Chỉ còn 1,04 triệu Bitcoin chờ khai thác trước năm 2140, khi giá trị đã chạm mốc 90.000 USD, liệu đây có phải cơ hội cuối cho nhà đầu tư?
Bitcoin có tổng nguồn cung giới hạn ở mức 21 triệu coin, nhưng không phải tất cả Bitcoin đều đã được đưa vào lưu thông. Số Bitcoin còn lại vẫn cần được khai thác để chính thức tham gia thị trường. Chính yếu tố khan hiếm này đã góp phần quan trọng vào việc đẩy giá Bitcoin lên mức 90.000 USD và cao hơn nữa.

Câu hỏi về tiền điện tử bitcoin. Ảnh: MicroStockHub
Tổng nguồn cung Bitcoin
Bitcoin được thiết kế với nguồn cung tối đa là 21 triệu đồng, trong đó hơn 19,9 triệu đồng đã được khai thác và lưu hành tính đến tháng 2/2025. Tuy nhiên, con số này không nói lên toàn bộ câu chuyện.
Cơ chế giới hạn nguồn cung 21 triệu đồng được xây dựng nhằm ngăn chặn lạm phát làm giảm sức mua của Bitcoin. Thay vì được phát hành cùng lúc, Bitcoin chỉ dần xuất hiện thông qua quá trình khai thác.
Khai thác Bitcoin là việc sử dụng các hệ thống máy tính mạnh mẽ để giải quyết những bài toán phức tạp, giúp bảo mật mạng lưới và xác nhận giao dịch. Cơ chế này cũng ngăn chặn tình trạng chi tiêu hai lần - tức là rủi ro khi một Bitcoin bị sử dụng hai lần trong giao dịch.
Đã có bao nhiêu Bitcoin được khai thác?
Tính đến hiện tại, hơn 19,9 triệu Bitcoin đã được khai thác, đồng nghĩa với việc chỉ còn khoảng 1,04 triệu BTC chưa được tạo ra.
Quá trình khai thác diễn ra khi các thợ đào xác minh giao dịch và thêm khối mới vào blockchain. Để khuyến khích họ, hệ thống thưởng cho người đầu tiên xác nhận đầy đủ một khối giao dịch với phần thưởng khối (block reward), hiện đang ở mức 3,125 BTC (tính đến tháng 2/2025).
Tuy nhiên, Bitcoin có cơ chế giảm một nửa phần thưởng khai thác (halving) diễn ra khoảng bốn năm một lần. Điều này giúp đảm bảo Bitcoin ngày càng khan hiếm, làm chậm tốc độ tạo ra đồng tiền mới.
Còn bao nhiêu Bitcoin có thể khai thác?
Hiện vẫn còn khoảng 1,04 triệu Bitcoin có thể khai thác. Trung bình, cứ 10 phút lại có một khối mới được thêm vào blockchain, đồng nghĩa với việc có khoảng 450 Bitcoin được tạo ra mỗi ngày theo mức phần thưởng khối hiện tại.
Tuy nhiên, theo lộ trình giảm một nửa phần thưởng, số Bitcoin mới sẽ ngày càng ít dần. Nếu tốc độ khai thác duy trì như hiện tại, giới chuyên gia dự đoán toàn bộ 21 triệu Bitcoin sẽ được khai thác hết vào năm 2140.
Ai đang sở hữu Bitcoin?
Phần lớn Bitcoin thuộc về các nhà đầu tư cá nhân, nhưng không phải ai cũng nắm giữ lượng Bitcoin đáng kể. Theo Bitcoin Treasuries, khoảng 15% nguồn cung Bitcoin đang lưu hành thuộc về các công ty, quỹ đầu tư, tổ chức khai thác và chính phủ.
Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 75% Bitcoin đang thuộc về các nhà đầu tư cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ, những người nắm giữ lượng Bitcoin không đủ lớn để được theo dõi chính thức.
Một số cá nhân sở hữu lượng Bitcoin lớn nhất hiện nay gồm: Satoshi Nakamoto: 1,1 triệu BTC; Anh em nhà Winklevoss: 70.000 BTC; Tim Draper: 29.500 BTC; Michael Saylor: 17.732 BTC.
Dù đây chỉ là ước tính, nhưng mỗi cá nhân trong danh sách này đều đang nắm giữ lượng Bitcoin trị giá hàng triệu USD.
Cơ chế giảm một nửa Bitcoin (Bitcoin Halving)
Thợ đào Bitcoin sử dụng sức mạnh tính toán khổng lồ để giải quyết các phương trình phức tạp nhằm xác minh giao dịch và thêm khối mới vào blockchain. Đây là bản ghi kỹ thuật số chứa toàn bộ giao dịch Bitcoin từ trước đến nay.
Khi một thợ đào hoàn tất việc xử lý khối, họ sẽ nhận được phần thưởng bằng Bitcoin. Mức phần thưởng hiện tại là 3,125 BTC.
Tuy nhiên, để duy trì tính bảo mật và khan hiếm của Bitcoin, cứ bốn năm một lần, phần thưởng khai thác sẽ bị cắt giảm một nửa. Những lần giảm trước đó diễn ra vào các năm 2012, 2016, 2020 và gần đây nhất là năm 2024.
Mục đích của cơ chế này là để kiểm soát nguồn cung và đảm bảo Bitcoin giữ được tính chất giảm phát. Khi việc khai thác trở nên khó khăn hơn, nguồn cung sẽ giảm dần, trong khi nhu cầu có thể tiếp tục tăng. Điều này lý giải tại sao Bitcoin thường có biến động mạnh cứ sau mỗi chu kỳ bốn năm.
Hiện tại, phần thưởng khối đang là 3,125 BTC, nhưng sẽ giảm xuống còn 1,5625 BTC sau sự kiện halving tiếp theo, dự kiến diễn ra vào tháng 3/2028.
Điều gì sẽ xảy ra khi toàn bộ Bitcoin được khai thác?
Ngay cả khi tất cả Bitcoin đã được khai thác, mạng lưới blockchain vẫn sẽ tiếp tục xử lý giao dịch, và các thợ đào vẫn sẽ đóng vai trò xác minh. Tuy nhiên, thay vì nhận Bitcoin mới như phần thưởng, họ có thể chuyển sang nhận phí giao dịch từ người dùng.
Một số chuyên gia lo ngại rằng nếu không còn Bitcoin mới để khai thác, thu nhập từ phí giao dịch có thể không đủ hấp dẫn để thợ đào tiếp tục duy trì hệ thống. Điều này có thể ảnh hưởng đến tính bảo mật của mạng lưới, do số lượng thợ đào và các đơn vị xác minh giảm đi.
Tuy nhiên, nếu Bitcoin đủ giá trị khi toàn bộ nguồn cung đã cạn kiệt, thì phí giao dịch có thể trở nên hấp dẫn hơn, giúp thợ đào tiếp tục duy trì hoạt động. Trong trường hợp có sự sụt giảm về số lượng thợ đào, độ khó của thuật toán khai thác cũng sẽ tự động điều chỉnh để đảm bảo blockchain vận hành ổn định.
Vì sao nguồn cung Bitcoin quan trọng đối với nhà đầu tư?
Vậy tại sao Bitcoin chỉ có 21 triệu đồng? Cơ chế giới hạn nguồn cung này nhằm đảm bảo Bitcoin có thể hoạt động như một hệ thống tiền tệ bền vững.
Sự khan hiếm tạo ra giá trị. Khi nguồn cung bị giới hạn, nhu cầu có xu hướng gia tăng. Điều này giúp Bitcoin giữ được tính chất giảm phát, tránh tình trạng phát hành quá mức khiến giá trị suy giảm như tiền pháp định (fiat).
Ngoài ra, việc giới hạn ở mức 21 triệu đồng cũng góp phần nâng cao tính bảo mật cho hệ thống, khuyến khích các thợ đào tiếp tục xác minh giao dịch. Chính nguồn cung hữu hạn này đã góp phần đẩy giá Bitcoin lên cao và khiến nó trở thành một tài sản hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Việt Hà (GO Banking Rates)
Nhà báo và Công luận