Trong tuần từ 4/11 đến 8/11, thị trường chứng khoán có 18 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt, cổ phiếu.
CTCP Mía đường Cao Bằng (Mã: CBS) là đơn vị có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt cao nhất sàn chứng khoán vào tuần tới.
Công ty chốt ngày 8/11 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức tiền mặt niên độ 2023-2024, tỷ lệ 30% (1 cổ phiếu nhận 3.000 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/11, ngày thanh toán vào 19/11.
Với hơn 5,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi hơn 15,6 tỷ đồng trả cổ tức. Ông Nông Văn Sơn - thành viên HĐQT Mía đường Cao Bằng dự kiến nhận 7 tỷ đồng do nắm 45,97% vốn, Chủ tịch HĐQT Nông Văn Thuyết nắm 5,4% vốn, sẽ bỏ túi khoảng 840 triệu đồng.
Mía đường Cao Bằng là đơn vị thường trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, giai đoạn 2020-2023, công ty duy trì tỷ lệ 10 - 30%. Niên độ 2024 – 2025, mức cổ tức dự kiến là 20%.
Cổ đông CTCP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT (Mã: HPT) sắp nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 12% (1 cổ phiếu nhận 1.200 đồng).
Ngày đăng ký cuối cùng là 8/11, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/11. Thời gian thanh toán dự kiến là 2/12.
Với hơn 10,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, HPT cần bỏ ra hơn 12,3 tỷ đồng trả cổ tức. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Ngô Vi Đồng dự kiến nhận hơn 1,6 tỷ đồng do nắm 13,49% vốn điều lệ.
HPT tiền thân là Công ty TNHH Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, được thành lập từ năm 1995. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin như phần mềm, điện toán đám mây, an toàn thông tin….
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - Mã: BCM) chốt ngày 5/11 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng).
Ngày giao dịch không hưởng quyền là 4/11. Thời gian thanh toán dự kiến là 27/12.
Với hơn 1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Becamex IDC cần chi 1.035 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Trong đó, UBND tỉnh Bình Dương có thể thu về gần 988 tỷ đồng do nắm 95,44% vốn.
Trên sàn chứng khoán, Becamex IDC là doanh nghiệp đều đặn trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, tỷ lệ năm 2022 là 8%, năm 2021 là 7%, năm 2020 là 8%.
Tuần tới, có hai công ty chốt quyền nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% là CTCP Tôn Đông Á (Mã: GDA), CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (Mã: HNF).
Về cổ tức cổ phiếu, CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - Mã: GIL) chốt ngày 11/11 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu. Ngày giao dịch không hưởng quyền tương ứng là 8/11.
Gilimex dự kiến sẽ phát hành hơn 31,6 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 45,2% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu có quyền nhận 45,2 cổ phiếu mới). Như vậy, vốn điều lệ sẽ tăng từ 699 tỷ đồng lên 1.015 tỷ đồng.
CTCP Nam Việt (Navico - Mã: ANV) thông báo ngày 8/11 là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng).
Navico dự kiến sẽ phát hành hơn 133 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 100% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu có quyền nhận 1 cổ phiếu mới).
Như vậy, vốn điều lệ sau phát hành của công ty sẽ tăng gấp đôi lên mức 2.667 tỷ đồng. Con số này sẽ đưa Navico chính thức vượt mặt Vĩnh Hoàn (vốn điều lệ 2.244 tỷ đồng) để đứng đầu công ty cá tra có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán.
Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ thông tin công ty công bố
Lâm Anh /Doanh Nhân Việt Nam