăng thêm độ tin cậy, các đối tượng còn giả danh cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, gọi điện kiểm tra thông tin cá nhân của người mua, đồng thời yêu cầu chuyển thêm tiền để làm giấy tờ và biển số xe. Sau khi nhận tiền, chúng ngay lập tức chặn liên lạc và "biến mất".
Từ tháng 7/2023 đến nay, nhóm lừa đảo khai nhận đã chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người, với số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của các nạn nhân.
Người dân cần đề cao cảnh giác khi mua các tài sản có giá trị như ô tô, xe máy qua mạng. (Ảnh minh họa)
Anh N.V.H, 42 tuổi (trú tại quận Hà Đông, TP.Hà Nội) cũng là một trong số rất nhiều nạn nhân bị lừa đặt cọc mua xe. Anh H. kể: “Gia đình mình đang có nhu cầu mua 1 chiếc xe ô tô cũ, hai vợ chồng cũng đã đến một số gara ô tô để tìm hiểu về giá cả nhưng vẫn thấy hơi đắt. Trong lúc chưa tìm được chiếc xe ưng ý về giá, mình có lên mạng gõ thử “muốn mua xe ô tô giá rẻ” ngay lập tức ra một số hội nhóm. Khi tham gia và hỏi thử giá chiếc xe Toyota Vios G 1.5 AT sản xuất 2018 form mới, họ nói giá 299 triệu. Trong khi đi hỏi ở các gara xe này thường có giá hơn 400 triệu. Thấy vậy mình thắc mắc sao giá rẻ bất thường thì họ nói đây là xe thanh lý, do có mối quan hệ nên họ mua được giờ bán lại”.
Người bán xe đưa ra rất nhiều lý do để thuyết phục anh H. Về phần mình, anh như bị “thao túng tâm lý” nên đã đồng ý đặt cọc 20 triệu mua chiếc xe Toyota Vios G 1.5 AT. Nhưng đến ngày hẹn lấy xe, anh H. gọi cho người bán rất nhiều cuộc nhưng điện thoại luôn trong tình trạng thuê bao. Đến lúc này anh mới nhận ra mình đã bị kẻ xấu lừa. Anh bảo: “Đúng là của rẻ là của ôi, cái gì rẻ bất thường đều luôn có vấn đề”.
Ông Bùi Vũ Phi Bằng, kinh doanh xe ô tô cũ ở TP.HCM cho rằng không có cơ quan nhà nước hay cá nhân nào được phép thanh lý xe nhập lậu, trốn thuế, giá rẻ như các trang mạng xã hội rao. "Để tránh bị bẫy nên mua xe chính ngạch tại các showroom, đóng thuế đàng hoàng, giao xe đúng hẹn", ông Bằng khuyên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đồng - chuyên gia ô tô nhận định, rất vô lý khi xe giá rẻ hơn một nửa hoặc 2/3 so với giá bán công khai trên thị trường. Ông Đồng cho rằng không có ô tô siêu rẻ mà không đi liền… cái bẫy
Ông Đồng nhìn nhận: "Sản phẩm có những tiêu chuẩn riêng nên tung ra thị trường thì giá trị không thể có mức giá rẻ bèo so với mức chung. Ở Việt Nam cái gì cũng mua online, đừng vì rẻ đôi ba triệu mà mất hàng trăm triệu. Nên mua xe ở cửa hàng, salon uy tín, có địa chỉ, để sản phẩm bảo đảm độ xác thực về kỹ thuật cũng như yếu tố liên quan đến sản phẩm".
Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh bị lừa và mất tiền oan, người dân cần đặc biệt thận trọng với những quảng cáo xe nhập khẩu giá rẻ bất ngờ trên các nền tảng như Facebook, Zalo. Đây thường là dấu hiệu của tài khoản giả mạo, được lập ra để đánh vào tâm lý ham rẻ và thiếu thông tin của người mua.
Trước hết, người dân không nên tin vào những hình ảnh quảng cáo bắt mắt hoặc địa chỉ cửa hàng mơ hồ trên mạng. Để xác minh, cần kiểm tra thông tin qua trang web chính thống hoặc hỏi ý kiến từ những người có kinh nghiệm mua bán. Việc tìm đến các đại lý xe chính hãng hoặc cửa hàng có thương hiệu uy tín là cách hiệu quả nhất để đảm bảo quyền lợi và tránh bị lừa.
Khi có ý định mua xe qua mạng, người dân tuyệt đối không nên chuyển tiền đặt cọc mà chưa có thông tin rõ ràng về người bán hoặc địa chỉ giao dịch. Các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân không rõ nguồn gốc, sau đó cắt đứt liên lạc ngay khi nhận tiền. Do đó, nếu gặp phải yêu cầu chuyển tiền đặt cọc, cần yêu cầu hóa đơn và biên nhận đầy đủ hoặc ưu tiên thanh toán trực tiếp tại cửa hàng.
Thanh Hiền (t/h) /Chất lượng Việt Nam